Hành hạ, giết thịt voọc quí hiếm sẽ bị xử tội gì?
Hành hạ, giết thịt voọc quí hiếm sẽ bị xử tội gì?
> Khỉ bị bắt nhốt vào lồng chờ chết ở Bắc Kạn
> Đã xác định được kẻ tung hình ảnh giết voọc
Hình ảnh về những hành vi hành hạ và giết vọoc của nhóm thanh niên là quân nhân đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng. Ảnh: Vietnamnet |
Mấy ngày qua, sau khi hình ảnh một nhóm thanh niên mặc quân phục hành hạ, giết thịt 2 con voọc một cách dã man đăng tải trên trang mạng, dư luận xã hội đã vô cùng bức xúc, phẫn nộ trước hành vi này.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, Luật sư Phạm Xuân Nga – Luật sư Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: Ngày 08/3/2007, Liên bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tư pháp, Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, TAND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Theo quy định của thông tư này, voọc là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp đều bị cấm và phạm tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự.
Sự việc nhóm thanh niên giết thịt 2 con voọc đã đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
Nếu đối tượng tham gia giết thịt voọc được xác định là quân nhân thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử sẽ do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, TAND quân sự đảm nhiệm.
Không chỉ nhóm thanh niên, trong đó có những thanh niên mặc quân phục, bị xem xét trách nhiệm pháp lý đối với hành vi tham gia hành hạ, giết thịt 2 con voọc, những đối tượng khác đã có hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán 2 con voọc này cũng phải bị điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cũng cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý đối với thủ trưởng đơn vị của các quân nhân có hành vi giết thịt voọc trong phạm vi đóng quân của đơn vị quân đội, cũng như để cho các quân nhân tự ý bỏ ra ngoài đơn vị đóng quân để săn bắn, giết thịt voọc không đúng quy định.
Điều 190 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm quy định: 1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điểm 4.4 mục II Thông tư 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 190 BLHS quy định: a) “Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm” là sử dụng các loại vũ khí quân dụng (kể cả đã được cải biến), các loại tên tẩm thuốc độc hoặc dùng chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy sập, dùng khúc gỗ lớn hoặc răng sắt lớn, dùng đèn soi, gài súng và các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt ở địa bàn đó hoặc đối với loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đó. b) Săn bắt trong khu vực bị cấm là săn bắt trong khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc săn bắt trong các khu vực rừng có quy định cấm khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. c) Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc vào mùa di cư đến của chúng. d) “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” là khi thuộc một trong các trường hợp sau: d.1) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng cá thể tại Phụ lục kèm theo Thông tư này (từ 2 đến 3 con đối với loài voọc - PV); d.2) Vận chuyển, buôn bán các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng; d.3) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có số lượng cá thể dưới mức “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và còn vận chuyển, buôn bán trái phép các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị đến năm mươi triệu đồng. đ)“Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”là khi thuộc một trong các trường hợp sau: đ.1) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng cá thể tại Phụ lục kèm theo Thông tư này (từ 4 con trở lên đối với loài voọc - PV); đ.2) Vận chuyển, buôn bán trái phép các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị từ trên một trăm triệu đồng; đ.3) Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có số lượng cá thể ở mức “gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và còn vận chuyển, buôn bán trái phép các sản phẩm của động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng. |
Kiên trung