Ghi sai số điện ở Hà Nội: Khách hàng có thể "đưa ra tòa" không?
Ảnh minh họa |
Thưa luật sư, hiện nay nhiều tờ báo phản ánh có hiện tượng ghi sai số điện hàng loạt tại Hà Nội khiến người dân rất nghi ngại. Luật sư có ý kiến gì về vấn đề này?
Việc ghi sai “chỉ số tiêu thụ điện” mà báo chí có phản ánh ở một số hộ dân ở Hà Nội là việc ghi "chỉ số tiêu thu điện” cao hơn chỉ số thực tế mà người dân sử dụng. Thông thường, nếu ghi sai với mức chênh lệch không đáng kể thì người dân ít để ý, nhất là mùa nắng nóng, người dân sử dụng các thiết bị dùng điện nhiều hơn, do đó, việc tiền điện có tăng chút ít là đều bình thường. Tuy nhiên, với mức tiêu thụ “đột biến tăng quá cao" khi nhận phiếu báo tiền điện thì người dân sẽ lưu ý, và khi họ phát hiện nguyên dân là do phía điện lực ghi cao hơn chỉ số thực tế thì họ sẽ phản ứng vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Phải chăng sau việc này người dân nên chú ý kiểm tra số điện tại công tơ nhà mình?
Thực tế, người dân sử dụng điện là những khách hàng dễ tính của ngành điện lực, tại thời điểm xác định số tiền điện mà họ phải trả thì họ cũng ít quan tâm hay kiểm tra, sự chênh lệch (nếu có) cũng không làm cho họ bận tâm. Tuy nhiên, qua sự kiện mà báo chí nêu, việc kiểm tra “chỉ số tiêu thụ điện” tại thời điểm ghi điện là cần thiết vì ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của khách hàng tiêu thụ điện.
Tuy nhiên, có thực tế là tiền điện hàng tháng được tính lũy tiến cao dần theo mức tiêu thụ điện, càng dùng nhiều giá càng cao, nếu không chú ý điều này, tháng trước thu nhầm bù sang tháng sau, người dân vẫn có thể bị thiệt. Ý kiến luật sư thế nào?
Điều này có nghĩa là khách hàng sử dụng điện sẽ bị thiệt hại như thế nào nếu ghi điện chênh lệch như báo chí phản ánh? Ta có thể làm một ví dụ đơn giản, (tạm dùng con số giả định dưới đây, thực tế bậc thang đầu và bậc thang cuối chênh lệch rất lớn, có nhiều bậc khó nhìn ra):
Giả sử giá điện cho 1000KW đầu là 1000 đồng/KW, giá lũy tuyến cho 500KW tiếp theo là 1200 đồng/ KW và mỗi tháng ta sử dụng bình quân 1000KW đầu thì trả tiền là 1.000.000 đồng/tháng, hai tháng sẽ là 2.000.000 đồng.
- Nếu tháng này ghi mức tiêu thụ là 1500KW tức cao hơn 500KW so với thực tế thì người dân sẽ trả cho 500KW này ở mức giá 1200 đồng/KW, tức là 1.000.000 đồng + 500 KW x 1200 đồng = 1.600.000 đồng. (trả dư so với thực tế là 600.000 đồng)
- Tháng sau, chỉ số ghi đúng thực tế thì người dân chỉ phải trả 500 KW (mặc dù tiêu thụ 1000KW), do 500KW đã trả dư của tháng trước và số tiền phải trả là 500.000 đồng.
- Tổng cộng hai tháng : 1.600.000 đồng + 500.000 đồng = 2.100.000 đồng. So với việc ghi đúng chỉ số thì người dân chỉ trả 2.000.000 đồng cho hai tháng mà thôi. Họ bị thiệt hại 100.000 đồng.
Thực tế khoảng cách giữa bậc thang đầu tiên đến bậc thang cuối cùng trong cách tính lũy tiến của điện lực cao hơn nhiều lần.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu phát hiện có động cơ để ghi sai số điện hàng loạt nhằm trục lợi thì cần xem xét. Ý kiến của luật sư thế nào?
Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng, trong phạm vi quyền hạn của mình, cần xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 7 Luật Điện Lực quy định về Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện có quy định : “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện”.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 137/2013/NĐ-CP thì hành vi “Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn” là vi phạm hợp đồng mua bán điện đối với bên bán.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 134/2013/NĐ-CP : “Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định”.
Người dân có cần kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xem có nguyên nhân nào đằng sau việc ghi sai số điện của nhiều hộ dân tại Hà Nội không, thưa luật sư?
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tuân thủ nghiêm túc Hợp đồng mua bán điện, kiến nghị ngành Điện lực cần phải nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động ghi chỉ số điện mà khách hàng tiêu thụ sao cho đúng số liệu thực tế, chính xác.
Việc ghi sai “chỉ số tiêu thụ điện” một cách bất thường và phổ biến thì cần thiết phải tiến hành xác định nguyên nhân để thông báo cho người dân được biết. Nếu có cơ sở cho rằng việc sai phạm xuất phát từ nguyên nhân chủ quan thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng cần kiểm tra xem ghi sai chỉ số tiêu thụ điện có nguyên nhân từ đâu.
Vậy những khách hàng của EVN thấy việc ghi sai chỉ số tiêu thụ điện có quyền kiện hay không, thưa luật sư?
Về nguyên tắc, nếu phát hiện có thiệt hại và vi phạm hợp đồng, khách hàng đều có quyền kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, ở trong hợp đồng, thường ghi rõ: "trong trường hợp phát sinh tranh chấp, các bên tiến hành thương lượng". Nếu không thương lượng sẽ giải quyết tranh chấp tại tòa án.... Như vậy, giải pháp thương lượng vẫn là giải pháp đầu tiên trong giải quyết tranh chấp dân sự và kinh tế. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể "đưa nhau ra tòa".
Cảm ơn luật sư!