'Hãy công nhận giới tính trước khi chấp nhận kết hôn đồng tính'
'Hãy công nhận giới tính trước khi chấp nhận kết hôn đồng tính'
Đó là ý kiến của Jerry Minh Quân, admin diễn đàn Thegioithu3 - diễn đàn đồng tính lớn nhất tại VN trước đề xuất của Bộ Tư pháp về chấp thuận kết hôn đồng tính cũng như giảm giới hạn độ tuổi kết hôn xuống 16.
"Tôi ủng hộ những luật và dự luật về hôn nhân đồng tính tại Việt Nam và trên thế giới, nhưng tôi chưa ủng hộ đề xuất lần này. Không nên chỉ vì vài đám cưới đồng tính bị dẹp mà từ đó đề xuất việc hôn nhân đồng tính. Khi bạn muốn mua một chiếc xe hơi, bạn phải có căn nhà, bởi nếu không có nhà, mua xe rồi bạn sống ở đâu. Trong vấn đề này cũng vậy. Trước khi công nhân hôn nhân đồng tính, hãy công nhận giới tính của những người đồng tính, người chuyển giới".
Hiện nay, không ít người nổi tiếng như ca sĩ Cindy Thái Tài, người mẫu Ái Xuân đã chuyển giới hoàn toàn, nhưng trên giấy tờ họ vẫn là con trai. Hoặc có những quán bar không cho những người đồng tính nam mặc đồ nữ vào.
"Vậy thì tại sao không vận động để xã hội giảm bớt sự kỳ thị đối với người đồng tính? Tại sao không vận động công nhận giới tính của họ? Để trên giấy tờ đất đai, hộ chiếu.... họ được bình đẳng như những người khác? Tại sao không có những biện pháp hỗ trợ việc làm đối với người đồng tính để họ khỏi đi hát đám ma, khỏi bị "cạp đất mà ăn"", Jerry nói thêm.
Hơn 70% người đồng tính muốn được pháp luật thừa nhận hôn nhân
Để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội khóa XIII một số nội dung sửa đổi trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Bộ Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan liên quan về các nội dung đề cập sửa đổi mới.
Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, Điều 10 quy định: “Những trường hợp cấm kết hôn: 1. Người đang có vợ hoặc có chồng; 2. Người mất năng lực hành vi dân sự; 3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; 4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; 5. Giữa những người cùng giới tính. |
Một trong số điều hoàn toàn mới được đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này là về quan hệ giữa những người cùng giới tính, với lý do đây là một trong những quan hệ “đã có trên thực tiễn xã hội chưa được Luật hôn nhân và gia đình quy định” – lời trong Văn bản của Bộ Tư Pháp.
Trung tâm ICS – là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam làm về vận động quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới đã nghiên cứu trong các thành phần xã hội, các ngành nghề… và có kết quả người đồng tính chiếm tỷ lệ 3 – 5% dân số.
Họ không phải những người lệch lạc về vấn đề quan hệ tình dục hay là những người “bị bệnh” như nhiều người suy nghĩ. Người đồng tính hoàn toàn bình thường trong sự tồn tại xã hội. Thế nhưng, việc Luật không thừa nhận mối quan hệ đồng tính có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ và cả người thân.
Tâm lý coi những người đồng tính là có bệnh không phải hiếm, kể cả ở những người có học thức. Nguyễn Vân My, 25 tuổi, ở TP. Thanh Hóa, là một người đồng tính, nữ tâm sự: "Bố em là một giảng viên đại học ở Cần Thơ. Vì bố mẹ đã ly hôn từ khi em còn nhỏ, nên em ở Thanh Hóa với mẹ, ít có thời gian gặp bố. Cách đây 4 năm, khi em dẫn người yêu vào Cần Thơ chơi, giới thiệu với bố. Vừa cất lời “đây là người yêu con” thì bố em đã ngất xỉu và khi tỉnh dậy ông vẫn không hết sốc, đuổi em ra khỏi phòng cấp cứu. Tới nay, bố em vẫn chưa chấp nhận việc em yêu một người con gái".
Như vậy, việc Luật công nhận mối quan hệ đồng tính bình đẳng như mối quan hệ những người khác giới là rất cần thiết đối với những người đồng tính nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung. Vì không được Luật pháp công nhận nên người đồng tính đã và đang phải chịu những sức ép nặng nề về sức khỏe tâm thần và thể chất do thái độ kỳ thị dẫn đến phân biệt đối xử, như bị gia đình hắt hủi, bạo hành, mất bạn bè, mất việc làm.
Khảo sát của Trung tâm ICS từ ngày 6 - 12/6 cho thấy, 4,2% người đồng tính mong muốn luật pháp Việt Nam sẽ thừa nhận quan hệ chung sống không cần đăng ký, 4,7% mong muốn luật pháp Việt Nam sẽ thừa nhận quan hệ chung sống có đăng ký; và đặc biệt có đến 71,1% người đồng tính mong muốn luật pháp Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng tính.
Và vì sợ những “dư luận búa rìu” mà nhiều người đồng tính đã phải sống trong “vỏ bọc” là chấp nhận kết hôn với người khác giới và sinh con trong những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc của nhiều người khác. Đây chính là những lý do trực tiếp của sự cần thiết phải thừa nhận và bảo vệ các mối quan hệ đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết, hiện trên thế giới đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đang áp dụng những chính sách bình đẳng tương tự.
“Chúng tôi mong muốn bộ luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi thừa nhận quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển đối giới tính, hợp pháp hóa quan hệ đồng giới, và đảm bảo quyền bình đẳng của quan hệ đồng giới như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế, và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho quan hệ khác giới” – ông Bình chia sẻ.
Chị Thanh Tâm, Trung tâm CSAGA, nơi thường được gọi với tên thân thuộc là “Ngôi nhà bình yên” cho hay, qua thực tế hoạt động tư vấn ở Trung tâm, có người đồng tính, họ yêu nhau là chuyện có thật. Lần sửa đổi này, Luật công nhận thì là hợp thức hóa thực trạng có rồi chứ đây không phải là vấn đề mới. Đây là điều tốt vì Luật thừa nhận thì xã hội bớt định định kiến, kỳ thị với người đồng tính. Mong rằng, Luật thừa nhận, thái độ xã hội cũng dần dần được thay đổi. Và điều quan trọng hơn đó là, sự thay đổi nhận thức về người đồng tính bắt nguồn từ chính cha mẹ, người thân, của người đồng tính.
MAI PHƯƠNG