Kỷ niệm buồn về Hoàng Sa của các nhân chứng
Kỷ niệm buồn về Hoàng Sa của các nhân chứng
>> "Kỷ yếu Hoàng Sa" ra mắt hết sức xúc động và ấn tượng
>> Hoàng Sa trong nỗi nhớ của các nhân chứng sống
Các nhân chứng từng sống, làm việc và chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: HC |
Kế sách của Trung Quốc
Tại buổi ra mắt tập sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" chiều 9/1, ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) cho hay, quần đảo Hoàng Sa đã được xác định gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác, chia làm hai cụm đảo chính là cụm Lưỡi Liềm ở phía Đông và cụm An Vĩnh ở phía Tây. Chính người dân Việt Nam đã lấy lấy tên các công thần khai phá Hoàng Sa để đặt tên cho các đảo.
Ở cụm Lưỡi Liềm (có hình cánh cung lưỡi liềm, gần đất liền Việt Nam) có 8 đảo Hoàng Sa, Đá Bắc, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hoà, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá. Cụm đảo An Vĩnh đặt theo tên xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của biển Đông như Phú Lâm, Linh Côn, Hòn Đá, đảo Cây, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam.
Nhân chứng Phạm Khôi mô tả lại cách bố phòng trên quần đảo Hoàng Sa qua bản đồ sơ phác do chính ông vẽ lại - Ảnh: HC |
“Những ngày này chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn sự mất mát một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đối với những nhân chứng từng đặt chân lên mảnh đất này làm nhiệm vụ giữ đảo, bảo vệ biên cương, những ngày sống và làm việc trên đảo luôn là kỷ niệm đẹp nhất nhưng cũng là ký ức buồn nhất khi quần đảo bị đánh chiếm. Kỷ niệm luôn hiện hữu trong tâm trí họ như mới vừa hôm qua" - ông Đặng Công Ngữ chia sẻ.
Điều đó rất đúng với ông Trần Hoà (sinh năm 1954, hiện ở tổ 5, khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Tháng 10/1973, ông nhân Sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam ra Hoàng Sa chăm sóc sức khoẻ, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng trên đảo.
Tàu cá có trang bị vũ trang của Trung Quốc khiêu khích chiến hạm của hải quân Việt Nam Cộng hoà tại đảo Cam Tuyền thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 15/1/1974 - Chụp lại từ ảnh tư liệu trong sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" |
Ông tâm sự, trong những ngày này, cứ mỗi lần hay tin tàu cá của Việt Nam hoạt động đánh bắt bình thường trên vùng biển Hoàng Sa bị phía Trung Quốc bắt giữ, cướp cá, cướp tàu, đánh đập ngư dân... là ông lại nhớ đến những con chim quốc quốc trên đảo Hoàng Sa gióng tiếng kêu thương khắc khoải hướng về đất liền với bao nỗi chờ mong.
Ông cho hay, từ khoảng tháng 10/1973, tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa ngày càng nhiều. Khi tàu gặp tàu tuần tra của chính quyền Sài Gòn thì những tàu này bỏ chạy ra hải phận quốc tế, khi tàu tuần tra đi rồi họ lại buông neo thả lưới quanh đảo. "Anh em trên đảo chỉ lo nhiệm vụ giữ đảo, còn đẩy đuổi ngư dân nước ngoài xâm phạm lãnh hải thì không có phương tiện nên đành chịu" - ông Trần Hoà kể.
Ông cùng những người trên đảo Hoàng Sa hoàn toàn không thể ngờ đó là kế sách của phía Trung Quốc. Để rồi đến ngày 19/1/1974, hàng đoàn tàu đánh cá được trang bị vũ trang đã hợp sức cùng tàu chiến của hải quân Trung Quốc có hành động khiêu khích, tiến đến gần Hoàng Sa rồi bất ngờ đổ quân đánh chiếm trái phép quần đảo của Việt Nam.
Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ năm 1909 trở về trước đều chứng minh Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) không thuộc Trung Quốc - Chụp lại từ ảnh tư liệu trong sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" |
Nỗi đau mất đảo thân yêu
Khi đó, ông Lê Lan (sinh năm 1952, hiện ở tổ 13, phường Sơn Phong, khối phố 3, Hội An, Quảng Nam) từng là y tá quân y thuộc Tiểu khu Quảng Nam trước năm 1975 và là một trong số 11 nhân chứng có mặt tại buổi ra mắt sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" chiều 9/1 cũng chính là người đã có mặt trong trận hải chiến đó.
Năm 1971, ông nhận nhiệm vụ ra đảo Hoàng Sa canh giữ, bảo vệ đảo và phụ trách khám sức khoẻ, cung cấp thuốc cho anh em binh sĩ đồn trú trên đảo trong 3 tháng. Đến năm 1973, ông tiếp tục được cử ra Hoàng Sa công tác. Khi chỉ còn khoảng 1 tuần nữa ông trở về đất liền thì quần đảo bất ngờ bị phía Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm trái phép.
