Khi không đủ căn cứ kết tội, cơ quan tố tụng phải kết luận không có tội
Hôm nay (6/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), đa số ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ nội dung nguyên tắc “Suy đoán vô tội”. Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, dự thảo chỉnh lý “Nguyên tắc suy đoán vô tội” như sau:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.
Đây là một bước tiến trong việc phòng chống oan sai và tiếp cận gần hơn với quy định của Hiến pháp 2013.
ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Tại phiên thảo luận hội trường, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre ) đánh giá về sự tiến bộ của Dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự. Theo Đại biểu Phong, các nguyên tắc này là sự tiến bộ nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, bảo đảm những trình tự, thủ tục, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan, của người có thẩm quyền trong tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Trong đó, nguyên tắc suy đoán vô tội, Điều 13 và đảm bảo tranh tụng xét xử Điều 26 đã thể hiện được quan điểm tiến bộ hết sức vượt bậc trong hoạt động tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, ĐB Phong cũng bày tỏ mong muốn, nguyên tắc suy đoán vô tội cần nghiên cứu bao quát thêm trường hợp không đủ chứng cứ chứng minh tội nặng hơn hoặc bồi thường thiệt hại cao hơn để bảo đảm có lợi cho bị can và bị cáo.
Cũng nói về nguyên tắc suy đoán vô tội, Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang ) cho rằng, Điều 13, nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể xem đây là một quy định cụ thể hóa tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và Hiến pháp năm 2013 và bảo vệ quyền con người trong tư pháp hình sự.
Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Hồng Phong đề nghị Ban soạn thảo thiết kế điều luật chưa thể hiện theo cải cách tư pháp. Đoạn đầu của Điều 13 ghi lại toàn bộ Khoản 1, Điều 31 của Hiến pháp năm 2013.
“Theo tôi điều luật nên thiết kế theo hướng cơ quan người tiến hành tố tụng phải đặt người có hành vi phạm tội vào tư cách người không phạm tội. Trên cơ sở đó để tiến hành thu thập chứng cứ để chứng minh họ không phạm tội, tức là họ có tội thì mới tiếp tục sử dụng các chứng cứ để chứng minh họ có tội”- Đại biểu Phạm Hồng Phong nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Hồng Phong chỉ ra, Khoản 2, Điều 13, cho thấy sự ngược lại, tức là Ban soạn thảo đặt người tình nghi phạm tội là người phạm tội, do đó quá trình điều tra truy tố xét xử phải tập trung vào các chứng cứ buộc tội và chỉ khi nào không tìm ra chứng cứ chứng minh là họ không phạm tội thì lúc đó mới sử dụng các chứng cứ để tuyên bố người vô tội. Đại biểu Phong đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại để tránh làm oan sai người không có tội.