“Giận cá chém thớt”
Ngày 22-10-2013, cả hai khăn gói về quê dự đám cưới chị ruột Thắm. Đám cưới kết thúc thì một bi kịch diễn ra trong tích tắc...
Phạm Tấn Giàu xin phép được gặp gia đình trong ít phút ngắn ngủi. |
Khách về hết, gia đình bên vợ của Giàu sum họp lại, cùng nói chuyện, cười đùa rôm rả. Nhậu nhẹt mãi cũng chán, cả gia đình lôi bộ bài 52 lá ra đánh… ăn tiền, mỗi ván từ 5.000 – 10.000 đồng. Hết bia, N.V.Đ (em ruột Thắm) điện thoại kêu 1 kết bia. Sĩ diện của một chàng rể khiến Giàu lên tiếng: “Để tao hùn tiền bia phân nửa với mày, mỗi thằng 80.000 đồng!”. Trong một ván bài, Giàu thua nên anh ta móc túi đưa 50.000 đồng ra chung, Đ. với tay lấy tiền bỏ vào túi quần mình. Khi hết bia, hết vui, mọi người nghỉ, mạnh ai nấy tản đi. Giàu cũng bước ra khỏi nhà, bất ngờ Đ. níu lại… đòi tiền bia. Giàu khoát tay: “Lúc nãy đưa 50.000 đồng rồi, còn 30.000 đồng mai mốt tính nghe, tao không có tiền lẻ”. Đ. không đồng ý, buộc Giàu phải đưa nốt số tiền còn lại. Chỉ có vậy, nhưng cả hai cãi nhau quyết liệt. Giàu vung tay xô Đ. ngã xuống đất. Cũng không vừa, Đ. lớn tiếng đuổi anh rể đi chỗ khác ngủ.
Giàu hậm hực ra võng ở nhà trước ngủ. Vài giờ sau, khi trời sụp tối, Thắm bước ra kêu chồng vào nhà, Giàu giận lẫy: “Hồi nãy, bà không nghe thằng Đ. cấm tui vào nhà sao?”. Thắm chặc lưỡi: “Nó xỉn rồi, bắt lỗi nó chi?”. Giàu đột nhiên quay qua sửng cồ với vợ: “Tại sao biết nó xỉn mà bà không ra an ủi tui một câu?”. Phân bua rằng mình bận giữ con, Thắm nói ngọt để lôi chồng vào nhà. Trong lúc còn rượu trong người, Giàu lôi hết chuyện này chuyện kia ra cãi nhau với vợ. Đêm dài cũng trôi qua, khi anh ta bị cơn buồn ngủ ập đến.
Thế nhưng, khi thức dậy vào buổi sáng, Giàu vẫn còn giận gia đình vợ, đến mức anh ta không muốn đi đưa dâu theo kế hoạch ban đầu. Năn nỉ chồng không được, Thắm xẵng giọng: “Vậy ông chọn đi: Nếu không đi đưa dâu thì cuốn đồ về nhà hoặc đi Bình Dương”. Có người bác thuyết phục, Giàu cũng miễn cưỡng đi đưa dâu. Trong cuộc nhậu, anh ta tâm sự chuyện bị Đ. “cấm cửa”. Thắm đi ngang qua, quăng vào mặt anh ta một câu: “Có họng ăn, có họng nói”. “Vừa giận chuyện bị em vợ đuổi, vừa bị vợ sỉ nhục trước mọi người, tôi chỉ muốn dọn đồ đi cho nhanh. Nhưng trước khi đi, tôi phải nói chuyện phải quấy với vợ mới được. Tôi ra sau bếp, lấy con dao nhỏ giắt vào lưng quần, kéo áo che khuất rồi đi tìm vợ. Thấy Thắm đang ngồi trên võng ôm con, tôi lại gần kêu vợ xếp đồ để 5 giờ sáng lên xe sớm. Thắm cứ dùng dằng, đổ thừa tại đồ chưa khô, chưa dọn được. Tới lúc tôi gằn giọng, Thắm mới chịu đứng dậy. Giận quá mức, tôi rút con dao ra…” – Giàu nghẹn ngào khai trước tòa.
Trong giây phút rút con dao ấy, Giàu đã nhẫn tâm chém gần cả chục nhát vào đầu vợ mình. Thắm không kịp phản ứng và cũng không thể ngờ rằng, người đàn ông của cuộc đời mình lại có thể tàn độc đến vậy. Chị ngã khuỵu xuống, chân vẫn còn vướng vào chiếc võng, cả thân người đổ ập lên đứa con mới tròn 1 tuổi. May mắn vẫn mỉm cười với nạn nhân, khi chị thoát chết, chỉ bị thương tật 20%. “Câu nói của vợ bị cáo có nặng hay gay gắt đến mức bị cáo phải chém nhiều nhát vào người nạn nhân hay không? Bị cáo đã “giận cá chém thớt”, trút bao nhiêu hờn giận người khác vào vợ mình. Bị cáo kịp nghĩ hậu quả sẽ xảy đến nặng nề như thế này chưa?” – Hội đồng xét xử đặt câu hỏi. Giàu líu ríu trả lời “Không” bằng giọng thật nhỏ, thật buồn.
Đến giờ phút ra tòa, Thắm vẫn không yêu cầu xử lý hình sự, không yêu cầu bồi thường thiệt hại gì đối với chồng mình. Ngược lại, chị còn cho rằng, vụ việc xảy ra cũng có một phần lỗi của bản thân: “Phải chi lúc ảnh xỉn, tôi chịu khó năn nỉ, nói ngọt thì chắc chuyện không xảy ra. Đằng này, tôi lại lớn tiếng với ảnh… Giờ, ảnh tù tội rồi, mẹ con tôi bữa đói bữa no. Tôi phải gửi con nhỏ cho ngoại giữ để ra chợ buôn bán, kiếm từng đồng bạc lẻ. Hôm nào mưa gió, ế ẩm hoặc con bệnh thì cả nhà chỉ biết nhịn ăn. Tôi muốn chồng được giảm án, sớm ra tù về cùng tôi chăm sóc các con. Bao sai lầm của chồng, tôi không nghĩ đến nữa”. Ngồi dự khán với tư cách người bị hại lẫn người thân thuộc của bị cáo, chị đớn đau đến mức tiếng khóc cứ nghèn nghẹn ở cổ. Hai đứa con nhỏ cũng theo mẹ dự phiên tòa xét xử cha mình. Chẳng kịp hiểu chuyện u sầu của người lớn, chúng cứ khóc ré từng hồi vì buồn ngủ, vì đói. Phía trên kia, Giàu cũng khóc. Những tiếng khóc ấy cứ quện chặt lấy nhau...
Vì bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt Giàu 8 năm tù về tội “Giết người”. Trước khi trở về trại giam, anh ta xin phép Hội đồng xét xử được quay xuống nói lời xin lỗi vợ và gia đình mình. Nước mắt anh ta và vợ đều rơi, mặn đắng một bi kịch gia đình… |
Theo An Giang online