Giảng viên làm Luật sư có nghiệp dư không?
Thảo luận tại hội trường sáng 23/10, đã có 24 ý kiến được đưa ra cho dự thảo Luật Luật sư. Trong đó đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm về quy định không cho phép giảng viên hành nghề luật sư trong dự thảo.
Phần lớn các ý kiến ủng hộ cho rằng, giảng viên hành nghề luật sư sẽ tận dụng được trình độ, kiến thức của người giảng dạy, làm phong phú thêm cho đội ngũ Luật sư của Việt Nam.
Ủng hộ quan điểm giảng viên được hành nghề luật sư, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định này phù hợp với quy định và phong tục tập quán của nhà nước ta hiện nay. Ông Nghĩa cho rằng, có nhiều loại hình Luật sư, trong đó luật sư thiên về lĩnh vực tư vấn rất phổ biến. Hay trong một vụ án cũng cần 3 – 5 Luật sư, được phân công theo nhóm, phụ trách từng lĩnh vực khác nhau.
"Nhiều người cho rằng, nếu để giảng viên làm Luật sư sẽ phát sinh tiêu cực. Tôi cho rằng không chỉ giáo viên làm Luật sư mới nảy sinh tiêu cực, vì nếu không làm Luật sư nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại can thiệp cũng có thể nảy sinh tiêu cực. Người làm Luật sư và tham gia công tác giảng dạy là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay".
Còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh quy định giáo viên không được làm nghề Luật sư |
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cũng cho rằng giảng viên làm luật sư sẽ tốt cho công tác nghiên cứu, đồng thời cũng tốt hơn cho nghề Luật sư. Thực tế này sẽ giúp cho những bài giảng của giáo viên thêm phần sinh động. Vì trên thực tế học sinh sinh viên đã ngán ngẩm với những bài giảng toàn lý thuyết mà thiếu có hơi thở thực tế.
Cùng ủng hộ quan điểm giảng viên được phép hành nghề luật sư, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, học đi đôi với hành sẽ mang lại hiệu quả cao. Tất nhiên trong quá trình làm việc, giảng viên vẫn phải đảm bảo thời gian giảng dạy, vì các trường vẫn quy định quỹ thời gian dành cho nghiên cứu giảng dạy.
Phó Thủ tướng cũng lấy ví dụ, có những lĩnh vực khác như nghề y, các trưởng khoa, phó khoa trong các trường đồng thời cũng là phó, trưởng khoa ở Bệnh viện. Điều này rất cần thiết.
"Những giảng viên tham gia luật sư sẽ bị đình chỉ nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Trình độ giảng viên như thế nào mới làm được Luật sư, vì thế phải đưa ra quy định cụ thể, ví dụ giảng viên phải là thạc sĩ trở lên mới được làm Luật sư. Không nên cấm giảng viên làm Luật sư. Người giảng viên nếu dám nhận làm Luật sư sẽ là vấn đề tốt" – Phó Thủ tướng đưa ra nhận định.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TPHCM cho rằng ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn xác đáng, và Quốc hội cần lưu tâm và nghiên cứu thêm. Theo kinh nghiệm của đại biểu Lịch khi còn học ở Sài Gòn, ông đã gặp nhiều người thầy thuộc hàng giáo sư đồng thời cũng là những Luật sư giỏi.
Mặt khác đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng, quy định thời gian cấp thẻ Luật sư 5 năm là vô lý. "Nghề luật sư không thời hạn thì không cớ gì lại cấp thẻ có thời hạn. Luật sư không đạt có thể bị rút thẻ. Vì thế không nên quy định thời hạn cấp thẻ Luật sư" – đại biểu Lịch nói chắc nịch.
Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng không nên để giảng viên làm nghề Luật sư, để đảm bảo tính chuyên nghiệp cho người làm Luật sư, đồng thời để đội ngũ giáo viên tận tâm với sự nghiệp "trồng người".
Đại biểu Đinh Xuân Thảo, đoàn Hà Nội cho rằng nếu để giảng viên làm Luật sư sẽ không đảm bảo khách quan, dễ nảy sinh tiêu cực. Mặc khác nếu luật sư không chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến chuyên môn, đồng thời còn ảnh hưởng cả đến công tác giảng dạy.
Tương tự, đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị cũng tỏ ra không đồng tình vì nếu để giảng viên làm Luật sư sẽ bị chi phối nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến công việc chuyên môn. Không người nào có thể làm được hai nghề trong cùng một thời gian.
"Nếu dự thảo cho phép viên chức đang giảng dạy làm nghề luật sư là không phù hợp. Luật sư là nghề đặc thù, cần có tính chuyên nghiệp cao. Tham gia công tác giảng dạy nhưng vẫn làm nghề Luật sư thì nghiệp dư quá" – đại biểu Nguyễn Trọng Trường, Bắc Ninh nêu quan điểm.
Không đồng tình để giảng viên kiêm Luật sư, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, đoàn TPHCM cũng cho rằng, đây là nghề đặc thù, hôm nay anh có thể làm thân chủ nhưng ngài mai lại có thể thành nạn nhân.
Dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này, nhưng theo dự kiến Luật Luật sư sẽ được thông qua tại kỳ họp này.