Huỳnh Văn Nén mỉm cười rồi bật khóc khi biết kháng nghị của VKSNDTC
Kể lại giây phút này anh Lượng cho biết, vào khoảng 17h ngày 30/10 gia đình nhận được kháng nghị của VKSND Tối cao về bản án dành cho ông Nén qua đường bưu điện: “Mọi người mừng khôn xiết, mẹ tôi đã rơi nước mắt. Như vậy là cha tôi có hy vọng được minh oan”. – anh Lượng nói.
Ông Huỳnh Văn Nén trong một phiên xử: Ảnh: Nguyễn Đình Quân |
Sau đó trong cuộc thăm nuôi ngày 3/11 anh đã mang kháng nghị này vào trại giam để báo cho ông Nén, và khi “nhận được kháng nghị do tôi mang vào, cha vừa cười mà vừa bật khóc”. Đề cập đến tình trạng của ông Nén lúc này, Anh Lượng cho biết mắt phải của ông gần như đã không thấy đường, trong khi sức khỏe yếu do đó ông Nén đã được chuyển xuống khu bệnh xá.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Tiền (em rể ông Nén – một trong 9 người được minh oan tại “vụ án vườn điều”) cũng vỡ òa niềm vui khi biết sự việc của ông Nén đã được VKSND Tối cao xem xét.
“Tôi về nhà vừa kịp lúc nhân viên bưu điện mang kháng nghị tới. Mọi người vui mừng đến phát khóc. Ngay sau đó tôi đi phô tô kháng nghị này ra hàng trăm bản, rồi phát cho bà con xóm giềng coi, ai đọc được cũng đồng tình. Ngay cả con gái của bà Bông (người bị ông Nén “giết” theo truy tố) cũng vậy”.
Ông Tiền cho biết thêm, trước khi ông Nén ra tòa, “Chị gái nhỏ” (con gái bà Bông) đã làm đơn không chấp nhận xử ông Nén. Bởi ông Nén khi đó thường say xỉn và chỉ nặng chừng 40kg, trong khi bà Bông cao gần 1,7m và rất khỏe mạnh.
“Hồi đó chị gái nhỏ nói: “Sức anh Nén như vậy tôi xô còn ngã, anh ấy ngồi nhậu ở đây hoài (khi đó chị này đang bán quán nhậu), đứng dậy không nổi thì sức đâu mà dùng dây dù siết cổ má tôi”. – ông Tiền kể lại lời của con gái bà Bông.
Ông Tiền vẫn đau đáu khi nhớ lại chuyện xưa. |
Cùng chung niềm vui với gia đình ông Nén, ông Nguyễn Thận (người làm Chủ tịch xã khi vụ án xảy ra, cũng là người 14 năm qua kiên trì đi kêu oan cho ông Nén) hồ hởi nói: “Tôi không thể diễn tả được niềm vui của mình lúc này, đã mấy đêm liền tôi không ngủ được kể từ khi biết kháng nghị của VKSND Tối cao. Sau 14 năm đằng đẵng chờ đợi tiếng nói của họ (gia đình ông Nén) đã đến được các cơ quan cao cấp” – ông Thận nói.
“Trong suốt hơn 10 năm cùng tôi đi khắp nơi để kêu oan cho con, ông Truyện (ông Huỳnh Văn Truyện, 89 tuổi – cha ruột ông Nén) lúc nào cũng tâm sự: “Tôi chỉ có một ao ước là trước khi nhắm mắt xuôi tay được thấy Nén trở về sum họp với gia đình”. – ông Thận cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thận và ông Huỳnh Văn Truyện (phải): Ảnh: Hồng Ánh |
Trước đó vào ngày 24/10 Phó viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đã ký quyết định kháng nghị đề nghị hủy một phần bản án đối với ông Huỳnh Văn Nén – bị cáo trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2000 tại Bình Thuận, để xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm.
Theo đó quyết định cho rằng quá trình điều tra, xét xử vụ án trên có nhiều thiếu xót. Cụ thể dấu chân của ông Nén không phù hợp với hai dấu chân thu được trong ngôi nhà nạn nhân. Bên cạnh đó lời nhận tội của ông Nén cũng không phù hợp với hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi.
Nghiêm trọng hơn TAND tỉnh Bình Thuận đã xét xử theo một bản cáo trạng cũ, trong khi Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã thay thế bằng một bản cáo trạng mới. Ngoài ra còn một số vi phạm tố tụng khác.
Trong khi đó vào thời điểm năm 2000 ông Nguyễn Phúc Thành đã viết đơn tố cáo hai nghi phạm thật sự của vụ án. Ông Thành khẳng định hai người này đã kể với ông về việc giết nạn nhân, và ông cũng chính là người cùng một đối tượng đi bán chiếc nhẫn vàng cướp được của nạn nhân.
Tóm tắt vụ án
Tháng 5/1993, bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị giết chết tại một vườn điều thuộc xã Tân Minh (vụ án vườn điều). Sau một thời gian không tìm ra nghi phạm, tới tháng 9/1993 Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên vào tháng 4/1998 tại xã Tân Minh tiếp tục xảy ra vụ “giết người, cướp tài sản”, với nạn nhân là bà Lê Thị Bông (ngụ thôn 2, xã Tân Minh). Sau khi điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã xác định ông Huỳnh Văn Nén là thủ phạm.
Sau khi bị bắt, ông Nén tiếp tục khai ra chính ông và chín anh em họ hàng là những người đã giết bà Dương Thị Mỹ. Từ lời khai này, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ án bà Dương Thị Mỹ. Chín người ông Nén khai bị bắt giữ sau đó và đưa ra xét xử vào tháng 4/2001.
Tuy nhiên đến năm 2005, trải qua nhiều phiên tòa nhưng vẫn không kết tội được các bị cáo, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra các bị can. Những cơ quan tố tụng tham gia quá trình điều tra, xét xử phải xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho chín người.
Tuy ông Nén được xác định bị oan trong “vụ án vườn điều” nhưng vẫn bị kết tội trong vụ án bà Lê Thị Bông. Tháng 10/2000, ông Huỳnh Văn Nén có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng kháng cáo này đã quá hạn, do đó tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM không chấp nhận.
Kể từ đó đến nay gia đình ông Nén đã liên tục làm nhiều đơn kêu oan gửi các cơ quan tố tụng. Trong đó cha của ông Nén là ông Huỳnh Văn Truyện đã trực tiếp ra Hà Nội kêu oan cho con năm 2013 cùng ông Nguyễn Thận. Suốt 14 năm đằng đẵng, đến nay lời kêu oan của ông mới được xem xét.