Kẻ cầm đầu nhóm côn đồ sát hại thiếu tá Bùi Tiến Tường sa lưới
Ngăn chặn cuộc xung đột đẫm máu trên, thiếu tá Bùi Tiến Tường - Phó trưởng CAP Hùng Vương, quận Hồng Bàng - đã anh dũng hy sinh. Phần lớn những kẻ tham gia vào vụ giết người, gây rối TTCC trên đã sa lưới pháp luật, ra tòa lĩnh án, song những kẻ cầm đầu trực tiếp thủ ác đã bỏ trốn biệt tăm. Không để cho cái các nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, lực lượng CBCS CATP Hải Phòng miệt mài săn tìm đối tượng trốn truy nã và đã bắt gọn chúng…
Ảnh minh họa |
TỪ CUỘC ĐÒI NỢ BẤT THÀNH
Mọi sự bắt đầu từ việc Đoàn Mạnh Trung, sinh 1957, quê huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, là công nhân Xí nghiệp đóng tàu Quỳnh Cư (ở khu vực bến Nở, phường Hùng Vương), đã lừa Trần Văn Thà, sinh 1981, ở xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, chiếm đoạt 6 triệu đồng. Do đó, 17h ngày 2-8-2005, Thà rủ theo một đám bạn, trong đó có Nguyễn Văn Hậu, sinh 1958, ở cùng xã, đi 1 xe taxi từ Thủy Nguyên đến Xí nghiệp Quỳnh Cư để đòi tiền. Đến trước cổng khu vực xí nghiệp, bọn Hậu nhìn thấy Trung đang ngồi uống bia cùng bạn nên vào ngồi cùng. Tại đây, Thà đòi tiền, còn Hậu tát Trung nhưng không gây thương tích. Trung đứng dậy nói đi lấy tiền rồi về cổng xí nghiệp thì gặp Vũ Mạnh Thắng, sinh 1980, là nhân viên bảo vệ xí nghiệp, bèn kể cho anh này nghe qua sự việc. Thắng bảo để nhờ Trần Văn Long (tức Long “ái”, sinh 1964, ở đường Hùng Vương) xử lý vụ án này.
Ngay sau đó, Trung và Thắng quay lại quán bia, vào ngồi cùng bàn với Long “ái” nói chuyện. Một lúc sau, Trung và sau đó là Long “ái” sang bàn Hậu nói chuyện. Lời qua tiếng lại, hai bên sửng cồ, đều vỗ ngực “ta đây”. Bọn Hậu đứng dậy định đánh Long nhưng gã này đã nhanh chân bỏ chạy. Liền đó, Long “ái” gọi điện cho em trai là Chung “ôn” (tức Trần Văn Chung, sinh 1972, ở khu tập thể Cảng, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền).
Chung đã gọi điện cho bạn là Nguyễn Văn Công, sinh 1971, ở phố Lãn Ông, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, đồng thời tập hợp hơn chục tên là đồng bọn đến khu vực chợ Đà Nẵng, rồi đi xe taxi và xe máy đến xí nghiệp Quỳnh Cư. Đây là đám đàn em của Chung “ôn” gồm: Thành “cách”, Thành “béo”, Bình “nổ”, Công “trố”, Tuấn “trâu”, Thanh “đầu bằng”, Hùng”kim”, Huy “ngố”, Phong “cọ ma”… Khi đến nơi, anh em Chung “ôn”, Long “ái” phân phát hung khí gồm dao, kiếm, giáo, mác, tuýp sắt, gậy gỗ, dây cáp sắt cho các đối tượng và bảo chúng đứng sang hai bên đường, cởi áo ra để chuẩn bị đánh nhau.
Đến 21h30 cùng ngày, bọn Thà, Hậu khoảng 10 người đi trên 2 xe taxi chạy từ phía nội thành đi qua cổng xí nghiệp Quỳnh Cư, khi đến cổng thì chạy chậm lại. Bọn Long “ái” từ hai bên đường lao ra chặn xe dùng gạch, chai, tuýp sắt, kiếm ném và đập phá làm 2 xe taxi hư hỏng nhẹ. Hai xe này vội chở bọn Thà, Hậu chạy về phía nội thành, sau đó về Thủy Nguyên. Chờ một lúc lâu, không thấy 2 xe taxi quay lại, bọn Chung “ôn” định đi về nhà Long thì đúng lúc đó, đồng chí Bùi Tiến Tường, sinh 1969, Phó trưởng CAP Hùng Vương, nghe tin có hai nhóm người đang xô xát nên đến hiện trường.
