Hà Tĩnh: Diễn biến mới vụ "giảng viên đại học" bị tố lừa tiền
Như đã thông tin, Nguyễn Thị Kim Liên sinh năm 1988, trú số nhà 269A Trần Phú, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) làm nghề môi giới du học và xuất khẩu lao động (XKLĐ). Để tạo niềm tin đối với khách hàng, Liên tự giới thiệu là giảng viên Trường Đại học.
Tin tưởng vào mác “giảng viên Đại học”, nhiều khách hàng ở huyện Hương Sơn, Thạch Hà (Hà Tĩnh), huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã nộp cho Nguyễn Thị Kim Liên số tiền trên 700 triệu đồng, với mong muốn được đi du học hoặc XKLĐ ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, mộng ước xứ người không thành, nhiều lần hứa hẹn nhưng không được trả tiền đặt cọc, nhiều người đã thâu đêm trước cửa nhà Liên quyết đòi lại tiền.
Ngôi nhà số 269A Trần Phú - TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) của chị Liên luôn trong tình trạng khóa cửa. |
Sau khi sự việc được đăng tải trên thông tin đại chúng, PV Infonet tiếp tục nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân, trong đó có ông Ngô Xuân Thành (xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) về việc có nộp cho Liên tổng số tiền 220 triệu đồng để “làm hồ sơ thương mại Nhật Bản”.
Cụ thể, ngày 04/9/2018, Nguyễn Thị Kim Liên và chồng là Phạm Như Ý cùng ký vào giấy nhận tiền của ông Ngô Xuân Thành (Hưng Chính, Hưng Nguyên, Nghệ An) số tiền 20 triệu đồng; ngày 07/9/2018, Liên ký nhận tiếp của ông Thành số tiền 100 triệu đồng; ngày 08/9/2018, vợ chồng Liên tiếp tục ký nhận của ông Thành 100 triệu đồng.
Qua xác minh, được biết, anh Phạm Như Ý (chồng Liên) đang công tác tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh.
Nhiều nạn nhân phải thức trắng đêm để chờ đòi lại tiền đã đặt cọc |
Ngày 23/10/2018, anh Phạm Như Ý cũng đã ký xác nhận việc vợ mình nhận của ông Phạm Văn Đàn số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Trong giấy cam kết, anh Ý viết: “Vợ tôi là Nguyễn Thị Kim Liên có nhận của anh Phạm Văn Đàn số tiền là 1.201.000.000 đồng (một tỷ hai trăm linh một triệu đồng), tôi xin cam kết sẽ hoàn trả lại cho anh Đàn số tiền trên, nếu không đúng tôi sẽ bàn giao lại quyền sử dụng đất cùng tài sản trên đất và chiếc xe Mazda 6 (BKS 38A-128.96) cho anh Đàn trước ngày 25/10/2018”.
Cho rằng vợ chồng Liên có dấu hiệu lừa đảo, nhiều người đã viết đơn gửi cơ quan chức năng để cầu cứu. Hiện tại đã có hàng chục lá đơn được gửi đến Công an thị xã Hồng Lĩnh. Theo đó, bình quân mỗi người đã nộp cho Liên từ 160 đến 190 triệu đồng. Nạn nhân của Liên không chỉ ở địa bàn Hà Tĩnh mà còn ở một số tỉnh thành khác.
Hai vợ chồng Liên cùng ký vào giấy nhận tiền của ông Ngô Xuân Thành để "làm hồ sơ thương mại Nhật Bản”. |
Thông tin với báo chí, Thiếu tá Bùi Quốc Trung, Cán bộ Ban Bảo vệ - An ninh - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, đơn vị có anh Phạm Như Ý, công tác ở Đại đội 20 Phòng Tham mưu, trú tại thị xã Hồng Lĩnh, vợ là Nguyễn Thị Kim Liên.
Theo Thiếu tá Bùi Quốc Trung, đơn vị chưa nhận được đơn thư phản ánh của người dân về việc vợ chồng anh Phạm Như Ý liên quan đến hoạt động môi giới XKLĐ. Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh, đơn vị sẽ kiểm tra xác minh làm rõ.
Trao đổi với PV Infonet, Thượng tá Nguyễn Công Dũng, Trưởng Công an thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Chúng tôi có tiếp nhận được khoảng 9-10 lá đơn của người dân. Qua trình bày của người bị hại, cơ quan công an đang tiến hành điều tra ban đầu”.
Anh Phạm Như Ý ký giấy nhận của ông Phạm Văn Đàn số tiền 1.201.000.000 đồng (Một tỷ hai trăm linh một triệu đồng). |
Cũng theo Thiếu tá Dũng, Công an thị xã Hồng Lĩnh đã cử cán bộ đến nhà Liên để xác minh theo đơn tố cáo, nhưng hiện Liên đang không có mặt ở địa phương. Qua trao đổi với gia đình thì được biết Liên đang vào Sài Gòn tìm gặp Công ty Tư vấn XKLĐ để rút hồ sơ và đòi lại tiền.
Với việc anh Phạm Như Ý, cán bộ quân nhân, có tham gia ký giấy nhận tiền trong hoạt động mô giới XKLĐ của vợ (Phạm Thị Kim Liên), Thiếu tá Dũng thông tin: “Trường hợp anh Phạm Như Ý, cơ quan đã mời lên làm việc rồi. Kết quả thế nào thì chưa thấy anh em báo cáo. Trách nhiệm đến đâu thì xử lý đến đó, chúng tôi sẽ làm đúng theo quy định của pháp luật”.