Hà Tĩnh: Chuyện lùm xùm ở Quỹ tín dụng Cẩm Bình
Khiếu kiện vì bị buộc thôi việc
Nội dung câu chuyện như sau: Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1989, cư trú tại Thôn Tân An, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vừa qua đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Cẩm Xuyên việc "Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình" đã ra Quyết định buộc thôi việc chị vào ngày 29/12/2016 là trái quy định pháp luật.
Chị Hương yêu cầu Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình phải nhận chị trở lại làm việc, có hình thức xử lý người ký các Quyết định sa thải trên. Việc tạm đình chỉ chị 90 ngày khi chị đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là trái quy định của pháp luật. Ngoài ra, chị Hương yêu cầu Quỹ tín dụng trả lại số tiền bồi thường két bạc trái quy định.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do chị Hương đã làm mất chìa khóa két bạc chứa tiền của Quỹ.
Theo báo cáo của Quỹ tín dụng xã Cẩm Bình thì trước đó: ngày 03/9/2015, chị Nguyễn Thị Hương được điều chuyển từ vị trí kế toán trưởng sang làm công tác thủ quỹ. Thời điểm trên cũng là lúc chị Hương có đơn "xin nghỉ sinh theo chế độ".
Chị Hương trở lại làm việc theo quyết định số 06 ngày 14/03/2016 "giao việc làm thủ quỹ" của Giám đốc QTDND xã Cẩm Bình. Đến 13h30 ngày 20/6/2016, chị Hương báo cáo với Hội đồng quản trị về việc chị "đã làm mất chìa khóa két bạc của Quỹ tín dụng". Quỹ đã báo cáo với NHNN, và được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư 01/2014/NHNN ngày 06/01/2014.
Theo các tài liệu liên quan đến Quyết định buộc thôi việc đối với chị Hương: Căn cứ điều lệ của QTDND, căn cứ các Quy chế nội bộ của Quỹ, căn cứ các văn bản quy định của pháp luật, căn cứ mức độ vi phạm của chị Hương, HĐQT đã thực hiện quy trình xử lý vi phạm đối với chị Hương: Hết thời gian nuôi con nhỏ, HĐQT QTD Cẩm bình đã quyết định thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật. Do QTDND là tổ chức HTX mới thành lập, không có tổ chức Công đoàn nên HĐQT đã có chủ trương lấy ý kiến của toàn thể cán bộ nhân viên. Sau khi lấy ý kiến trực tiếp đối với người lao đông trong quỹ, HĐQT đã chỉ đạo tiến hành họp Hội đồng xử lý kỷ luật. Kết quả cuộc họp bằng phiếu kín: Buộc thôi việc.
Căn cứ kết quả tại các cuộc họp trên, căn cứ quy định tại điều lệ về thẩm quyền xử lý kỷ luật, ngày 29/12/2016, Giám đốc Quỹ tín dụng đã có quyết định số 37/QĐ-GĐ quyết định "buộc thôi việc nhân viên thủ quỹ " đối với chị Nguyễn Thị Hương.
Trong quá trình họp xem xét hình thức kỷ luật và khi có quyết định buộc thôi việc, chị Nguyễn Thị Hương đã có ý kiến không đồng tình với mức kỷ luật trên, đồng thời nhiều lần có đơn khiếu kiện, tố cáo lãnh đạo QTD đến các cơ quan liên quan đề nghị được giải quyết.
Lãnh đạo Quỹ tín dụng nói gì?
Để hiểu rõ hơn về sự việc, cũng như hình thức kỷ luật nhân viên, PV đã có cuộc làm việc với Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình, ông Trần Hữu Đỉnh.
Ông Đỉnh khẳng định: “Trường hợp của chị Hương là nhân viên thủ quỹ đã vi phạm làm mất chìa khóa két bạc là có thật. Vi phạm này là hết sức nghiêm trọng bởi vì trong đó cất giữ một lượng tiền rất lớn của người dân gửi vào, đã đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng và làm mất lòng tin đối với công tác quản lý của QTDND. Trong quy định xử lý khi làm mất chìa khóa két bạc tại điều 37/Thông tư 01/NHNN/2014: Người làm lộ, làm mất chìa khóa phải kiểm điểm nghiêm túc, phải bồi thường chi phí thay ổ khóa mới, phải chịu kỷ luật hoặc xử lý theo quy định của pháp luật".
“Khi xử lý vi phạm HĐQT QTD Cẩm Bình đã căn cứ vào Điều 123 về nguyên tắc trình tự xử lý kỷ luật lao động; Mục 1 Điều 126 Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải; Điều 124 Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động của Bộ luật lao động năm 2012; Điều 30 Nghị định 05 Hướng dẫn thực hiện Bộ luật lao động năm 2012; Thông tư của Ngân hàng Nhà nước, quy định, quy chế và điều lệ của QTDND .
Trong quá trình xử lý vi phạm, chị Hương còn có thái độ thách thức và có ý dọa Chủ tịch HĐQT, để bố mẹ đẻ đến cơ quan quấy rối, hăm dọa lãnh đạo quỹ. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, chị Hương đã tùy tiện sao chụp các tài liệu của Quỹ khi chưa được người có thẩm quyền cho phép. HĐQT QTDND xã Cẩm Bình đã tiến hành thực hiện quy trình xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật đồng thời có báo cáo, giải trình với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền”, ông Đỉnh nói.
Trao đổi với PV, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên, ông Hoàng Xuân Huệ cho biết: “Chúng tôi cũng đã nghiên cứu hồ sơ của các bên cung cấp. Quan điểm của Tòa là không đứng về phía bên nào cả. Cá nhân, tổ chức nào sai phạm, chúng tôi sẽ dựa trên quy định của pháp luật để có hướng xử lý.
Trường hợp vụ việc này, Tòa cũng đã có một số phân tích đúng sai cho các bên, đồng thời đã tiến hành hòa giải, phía bên Quỹ tín dụng đã đề xuất phương án hòa giải nhưng bên chị Hương vẫn giữ nguyên quan điểm của riêng mình. Thời gian tới, Tòa sẽ xem xét để tiếp tục tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành, Tòa sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án theo qui định của pháp luật".