Giết người vì chiếc khăn mặt!
Chấp vặt, thù dai…
Quỳnh và chị Tuyền (29 tuổi) làm chung công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch). Thấy Quỳnh thường xuyên ra ngoài nghe điện thoại và bỏ bê công việc, chị Tuyền lên tiếng nhắc nhở, khiến hai bên nảy sinh mâu thuẫn với nhau từ đó.
Hai bị cáo Nguyễn Văn Pha và Phùng Thị Vương Quỳnh tại tòa. |
Sẵn việc bực tức chị Tuyền, lại thêm chuyện bị một người giấu mặt ném chiếc khăn lau mặt của mình vào sọt rác, Quỳnh đâm ra nghi ngờ chị Tuyền. Không bắt được tận tay, chỉ nghe đồng nghiệp nói lại chị Tuyền làm chuyện đó, nhưng Quỳnh đã nuôi ý định đánh chị Tuyền cho bõ ghét.
Ngày 28-12-2012, khi công ty tổ chức tăng ca, Quỳnh xin về trước một giờ với lý do bận việc nhà. Về đến nhà, Quỳnh gọi điện nhờ Pha chở đến cổng công ty có việc. Trên đường đi, Pha được Quỳnh kể lại chuyện xích mích với chị Tuyền và ý định đến công ty chờ chị này tan ca để đánh.
Khoảng 19 giờ 30 cùng ngày, vừa thấy chị Tuyền từ cổng công ty đi ra, Quỳnh đã bảo Pha đuổi theo. Khi đến đoạn đường vắng, Pha điều khiển xe ép sát xe chị Tuyền để Quỳnh dùng dao đâm 2 nhát vào lưng chị này, rồi cả hai bỏ chạy khỏi hiện trường.
Sau khi bị đâm, chị Tuyền chạy xe thêm 200m thì ngã gục xuống đường bất tỉnh. Dù được mọi người phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng chị Tuyền đã tử vong trên đường đi.
*…Lãnh ngay hậu quả
Hình ảnh người vợ chết tức tưởi trở thành nỗi ám ảnh của anh Nguyễn Thành Long (chồng chị Tuyền). Sự việc vẫn còn hiện rõ trong tâm trí anh qua lời kể: “Vừa hay tin vợ bị đâm, tôi đã bỏ dở công việc đang làm để chạy đến bệnh viện. Đến nơi thì nghe tin vợ tôi đã chết và được đưa vào nhà xác, khiến tôi đau đớn đến rã rời. Tự dưng chuyện oan nghiệt này lại đến với gia đình tôi”. Nói xong, anh Long cúi đầu, ôm mặt khóc nức nở. Nhìn anh Long khóc, 2 bị cáo Quỳnh và Pha đứng trước vành móng ngựa cũng tỏ vẻ ngậm ngùi.
Trước hành vi nhẫn tâm của 2 bị cáo và nỗi đau mất mát của gia đình bị hại, chủ tọa phiên tòa nhắc nhở: “Đổi một mạng người để giải tỏa sự tức giận là cách làm của bị cáo Quỳnh. Tất cả đều là công nhân, đồng nghiệp với nhau, lại nỡ sát hại nhau, bị cáo không thấy hành vi của mình quá độc ác sao? Đều vì miếng cơm manh áo, lẽ ra phải nhường nhịn nhau để cùng giúp nhau kiếm tiền mưu sinh, bị cáo lại giở thói côn đồ. Bị cáo nghĩ thế nào, khi vì mình mà người chồng mất vợ, đứa con chưa đầy 10 tuổi phải mồ côi mẹ?”.
Từng lời nói của vị chủ tọa như cứa vào tim những người tham dự phiên tòa. Trong giờ nghị án, cha mẹ Quỳnh nắm lấy bàn tay của anh Long để xin sự tha thứ cho đứa con bất nhân của mình.
Trong cuộc sống có rất nhiều mâu thuẫn và mỗi người đều có cách giải quyết riêng của mình. Theo vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa: “Nhiều người chọn lối hành xử bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, khiến người lãnh án, kẻ mất mạng. Hiện nay, việc thiếu hiểu biết pháp luật trong giới công nhân là tình trạng đáng báo động. Để giúp giới công nhân hiểu rõ hậu quả của lối hành xử bằng bạo lực, cơ quan chức năng cần đầu tư nhiều hơn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để mỗi người nhận biết giá trị của con người mà quý trọng nhau hơn trong cuộc sống”.