Kết luận điều tra ban đầu về "Tập đoàn Nam Long": Hé lộ thông tin rợn người
Các đối tượng trong đường dây tín dụng đen đang bị Công an tỉnh Thanh Hóa tạm giam. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Phát lộ từ việc 1 người chết trong bệnh viện
Vào khoảng 11h30 phút ngày 19/7/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch và ngay sau đó đã tử vong. Tuy nhiên, người đưa nạn nhân đến cấp cứu đã nhanh chân rời khỏi bệnh viện.
Nhận được tin báo, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và xác định nạn nhân là Nguyễn Văn Minh (SN 1999, trú huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) bị tử vong do dập lá lách, tụ máu và tổn thương một số cơ quan nội tạng.
Qua điều tra, Công an Thanh Hóa xác định, Nguyễn Văn Minh là nhân viên của Công ty tài chính Nam Long thuộc chi nhánh ở Bắc Kạn (Công ty Nam Long có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh).
Từ những manh mối đó, Cơ quan CSĐT đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng.
Vào tháng 7/2018, Minh có đi thu tiền của khách nhưng không nộp về công ty mà còn cầm cố thêm 1 chiếc xe máy để lấy tiền tiêu xài cá nhân, đồng thời bỏ trốn khỏi chi nhánh Bắc Kạn.
Ngày 8/7, Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Công ty tài chính Nam Long đã chỉ đạo các chi nhánh phía Bắc đến nhà Minh để đòi tiền. Đến ngày 9/7 thì tìm và bắt được Minh khi đang trốn ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Sau khi bắt được Minh, nhóm người này đã đánh hội đồng rồi đưa Minh về trụ sở ở Hà Nội. Tại đây, các đối tượng tiến hành họp kỷ luật và yêu cầu Minh xin lỗi, xin chữ ký từng người mới cho ở lại công ty, còn không thì sẽ đưa ra pháp luật.
Không những thế, các đối tượng đã lấy ra 1 bát cơm và 10 bát phân, bắt Minh chọn 10 lần. Nếu Minh chọn bát cơm thì sẽ bị bọn chúng đánh đập, đá vào lưng, vào ngực để dạy dỗ cách làm người. Rút cuộc, cả 10 lần Minh đều chọn bát cơm và bị chúng đánh cho nhừ tử.
Hai đối tượng cầm đầu tổ chức tín dụng đen Nam Long hoạt động trên toàn quốc. |
Chưa dừng lại ở đó, đến khoảng 4h sáng 10/7, Thành chỉ đạo Ngô Văn Chương đưa Minh vào chi nhánh Thanh Hóa để tiếp tục "quản lý, cải tạo và dạy dỗ cách làm người".
Tại chi nhánh Thanh Hóa, Minh được Chương giao cho 2 nhân viên mới trông coi. Đến khoảng 10h ngày 19/7, thấy sức khỏe Minh yếu nên Chương đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu. Khi nghe các bác sỹ nói bệnh nhân ngừng tim, chết lâm sàng nên Chương đã bỏ đi.
Xác định đây là vụ án có tính chất cực kỳ nghiêm trọng, liên quan đến hoạt động tín dụng đen, núp bóng doanh nghiệp; nhóm tội phạm này hoạt động trên phạm vi rộng, quan hệ phức tạp, tinh vi, chuyên nghiệp, có tổ chức, được phân công chặt chẽ; Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Bộ Công an để thành lập Ban chuyên án, Ban chỉ đạo chuyên án của Bộ Công an để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh triệt phá.
Chặt ngón tay nếu vi phạm quy chế
Về tổ chức "bộ máy", Nguyễn Đức Thành là người cầm đầu, điều hành Công ty tài chính Nam Long; Nguyễn Cao Thắng là người cung cấp tài chính và là cánh tay đắc lực. Bên dưới là các nhóm kế toán, quản lý nhân sự, nhóm tư vấn, chăm sóc khách hàng, tiếp xúc khách hàng và thu hồi nợ.
Tính đến thời điểm trước khi bị triệt phá và bắt giữ, Công ty Nam Long có 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Mỗi chi nhánh quản lý từ 2 đến 5 tỉnh do một người phụ trách, được chi trả tiền công, thuê nhà làm trụ sở giao dịch, làm việc và sinh hoạt cho cả quản lý và nhân viên.
Việc tuyển nhân viên của tổ chức này cũng hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Khi đăng tuyển nhân viên lên mạng xã hội, chúng hướng đến các đối tượng nam, có độ tuổi từ 18-30, lý lịch trong sạch, chưa có tiền án, tiền sự,... để tránh sự chú ý của Công an.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt ra các hình phạt hết sức hà khắc, mang tính ràng buộc, khống chế, đe dọa như: “Nếu phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, hủy hoại bản thân và gia đình, đánh đòn sa thải” hoặc “Phạt cải tạo trong công ty, cho đi tù...”.
Thủ đoạn hoạt động của tổ chức này hết sức chuyên nghiệp, người đi trước hướng dẫn cho người đi sau thông qua giáo án, giáo trình xử lý nợ, sổ sách ghi chép, phân loại khách hàng.
Tổ chức tín dụng đen Nam Long đặt ra những quy định hà khắc đối với nhân viên. |
Ngoài ra, nếu khách hàng không chịu trả tiền, hoặc có thái độ chống đối, tấn công thì công ty yêu cầu nhân viên không được bỏ chạy, không dùng vũ lực mà tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn, bằng cách tố cáo với Công an dưới dạng đơn vu khống, trình báo, tố cáo....
Thủ đoạn cho vay trả góp cũng hết sức đa dạng. Nếu vay trong thời hạn 41 ngày, mỗi ngày người vay phải trả tiền gốc và lãi là 3%; nếu vay trong thời hạn 51 ngày, mỗi ngày người vay phải trả gốc và lãi 2,5%; ngoài ra còn hợp đồng lãi đứng 15-30% ngày.
Tính đến khi bị triệt phá, 23/70 tài khoản Ngân hàng của Công ty thể hiện giao dịch trên 510 tỷ đồng. Trong đó, 12/26 khu vực có số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại vay vốn đủ số tiền từ 30 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng.
Hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các Cục Cảnh sát Hình sự, các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Như Infonet đã đưa tin trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích, Giữ người trái pháp luật, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; khởi tố 9 bị can trong tổ chức phạm tội này.
Các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Đức Thành (SN 1988), Ngô Văn Chương (SN 1988), cùng trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội); Trần Văn Phiên (SN 1991) và Đoàn Minh Cương (SN 1989, cùng trú huyện Hải Hậu, Nam Định); Vũ Văn Thanh (SN 1989) và Nguyễn Thành Long (SN 1998), cùng trú TP. Uông Bí, Quảng Ninh; Bùi Văn Chung (SN 1992, trú quận Kiến An, Hải Phòng); Nguyễn Cao Thắng (SN 1984) và Trần Hồng Phong (SN 1985, cùng trú tại TP.HCM).
Hiện nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tạm giam 4 tháng đối với 7 bị can. Hai bị can là Nguyễn Cao Thắng và Trần Hồng Phong đang bị cơ quan công an truy nã.