Hành vi chôn, lấp, đổ, thải có thể bị phạt tù 7 năm
Trao đổi với PV Infonet về việc chôn lấp chất thải nguy hại ở Sóc Sơn (Hà Nội), luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Hành vi chôn số lượng chất thải lớn của Nguyễn Văn Cường là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến môi trường, gây nguy hiểm cho người dân khu vực này”.
Khu vực chôn, lấp chất thải nguy hại ở Sóc Sơn. |
Luật sư Tùng phân tích: “Theo quy định tại Điều 31 thì điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại của Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Còn tại Điều 9 thì điều kiện để được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu đã xác định các tổ chức muốn được kinh doanh hoạt động xử lý chất thải nguy hại phải được Bộ Tài nguyên môi trường cấp giấy phép với nhưng điều kiện chặt chẽ.
Cá nhân, tổ chức không được cấp giấy phép thì không được vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Hành động lén lút chôn các chất thải, tùy tiện không tuân theo quy trình xử lý chất thải nguy hại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho cộng đồng. Hành động đó có thể bị xử lý hành chính thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự”.
Các loại rác thải được đưa lên mặt đất. |
Theo luật sư Tùng, việc xử lý vi phạm hành chính thì Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt: Điều 22 đó là vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại.
Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500kg đến dưới 3.000kg chất thải nguy hại. Khoản 7 Điều 23 thì vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải nguy hại thì Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Trường hợp các chất thải nêu trên là chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật dưới 3.000kg thì sẽ bị xử phạt 500.000.000 đến 1.000.000.000 đồng.
Ngoài ra thì sẽ bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm…
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường" tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật...
Tùy thuộc vào khối lượng và trọng lượng chất thải mà sẽ có hình phạt tương ứng. Hình phạt cao nhất khi phạm tội này là phạt tù đến 07 năm, kèm theo hình phạt bổ sung khác. Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ là phạt tiền kèm theo đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn).
Để xử lý hành vi vi phạm nêu trên một cách triệt để, đúng người, đúng hành vi, đúng pháp luật thì cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng điều tra làm rõ một số vấn đề như: Khối lượng, trọng lượng chất thải trôn ở huyện Sóc Sơn là bao nhiêu? Chất thải nguy hiểm đó cụ thể là chất gì? Tác động như thế nào đến môi trường và cuộc sống của con người? Có ai cùng thực hiện hoặc biết về hành vi của đối tượng Cường hay không? Việc chôn chất thải nên trên là cá nhân đối tượng thực hiện hay có tổ chức nào liên quan hay không?