Giả xem bói chữ ký để làm khống giấy nhận nợ 100 triệu đồng!
Phiên tòa đòi nợ hôm ấy với kết quả hoàn toàn ngược lại những dự tính ban đầu của tôi.
Nguyên đơn là một phụ nữ đã đứng tuổi nhưng ăn nói khá liến thoắng, già đời, ăn mặc nhếch nhác. Còn bị đơn là cô gái trẻ, có vẻ như là con nhà khá giả với mỹ phẩm và trang sức đắt tiền trên người.
Ảnh minh họa |
Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả cho bà này số tiền vay một trăm triệu bạc, chứng cứ là tờ giấy xác nhận nợ với số tiền một trăm triệu ấy, có chữ ký được cho là của phía bị đơn.
Tôi thẩm vấn bị đơn: “Tại sao cô vay tiền mà không trả cho người ta?”
Bị đơn quắc mắt cãi: “Tôi không có vay, bà này nghèo rớt, còn tôi thuộc gia đình khá giả, làm gì có chuyện tôi lại đi vay tiền của bà ấy!”
Tôi: “Nếu không vay thì tại sao cô lại ký tên vào giấy xác nhận nợ với số tiền một trăm triệu đồng?”
Cô ta vẫn cãi: “Tôi không có ký vào giấy xác nhận nợ nào cả!”
Tôi gằn giọng: “Kết quả giám định chữ ký giữa chữ ký trong tờ giấy này với chữ ký của cô là do một người ký ra, điều đó chứng tỏ rằng, chữ ký trong giấy xác nhận nợ là chữ ký của cô, cô có ý kiến gì không?”
Cô ta vẫn giọng vùng vằng trả lời: “Oan cho tôi lắm Tòa ơi, tôi khẳng định là tôi không có vay tiền gì của bà ấy cả!”
Dù thái độ vùng vằng của cô gái khiến tôi cảm thấy không mấy thiện cảm, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn không tin người đàn bà nghèo nàn kia lại có số tiền lớn để cho một người khá giả vay không lấy lãi.
Tôi hỏi nguyên đơn: “Bà làm nghề gì?”
-“Tôi làm nghề xem tử vi, chỉ tay”
- “Bà có xem chữ ký không?”
- “Có chứ, nghề ruột của tôi mà.”
- “Bị đơn có từng xem tử vi, bói toán gì của bà không?”
- “Có, cổ là mối ruột của tôi nên tôi mới cho cổ mượn tiền.”
- “Bà có từng coi chữ ký của cổ không?”
Hỏi đến đây thì người đàn bà nguyên đơn ngập ngừng, mãi một lúc sau mói nói lí nhí: “Tôi không nhớ...”
Tôi liền hỏi bị đơn: “Cô có từng nhờ nguyên đơn coi chữ ký cho cô không?”
- “Dạ có!”
- “Khi coi chữ ký thì cô ký chữ ký của cô ra đâu?”
- Cô gái à lên vỡ lẽ: “Dạ em ký vào tờ giấy trắng vở học trò, giống như tờ giấy xác nhận nợ này.”
- “Cô ký mấy chữ ký vào tờ giấy trắng ấy?”
- “Chỉ một chữ ký, bà ấy chỉ cho em ký vào đoạn gần cuối trang giấy.”
Tôi hỏi nguyên đơn: "Có đúng là bà đã lợi dụng vào niềm tin của cô ấy để xem chữ ký bằng cách ký khống vào tờ giấy trắng ấy không?”
Khuôn mặt biến sắc từ hồng hào thành tái nhợt của nguyên đơn, giọng nói khản đi không rõ lời, mãi một lúc sau mới ấp úng: “Tôi không nhớ…”
- “Tại sao giấy xác nhận nợ của bị đơn chỉ có chữ ký mà chữ viết trong nội dung xác nhận nợ lại không phải của cô ấy, vậy ai là người viết?”
Bà nguyên đơn vẫn đứng yên như trời trồng chẳng buồn trả lời.
Bản án đã tuyên, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đòi một trăm triệu đồng đối với bị đơn vì không có cơ sở kết luận là giao dịch vay nợ này có thật.
Ngoài sân Tòa, cô gái bị đơn lớn tiếng mắng mỏ nguyên đơn. Nguyên đơn lầm lũi ra về với điệu bộ vô cùng xấu hổ.