Chụp lại từ ảnh tư liệu trong sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" |
"Lúc ấy có cả đoàn giám sát thiết lập phi trường trên đảo bị kẹt lại, trong đó có 1 người Mỹ. Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu giữ lấy đảo vì đảo thuộc chủ quyền của chúng ta nhưng hải quân Trung Quốc đông quá cùng tàu chiến nhiều nên cuối cùng đã chiếm Hoàng Sa. Tôi cùng 32 người khác bị đưa về tạm giam ở đảo Hải Nam 3 tháng, khi đó có thêm 21 người bị hải quân Trung Quốc bắt ở đảo khác. Sau đó chúng tôi bị đưa về trại thu dung tù binh ở Quảng Châu (Trung Quốc) khoảng 1 tháng rồi giao cho Tổ chức Hồng Thập tự Quốc tế của Anh trao trả cho chính quyền Sài Gòn" - ông Lê Lan nhớ lại.
Ông Trần Văn Hảo (sinh năm 1938, hiện ở tổ 14 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng là một nhân chứng trận hải chiến đó. Trước năm 1975, ông tham gia lính địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam, cấp bậc trung sĩ. Năm 1968, ông được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam biên chế vào trung đội Hoàng Sa, lên tàu Hải quân miền Nam rời cảng Đà Nẵng ra làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo Hoàng Sa.
Báo chí Sài Gòn trước năm 1975 đưa tin Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa - Chụp lại từ ảnh tư liệu trong sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" |
Khi xảy ra vụ tấn công trái phép ngày 19/1/1974, trung đội của ông đã đối đầu quyết liệt với lực lượng hải quân và tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ, phía Trung Quốc cậy tàu to súng lớn trong khi lực lượng trên đảo quá mỏng nên ông Hảo cùng một số anh em trong đội quân bảo vệ Hoàng Sa đã bị bắt.
Cùng cảnh ngộ ấy là ông Nguyễn Văn Cúc (sinh năm 1952, hiện ở tổ 11, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Năm 1973, ông liên tiếp ba lần được cử ra khảo sát, sửa chữa và xây dựng ở Hoàng Sa. Lần thứ 3 ông ra đảo vào tháng 12/1973 để lấy mẫu đất, khảo sát xây dựng sân bay. Khi ông đang trên đường trở về đất liền thì bị tàu chiến Trung Quốc bắt giữ trong cuộc xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam...
Sinh viên Việt kiều ở Pháp biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa năm 1974 - Chụp lại từ ảnh tư liệu trong sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" |
Ông kể, đang lênh đênh trên biển thì tàu của ông gặp tàu chiến Trung Quốc. Sau một ngày giằng co, họ áp sát buộc tàu của ông quay lại đảo. Mọi người trên tàu bàng hoàng khi trực tiếp chứng kiến Hoàng Sa bị chiếm, đau đớn, xót xa khi thấy mảnh đất của Việt Nam rơi vào tay kẻ khác. Sau một ngày bị bắt giữ trên đảo, hải quân Trung Quốc chở ông về đảo Hải Nam; rồi lên tàu lớn về giam ở Quảng Châu cả tháng trời.
Đó là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Cúc đón Tết nơi đất lạ. Bên cạnh cảm giác hờn tủi, đau đớn khi ngày Tết mà phải xa quê hương, xa vợ con, ông và các đồng sự còn mang nỗi niềm chua xót khi Hoàng Sa bị chiếm giữ. Sau đó Trung Quốc trao trả họ cho Hồng Thập tự Anh tại Hồng Kông. Ông Cúc là một trong 5 người đầu tiên được trao trả. Họ lên máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất rồi về Đà Nẵng.
"Trở về nhà biết mình còn sống nhưng niềm vui đoàn tụ cùng gia đình cũng không thể xua tan nỗi buồn mất Hoàng Sa. Cứ đến tháng Giêng hàng năm là tôi lại thấy thẫn thờ, mất mát, bởi những ký ức về vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Sa cũng như nỗi đau buồn khi chứng kiến Hoàng Sa bị rơi vào tay kẻ khác…" - ông Nguyễn Văn Cúc thốt lên đau đớn.
Nay các nhân chứng sống đều đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng vẫn mang niềm khắc khoải cháy bỏng là phải lấy lại Hoàng Sa, phải đưa một phần lãnh thổ thiêng liêng ngoài khơi xa về lại với đất mẹ Việt Nam. Trong họ vẫn không ngừng bừng lên hy vọng được một lần trở lại với Hoàng Sa thân yêu.
HẢI CHÂU