Khi đến nơi, đồng chí Tường dựng xe dưới lòng đường và hô: “Công an phường đây, tất cả đứng lại”. Long “ái” kêu lên: “Công an đấy”, một số đối tượng bỏ chạy. Riêng tên Chung “ôn” hô: “Nó có một mình thôi, quay lại đâm nó đi”. Bọn Long, Chung “ôn” cầm giáo đầu gắn ba chia, giáo đầu gắn dao nhọn, tuýp sắt đâm, đánh anh Tường khiến anh bị trọng thương. Gây án xong, bọn chúng bỏ chạy. Anh Tường được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong lúc 22h30 cùng ngày.
Quá trình xác minh làm rõ vụ án, cơ quan điều tra xác định các tên Long “ái”, Thành “béo”, Chung “ôn”, Thành “cách” là những kẻ trực tiếp gây ra cái chết cho thiếu tá Bùi Tiến Tường. Riêng Thành “cách” bị bắt sau đó, còn các tên Long “ái”, Chung “ôn”, Thành “béo” bỏ trốn biệt tăm. TAND TP đã đưa vụ án ra xét xử tuyên phạt Phan Hải Thành 14 năm tù về tội “Giết người”, 10 đối tượng khác lĩnh án từ 15 tháng tù giam đến 4 năm tù về tội “Gây rối TTCC”; Đoàn Mạnh Trung lĩnh 12 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
THEO DẤU CHUNG “ÔN”
Trong giới giang hồ thì anh em Long “ái”, Chung “ôn” cũng thuộc diện có “số má”, có đồng bọn chiến hữu và được tôn làm “đại ca”. Bởi thế, khi có sự chỉ cần Long “ái”, Chung “ôn” hô một tiếng là tập hợp được “đội hình” với đám lâu la lên tới vài chục tên. Sau khi gây hấn với bọn Thà, Hậu bên Thủy Nguyên và gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên, anh em Long “ái”, Chung “ôn” và đồng bọn của chúng mạnh đứa nào đứa nấy bỏ trốn. Hầu hết những tên tham gia vụ án trên đều đã bị bắt, bị sự trừng phạt của pháp luật nhưng anh em Long “ái”, Chung “ôn” thì hoàn toàn mất dấu tích. Nhiều lực lượng, nhiều đơn vị CATP đã tổ chức truy tìm chúng song chưa thu được kết quả.
Trong tâm trí của mỗi CBCS Công an Hải Phòng vẫn không thể nguôi ngoai khi nhắc tới vụ án năm xưa và tiếc thương người đồng chí đồng đội của mình đã vĩnh viễn ra đi. Với trung tá Nguyễn Hồng Nam - Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP (PC52) - cũng vậy. Tấm gương hy sinh dũng cảm của thiếu tá Bùi Tiến Tường đã khắc vào tâm khảm anh ý chí sẽ săn bắt bằng được những kẻ thủ ác năm xưa. Mấy năm trở lại đây, trung tá Nam khi đó đang là Đội trưởng Đội 2 Phòng PC52, đã có chút manh mối về Chung “ôn”. Những thông tin cứ mỗi năm một ít, được trung tá Nam tích lũy lại theo ngày tháng và hành trình lẩn trốn của tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này đã được chắp mối lại như sau:
Sau khi gây án, ngay đêm 2-8-2005, Chung được đồng bọn đưa lên lẩn trốn tại Hưng Yên. Là một “đại ca” có tiếng trong giới giang hồ của thành phố Cảng nên Chung không chỉ có đồng bọn, đàn em ở Hải Phòng mà hắn còn có quan hệ với “dân xã hội” ở các tỉnh lân cận. Do đó, khi biết Chung “ôn” gây ra vụ án đâm chết một sĩ quan công an, đồng bọn của hắn ở Hưng Yên ngay trong đêm đã đưa Chung ra Móng Cái, Quảng Ninh. Từ đây, Chung bỏ trốn sang Trung Quốc, dạt đến tận đặc khu Hồng Kông. Tại đây, Chung đi làm thuê và vẫn liên lạc về nhà thăm hỏi gia đình, đồng bọn, chiến hữu anh em của hắn. Cho đến một ngày đầu năm 2014, trung tá Nam nhận được nguồn tin Chung “ôn” đã về Việt Nam, nhưng hắn ở đâu còn chưa rõ…
Đối tượng Trần Văn Chung |
Sau hơn 8 năm bỏ trốn ra nước ngoài, về Việt Nam nhưng Chung không xuất hiện ở Hải Phòng mà đến tá túc tại một nhà đàn anh có máu mặt ở khu vực cầu Bình, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tại đây, Chung được đàn anh bao bọc đủ thứ, rất tin tưởng và sắm cả “hàng nóng” để hắn chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là đi đòi nợ thuê. Ấy là phải qua rà soát, sàng lọc rất nhiều thông tin, đồng thời phối hợp với các cục nghiệp vụ, nhất là Cục C52 - Bộ Công an thì trung tá Nam mới xác định được hành tung của Chung như vậy. Mặc dù Chung đã được nhiều đơn vị, nhiều lực lượng công an từ bộ đến các địa phương đưa vào “tầm ngắm” nhưng kiên trì và đeo bám đến tận cùng để có đầy đủ thông tin về tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này thì trung tá Nam đạt nhiều “điểm” hơn.
