Grab mong Vinasun hợp tác để hướng đến người tiêu dùng
Kết thúc phiên toà chiều 23/11, hội đồng xét xử vụ án Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường ngoài hợp đồng số tiền 41,2 tỷ đồng quyết định cho dừng phiên toà đến ngày 30/11.
Hội đồng xét xử đề nghị hai bên xem xét lại quy định về giám định của Luật Giám định tư pháp.
Nội dung mấu chốt trong hai phiên xử này xoay quanh kết quả giám định thiệt hại cho Vinasun của Công ty cổ phần thẩm định – giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long). Trong khi Vinasun đồng ý với kết quả giám định này thì bên bị đơn, tức Grab, lại bác bỏ, cho rằng kết quả giám định này là một chiều, thiếu khách quan.
Vụ kiện kéo dài hơn 9 tháng vẫn chưa có hồi kết. |
Tại phiên xử chiều 23/11, luật sư đại diện Grab nhấn mạnh rằng, bất kỳ thiệt hại nào cũng phải là thiệt hại có thật, chứ không thể chỉ dựa vào ước tính hay giả định. Trong khi Vinasun vẫn tiếp tục đưa ra các thiệt hại mà không có bất kỳ bằng chứng hay xác thực mang tính thực tế nào để bảo vệ luận điểm của mình.
Chia sẻ sau phiên xử, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết, ông rất ngạc nhiên khi Công ty Cửu Long có ý định dùng biện pháp pháp lý chống lại Grab, trong khi bị đơn mới chính là bên phải gánh chịu hậu quả từ báo cáo giám định thiệt hại thiếu trách nhiệm và đầy sai sót của Công ty Cửu Long gây ra.
“Grab đang thực hiện đúng quyền cơ bản để đảm bảo một phiên tòa công bằng, tuân thủ đúng quy trình tố tụng theo pháp luật. Chúng tôi nhiều lần đề nghị đại diện Công ty Cửu Long đến toà để bảo vệ kết quả giám định nhưng họ vẫn không đến, chứng tỏ họ muốn né tránh chất vấn”, ông Jerry Lim nói.
Đại diện Grab bác bỏ kết quả giám định thiệt hại của Vinasun từ Công ty Cửu Long. |
Trước câu hỏi vụ kiện kéo dài ảnh hưởng như thế nào đến Grab, Giám đốc Grab tại Việt Nam cho rằng, Grab sẽ có nhiều phát sinh chi phí, bao gồm cả chi phí tài chính và các chi phí vô hình khác như danh tiếng bị tổn hại, sự tốn kém về thời gian và công sức khi phải theo đuổi các phiên xử. Những cáo buộc vô căn cứ đó kéo dài quá lâu rõ ràng đang gây khó khăn cho Grab.
Đại diện Grab mong Vinasun hãy cùng hợp tác để hướng đến lợi ích chung của người dân Việt Nam. Hai bên có thể tạo ra thêm nhiều giá trị cho thị trường vận tải theo các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh là một nền tảng công nghệ mở, giúp các tài xế taxi hoạt động hiệu quả hơn và có thu nhập cao hơn. Về vấn đề này, Grab luôn sẵn lòng chia sẻ với Vinasun.
Dự kiến TAND TP.HCM sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử vào ngày 30/11 tới đây.