Hoàng Công Lương được giảm án 1 năm tù, Đỗ Anh Tuấn được hưởng án treo
Các bị cáo nghe tuyên án. |
Sau 2 ngày nghị án, sáng nay (19/6/2019), TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên bản án phúc thẩm đối với Hoàng Công Lương và các bị cáo trong vụ án hình sự “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
HĐXX nhận định, quá trình điều tra, khởi tố vụ án, các cơ quan đã thực hiện đúng pháp luật hình sự. Xét kháng cáo về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hoàng Công Lương, bị cáo nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng nước chạy thận. Bị cáo không phải là người chịu trách nhiệm về nguồn nước, tuy nhiên bị cáo chưa được ai bàn giao hệ thống sau khi sửa chữa, chưa biết hệ thống đã đảm bảo an toàn hay không nhưng khi nghe y tá thông báo đã sửa chữa xong hệ thống RO2 bị cáo đã ra y lệnh.
HĐXX khẳng định việc truy tố bị cáo tội “Vô ý làm chết người” là hoàn toàn đúng người đúng tội.
HĐXX cũng ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ mới cho Lương như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có người nhà là người có công với Cách mạng; hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ bị bệnh; Bị cáo có đơn xin giảm án từ người nhà bị hại; Bị cáo đã chủ động bồi thường cho gia đình nạn nhân;… Do vậy, HĐXX tòa phúc thẩm tuyên phạt Hoàng Công Lương 30 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người", giảm 12 tháng so với bản án sơ thẩm.
Bị cáo Hoàng Công Lương. |
Đối với bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị Y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình), HĐXX nhận định Thắng thiếu trách nhiệm trong quản lý, bản án sơ thẩm quy kết Thắng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoàn toàn đúng người, đúng tội.
HĐXX cho rằng phiên tòa sơ thẩm chưa áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ là có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nên được HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Ngoài ra, HĐXX cũng xét thấy bị cáo có giấy tờ chứng minh sức khỏe không đảm bảo, do đó có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó, HĐXX tòa phúc thẩm tuyên Trần Văn Thắng 30 tháng tù, giảm 6 tháng so với án sơ thẩm.
Bị cáo Trần Văn Thắng. |
Đối với bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), bị cáo đã không kiểm tra an toàn vật tư thiết bị y tế cho dù được phân công phụ trách Phòng Vật tư – Thiết bị y tế. Hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng ngày 29/5/2017.
Cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Khiếu 36 tháng tù là có phần nghiêm khắc nên HĐXX phiên phúc thẩm nhận thấy có cơ sở để giảm hình phạt tù cho bị cáo. HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Đình Khiếu 30 tháng tù, giảm 6 tháng so với án sơ thẩm.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu. |
Đối với bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), bị cáo đã tin tưởng cấp dưới báo cáo lên. Việc sửa chữa xong hệ thống RO rồi đưa vào sử dụng ngay mà không bàn giao thể hiện nếp làm việc có từ lâu do buông lỏng quản lý.
Bị cáo Trương Quý Dương. |
HĐXX nhận định bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác. Tuy nhiên những tình tiết giảm nhẹ này đã được ghi nhận trong bản án sơ thẩm, nên không có cơ sở để giảm án cho Trương Quý Dương. Do đó, HĐXX tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù đối với Trương Quý Dương.
Đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn), HĐXX cho rằng bị cáo đã chuyển nhượng gói thầu sửa chữa hệ thống RO2, vi phạm Luật Đấu thầu, là nguyên nhân gây ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng. Đỗ Anh Tuấn không triển khai nhiệm vụ mà bỏ mặc Quốc tự ý sửa chữa,..
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn. |
Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Đỗ Anh Tuấn, tuy nhiên HĐXX nhận định bị cáo đã tích cực giải quyết hậu quả khi vụ việc xảy ra, có công trong công tác xã hội hóa việc khám chữa bệnh, tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, đồng thời có thêm các tình tiết mới như bố đẻ có công với cách mạng. Do đó, HĐXX nhận thấy bản án sơ thẩm 30 tháng tù là nghiêm khắc, có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt tù đối với bị cáo và xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
HĐXX tuyên bị cáo Đỗ Anh Tuấn 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (bản án sơ thẩm tuyên 30 tháng tù giam).
HĐXX cho rằng những nhận định của Bộ Y tế tại phiên tòa là không có cơ sở khoa học. Các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là chính xác, khoa học.
HĐXX cũng kiến nghị Bộ Y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình cho phù hợp; chấn chỉnh lại công tác xã hội hóa trong y tế, không để xảy ra những thảm họa đáng tiếc.
Đối với Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, HĐXX kiến nghị cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế công lập; có sự phối hợp, phân công rõ ràng.
Đối với BVĐK tỉnh Hòa Bình, cần có sự phân công hợp lý giữa các khoa phòng, xác định cụ thể vị trí của các cá nhân, khoa phòng,…
Về các khoản bồi thường mai táng phí theo kháng cáo của các gia đình bị hại, HĐXX xét thấy các khoản chi đã được kê khai chi tiết, nhưng bản án sơ thẩm không chấp nhận phải bồi thường các khoản ăn uống trong đám tang là phù hợp với quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình các bị hại không đưa ra được chứng cứ mới nên tòa phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo này.
Về kháng cáo tăng mức tiền cấp dưỡng nuôi con nhỏ của hai gia đình nạn nhân, HĐXX cũng không chấp nhận nội dung kháng cáo này.
Xét kháng cáo của CTCP Dược phẩm Thiên Sơn không chấp nhận bồi thường, HĐXX phúc thẩm nhận thấy nội dung kháng cáo này không thuộc nội dung kháng cáo của bị đơn dân sự.
Về trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân, HĐXX cho rằng Bùi Mạnh Quốc là người làm công chô công ty Thiên Sơn nên công ty Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường thay Bùi Mạnh Quốc theo quy định của pháp luật.
Sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình nên bệnh viện phải chịu 70% nghĩa vụ bồi thường, CTCP Dược phẩm Thiên Sơn phải chịu 30% số tiền còn lại như bản án sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn hợp lý.
Tòa phúc thẩm cũng bác ý kiến của phiên tòa sơ thẩm cho rằng BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn có thể kiện các bị cáo để đòi bồi thường trong một vụ án khác.