Từ những tài liệu đã thu thập được, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo BCH Phòng PC52 xác lập chuyên án 515.S do đại tá Đào Đình Hưng làm Trưởng ban với quyết tâm bắt bằng được Chung “ôn”. Chuyên án được mở ra, song có một điều khiến đại tá Hưng và trung tá Nam còn nhiều băn khoăn: Chung “ôn” là đối tượng rất manh động nguy hiểm, từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ đi đòi nợ thuê, hành tung của hắn rất bất thường.
Mục tiêu của những người làm án là xác định hiện Chung “ôn” đang ở đâu, làm phi vụ gì… để từ đó phác họa ra kế hoạch và những phương án bắt hắn đạt hiệu quả cao nhất. Và mọi sự đều phải thực hiện tuyệt đối bí mật, không rò rỉ thông tin, không có động thái nào để hắn biết đã bị công an đưa vào “tầm ngắm”, bởi chỉ cần thấy động, Chung có thể lại “tếch” ra nước ngoài thì việc truy bắt hắn sẽ khó lên gấp nhiều lần. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phá án cũng đã đề ra những biện pháp theo dõi mọi di biến động của Chung “ôn”, chỉ chờ cơ hội, thời điểm và không gian thuận tiện sẽ bắt hắn.
Đúng vào những ngày tháng 5-2015, khi kế hoạch và phương án tác chiến bắt Chung đã “hòm hòm” thì trung tá Nam dẫn đầu một đoàn công tác đi các tỉnh phía Nam săn bắt các đối tượng trốn truy nã lâu năm. 5 ngày đi xuyên 6 tỉnh phía Nam, tổ công tác đã tóm cổ được Nguyễn Dương Thọ, đối tượng gây án giết người đã bỏ trốn 32 năm tại Đắk-Lắk. Đang trong những ngày ở đất Buôn Mê Thuột thì trung tá Nam nhận được tin: Vào khoảng ngày 18 hoặc 19-5 tới, Chung “ôn” sẽ có mặt tại Đắk-Lắk. Đúng là Chung “ôn” đã tới ngày tàn mới tự “chui đầu vào rọ”, gặp ngay phải khắc tinh - người muốn bắt hắn hơn ai hết. Trung tá Nam ra lệnh cho tổ công tác: đúng giờ G. cả tổ sẽ lên đường làm nhiệm vụ. Việc bắt Chung được giữ bí mật đến phút cuối, chỉ khi tổ công tác triển khai phương án tác chiến trước 1 giờ, các trinh sát mới được xem ảnh đối tượng sẽ bắt. Mọi sự được thực hiện hoàn hảo đến từng chi tiết.
Khi Chung “ôn” đặt chân xuống Đắk-Lắk, ngay lập tức hắn được đàn em hộ tống đưa về khách sạn Trường Ngọc, nằm trên đường Tú Xương, TP.Buôn Mê Thuột. Để tiện bề giám sát đối tượng, các trinh sát vào vai khách du lịch đến thuê phòng nghỉ sát cạnh phòng Chung “ôn”. Đúng 11h20, tổ công tác phối hợp với CAP Thắng Lợi và các trinh sát Phòng PC52 - Công an tỉnh Đắk-Lắk kiểm tra hành chính các phòng của khách sạn Trường Ngọc, với lý do đang tìm đối tượng trong một vụ án, đã mời tất cả về trụ sở Công an phường để làm việc.
Tưởng công an ở vùng Tây Nguyên xa xôi này không biết mình là ai, Chung “ôn” cứ thế diễn kịch: Hắn khai tên A-Hùng, quê mẹ gốc ở Thái Bình nhưng sang Trung Quốc lâu rồi; giờ “ngộ” người quốc tịch Trung Quốc, biết rất ít tiếng Việt Nam thôi lớ. Bằng chất giọng lơ lớ, Chung chỉ vào CMND, hộ chiếu toàn chữ Trung Quốc nhằm chứng minh cho những lời khai của hắn là thật. Cứ để Chung khua môi múa mép chán chê, đến 14h30, trung tá Nam và thiếu tá Nguyễn Xuân Dũng - tổ trưởng tổ đặc nhiệm mới bước vào tung đòn quyết định: “Chung “ôn” hả, trốn đến 10 năm mới lại thấy mặt”. Đòn đấu tranh trực diện của tổ công tác khiến Chung “ôn” giật bắn mình như điện giật, những người biết cả tên cúng cơm kèm theo cái hỗn danh của hắn đích thị chỉ có Công an Hải Phòng! Biết thân phận mình đã lộ tẩy, đến lúc này Chung khai nhận toàn bằng tiếng Việt…
Theo XUÂN NGỌC/ ANHP.VN