Hôm nay (27/11) xét xử Vũ "nhôm", Trần Phương Bình vụ Đông Á Bank
Phan Văn Anh Vũ trong phiên tòa xét xử tội "Cố ý làm lộ bí mậtnhà nước" ngày 30/7 tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) thành lập năm 1992, hiện có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng; 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%, trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%.
Năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, do vậy ông Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Ký khống chứng từ, nhận chênh hơn 200 tỷ đồng
Do quen biết nhau từ trước, ông Bình và Phan Văn Anh Vũ – Chủ tịch Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 bàn bạc và thống nhất rằng ông Vũ mua 60.000.000 cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng, mục đích để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Nguồn tiền mua cổ phần Vũ huy động bằng cách thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của DAB. Với 200 tỷ đồng còn lại, Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ và Vũ kí khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB.
Do việc tăng vốn điều lệ không thành công, ngày 8/4/2014, DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và 9,5 tỷ tiền lãi vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79.
Như vậy, Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng nhận 600 tỷ đồng và 9,5 tỷ đồng tiền lãi, tức đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng gốc do kí chứng từ nộp khống mà có và 3,1 tỷ đồng tiền lãi của số tiền khống này.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, Vũ thừa nhận đã ký khống chứng từ, không nộp tiền và cho rằng 200 tỷ đồng này là tiền của ông Bình.
Ngày 07/9/2018, ông Phan Văn Anh Tuấn là anh trai của Vũ đã nộp 13 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra (C03) Bộ Công an để khắc phục hậu quả.
Mượn 13,4 triệu USD nhưng không trả
Từ 11/10/2012 đến 12/3/2015, Đỗ Thanh Hùng (nguyên Thủ quỹ Hội sở) đã xuất quỹ chi 12 khoản tổng số 294.636.844.000 đồng mua 13,9 triệu USD cho ông Bình. Sau đó, theo đề nghị của Phan Văn Anh Vũ, ông Bình đã chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ sử dụng.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, ông Bình cho biết mình “mua hộ” Vũ số tiền 13,4 triệu USD nhưng đến nay Vũ chưa trả. Ông Bình cũng không biết Vũ dùng số tiền này vào việc gì. Xác nhận điều này, Vũ cho rằng mình đã vay của cá nhân ông Bình.
Nhanh tay bán cổ phần trước khi bị kiểm soát
Tháng 8/2015, ông Bình biết DAB sẽ bị kiểm soát đặc biệt nên 13.652.542 cổ phần DAB đứng tên Công ty vốn Anh Bình (công ty “sân sau” của ông Bình) sẽ bị cấm chuyển nhượng. Do vậy, ngày 11/8/2015, ông Bình bán 13.652.542 cổ phần DAB cho Vũ với giá hơn 136 tỷ đồng. Bình và Vũ thống nhất khi nào có tiền thì Vũ trả, sau đó Vũ trả cho Công ty vốn An Bình 46 tỷ đồng, hiện còn nợ hơn 90 tỷ đồng.
Trong vụ án này, cáo trạng kết luận: Với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 2.057 tỷ đồng; cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 1.551 đồng, tổng cộng gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng Ngân hàng Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015 rơi vào tình cảnh lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Ngoài Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ, vụ án này còn có 24 bị cáo khác. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 25/12.