'Hoa hậu bán dâm thể hiện sự khập khiễng trong quản lý'
'Hoa hậu bán dâm thể hiện sự khập khiễng trong quản lý'
Chúng tôi đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TPHCM – đạo diễn Võ Trọng Nam về câu chuyện đang "nóng hổi" này.
- Gần đây liên tục xảy ra những vụ việc diễn viên điện ảnh, người mẫu bán dâm, có người cho rằng đạo đức của nhiều diễn viên, người mẫu đang tuột dốc?
- Hoạt động người mẫu của Việt Nam đang ngày càng phát triển, bởi xu thế thời trang thế giới đang du nhập vào Việt Nam ngày một nhiều và công nghiệp thời trang của Việt Nam cũng đang nở rộ. Từ đó, các công ty đào tạo người mẫu cũng ngày càng nở rộ để đáp ứng nhu cầu trình diễn thời trang. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động người mẫu ở TP.HCM.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM – đạo diễn Võ Trọng Nam. Ảnh: Đỗ Hạnh. |
Còn về diễn viên điện ảnh, do ngày càng có nhiều hãng phim ra đời, đài truyền hình cũng có nhiều kênh và nhu cầu xem phim Việt Nam của khán giả cũng nhiều hơn trước nên lần lượt xuất hiện hàng loạt diễn viên đóng phim. Bên cạnh đó, các lò đào tạo diễn viên cũng ra đời để đào tạo diễn viên cung ứng cho nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra là chất lượng đào tạo và đạo đức của người mẫu, diễn viên như thế nào? Bởi các trường lớp nhà nước đào tạo cũng có, các lò tư nhân đào tạo cũng có, rồi các người mẫu, diễn viên chẳng qua trường lớp nào đào tạo cũng "vô tư" làm nghề. Thật tình mà nói, hiện nay công tác đào tạo người mẫu, diễn viên của chúng ta đang rất khập khiễng.
Vừa qua, hàng loạt vụ án hình sự có liên quan đến diễn viên, người mẫu bán dâm như Hồng Hà, Võ Thị Mỹ Xuân… thật đáng lên án. Nếu nhìn nhận về mặt khách quan chung, có thể nói rằng, những hiện tượng, tệ nạn này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến các diễn viên, người mẫu hoạt động, làm việc nghiêm túc.
Hiện nay đang có hiện tượng lợi dụng cái nghề diễn viên, người mẫu để vì mục đích cá nhân và ngay cả quan điểm sống của một số diễn viên, người mẫu cũng đang có những biểu hiện lệch lạc, khác biệt.
- Vậy những người quản lý văn hóa sẽ làm gì để chấn chỉnh?
- Đây vừa là vấn đề của ngành, vừa là vấn đề xã hội. Tôi nghĩ, các cơ quan công luận và quản lý nhà nước cũng cần hợp sức trong việc định hướng, cũng như tôn vinh những người làm nghề nghiêm túc, thúc đẩy nghề người mẫu, diễn viên ngày càng phát triển hơn nữa. Đồng thời cũng nên tạo ra các diễn đàn chống lại những việc làm sai trái của các người mẫu, diễn viên. Công bằng mà nói, hiện nay, lượng thông tin đưa lên những vụ việc sai trái rất nhiều, còn việc tôn vinh những người làm nghề chân chính lại rất ít. Đó cũng là điều rất đáng lo lắng.
- Đó là những vấn đề mang tính dài hơi. Ngắn hạn và cụ thể hơn, Sở có dự kiến hành động gì không, thưa ông?
- Thực hiện Chỉ thị của Bộ VH-TT&DL, sắp tới đây, Sở VH-TT&DL TP.HCM sẽ phối hợp cùng Cục nghệ thuật biểu diễn tổ chức những diễn đàn cho các đơn vị tổ chức biểu diễn, người mẫu, diễn viên cùng đối thoại, trao đổi những tâm tư, nguyện vọng… Qua đó, nhà nước cũng kịp thời đưa ra những chính sách, những chủ trương định hướng. Đồng thời, sở sẽ chấn chỉnh một loạt các hoạt động sai trái của người mẫu, diễn viên, chấn chỉnh các hoạt động chưa chín chắn của các nghệ sĩ trẻ để làm sao có cái nhìn đúng đắn, phục vụ công chúng được tốt hơn.
Ngày 18/6 tới, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp lớn có sự tham gia của các cơ quan truyền thông báo, đài, các đơn vị tổ chức biểu diễn, các diễn viên, người mẫu… để uốn nắn, chấn chỉnh lại các hoạt động và định hướng cho những hoạt động sắp tới được tốt hơn.
- Có một dạo, sân khấu hài, diễn viên hài rất lộn xộn, ngành văn hóa từng tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và nâng cao nhận thức. Vậy lần này với người mẫu, diễn viên, không biết ngành văn hóa có dự định tổ chức những lớp tập huấn dành cho đối tượng này?
- Hiện nay, cả thành phố có khoảng 4.000 nghệ sĩ nói chung, trong đó có người mẫu và diễn viên. Cho nên muốn tổ chức những lớp tập huấn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thật chu đáo. Chúng tôi cũng đã suy nghĩ đến vấn đề này và trong tương lai, sẽ có những lớp tập huấn cho từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Trong đó, sẽ tập trung tổ chức tập huấn trước cho người mẫu, diễn viên, bởi đây là mặt trận đang nóng bỏng, xã hội đang rất quan tâm. Có thể từ nay đến cuối năm phải tổ chức lớp tập huấn này.
- Ông có nói rằng việc trở thành diễn viên điện ảnh, người mẫu hiện nay quá dễ dàng, nhiều người lợi dụng danh xưng đó cho các mục đích cá nhân. Vậy theo ông có nên khôi phục lại chuyện cấp phép hành nghề diễn viên điện ảnh, người mẫu và có thể đưa ra cái chuẩn như thế nào mới được gọi là diễn viên, người mẫu, tránh tình trạng tự phong như hiện nay?
- Đó là một ước mơ. Bởi trên thực tế, trước đây, chúng ta từng đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên sau đó lại bãi bỏ. Khi bỏ giấy phép hành nghề thì qui trình thủ tục hành chính cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều, chỉ còn tập trung vào phần nội dung biểu diễn là chính.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay đang đặt ra là khi đã bỏ giấy phép hành nghề thì lấy cái gì để làm tiêu chuẩn đây hay là tự diễn viên, người mẫu quảng bá, nhân danh, không có cái chuẩn nào cụ thể. Cho nên về điều này, ngành quản lý văn hóa cũng đang suy nghĩ, tính toán để có những giải pháp chấn chỉnh.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
ANH THƯ