Grab và Vinasun tạm “làm hoà”: Cả hai bên cùng thắng
Toà án nhân dân TP.HCM hôm nay 30/11 đã quyết định tạm ngưng phiên toà giữa nguyên đơn Vinasun và bị đơn Grab, giành thời gian để hai bên thương thảo với nhau. Thời gian tạm ngưng phiên toà này không kéo dài quá 1 tháng kể từ hôm nay.
Việc Vinasun đồng ý tạm ngưng vụ kiện để thương thảo với Grab là bước đầu tiên cho thấy doanh nghiệp này muốn có một kết quả hoà hoãn giữa hai bên. Với Grab, việc thoát khỏi vai trò bị đơn trong một vụ kiện ra toà chắc chắn làm công ty hài lòng. Một kết quả hoà trong vụ kiện này chính là cả hai bên cùng thắng.
Một nhóm tài xế GrabBike, Go-Viet chờ khách cùng taxi Vinasun bên dưới một trung tâm thương mại - Ảnh: H.Đ |
Vinasun và Grab đã cùng hầu toà trong suốt 9 tháng vừa qua. Vinasun kiện Grab vì cho rằng Grab đã lợi dụng Quyết định 24 ngày 7/1/2016 do Bộ Giao thông vận tải ban hành về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường. Vinasun đề nghị Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng thiệt hại do Grab gây ra trong năm 2016 và nửa đầu 2017.
Trong khoảng thời gian trên, Vinasun cho biết bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng. Rõ ràng nếu chỉ các hãng taxi cạnh tranh với nhau thôi chắc chắn không có phiên toà hôm nay, vốn kéo dài từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên với một mô hình kinh doanh mới, thực tế chứng minh không chỉ Việt Nam mà ở nhiều nước khác Grab hay Uber cũng đối mặt với sự phản đối của các hãng taxi.
Chắc chắn nhiều người dùng đã chọn đi Grab, Uber hay Lyft, Didi Chuxing hơn là các hãng taxi truyền thống ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Do đó không thể chối cãi việc các hãng taxi phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh mới, vốn trong tay không có chiếc taxi nào! Việc bị giành bớt khách dẫn đến doanh số các hãng kinh doanh taxi bị sụt giảm là đương nhiên.
Vinasun cho rằng Grab hoạt động giống như một doanh nghiệp taxi nhưng lại không chịu sự quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dẫn đến cạnh tranh không công bằng. Điều này khiến hãng taxi lớn nhất Việt Nam đâm đơn kiện công ty được cho là đối thủ gây tổn thất cho họ cũng không có gì khó hiểu.
Phía Grab cho rằng họ là một doanh nghiệp công nghệ kết nối các đối tác tài xế với hành khách. Việc vi phạm pháp luật hay vi phạm Quyết định 24 cần được Bộ Giao thông Vận tải giải quyết. Việc các hoạt động quảng bá của Grab mà Vinasun cho là vi phạm cạnh tranh, khuyến mại tràn lan thực tế không bị Bộ Công thương “tuýt còi”. Grab bác bỏ các cáo buộc của Vinasun về gây thiệt hại vì cho rằng bằng chứng dẫn nguồn một chiều.
Quang cảnh phiên toà Vinasun kiện Grab - Ảnh: Infonet |
Phiên toà vẫn chưa kết thúc, việc đưa phán quyết cho một vụ kiện như vậy thực sự rất khó khăn. Nếu Vinasun thắng, những giải pháp kinh doanh mới, tiên tiến như Grab sẽ bị trói, nhìn rộng ra có thể thấy sẽ khiến Việt Nam thụt lùi trong quá trình tiến vào kỷ nguyên công nghệ 4.0. Tuy nhiên nếu Vinasun thua kiện, một ngành taxi truyền thống với nhiều doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ và các tài xế taxi sẽ bị ảnh hưởng. Việc để cho Vinasun thua kiện nói dễ nhưng làm rất khó.
Phiên toà chính thức đang tạm hoãn, những thoả thuận giữa Grab và Vinasun sau phiên toàn này mới thực sự khó khăn. Vinasun đại diện cho cả ngành taxi Việt Nam để thương thảo với Grab, đưa ra một kết quả làm hài lòng cả đôi bên thực sự không hề dễ dàng.
Tuy vậy, cả hai đều có cơ sở chung để hướng đến trong vụ kiện này, chính là khách hàng. Grab và các ứng dụng gọi xe lớn khác như Uber, Lyft (Mỹ), Didi Chuxing (Trung Quốc),... mang đến cho khách hàng trải nghiệm mới so với taxi truyền thống, như giá cước minh bạch, thái độ tài xế tốt, xe sạch, thuận tiện,... Điều này khiến cho phần đông người dùng ủng hộ Grab trong vụ kiện với Vinasun.
Rất nhiều chuyên gia phân tích, rất nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội đều cho rằng không thể để Vinasun thắng kiện Grab, điều đó đi ngược với xu thế phát triển. Dĩ nhiên giới lái xe taxi, những người đầu tư vào ngành taxi không thể chấp nhận quan điểm này.
Việc Vinasun chấp nhận phương án hoà giải tạm thời với Grab chắc chắn nhận được sự ủng hộ từ nhiều người. Đặc biệt nếu doanh nghiệp này có các động thái cải thiện dịch vụ, đổi mới dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới, xây dựng ứng dụng di động tốt hơn,... thì chắc chắn sẽ “thắng” trong cuộc đua với Grab trên thị trường chứ không phải ở toà.
Việc khó khăn trong lúc này hiển nhiên là tìm ra giải pháp để Grab và Vinasun có thể cùng kinh doanh trong một môi trường công bằng cho cả hai. Giải pháp này nên thực hiện trên bàn đối thoại, qua các vụ thương thảo, giữa các doanh nghiệp với nhau chứ không phải trên ghế ở toà án.