Dùng bạo lực để… “cưỡng tình”
TAND TP Hà Nội vừa mở phiên sơ thẩm, xét xử công khai đối với bị cáo Nguyễn Văn Đoàn (SN 1986, trú tại xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) về tội Giết người.
Tại tòa, Đoàn khai nhận, bị cáo và Trần Thị M (SN 1995, trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có tình cảm yêu đương từ năm 2011. Mối tình ấy bị “dang dở” là do năm 2013 Đoàn vướng vòng lao lý. Vì mâu thuẫn, Đoàn đã đâm anh trai con bác ruột trọng thương và phải lĩnh án 2 năm tù giam về tội Cố ý gây thương tích. Suốt thời gian Đoàn thụ án tại Thanh Hóa, M từng vài lần vào thăm, động viên người yêu cố gắng cải tạo tốt.
Bị cáo Nguyễn Văn Đoàn tại phiên tòa sơ thẩm |
Trong 2 năm đó, M cũng tốt nghiệp cấp 3 và đi làm công nhân tại một công ty điện tử đóng tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tình cảm cô dành cho Đoàn cũng không còn như xưa. Sau khi được trả tự do (ngày 8/8/2015), Đoàn muốn cùng M nối lại tình cảm. Khi bị M từ chối, Đoàn nảy sinh ý định sát hại người yêu.
Qua tìm hiểu thói quen đi lại của M, sáng sớm ngày 25/8/2015, Đoàn mang theo dao bấm, bám theo M. Đến đoạn cầu Đò Vát (thuộc thôn Bình An, xã Trung Dã, huyện Sóc Sơn), gã vượt lên chặn xe máy, yêu cầu M nói chuyện và đòi kiểm tra điện thoại nhưng M không đồng ý. Bực bội, Đoàn túm cổ, đè M xuống đất rồi dùng dao đâm vào mặt, đầu M.
Một người bạn của M vô tình đi làm ngang qua, chứng kiến sự việc vội lao vào can ngăn. M vùng dậy chạy vào nhà một người dân gần đó để trốn. Đoàn tiếp tục đuổi theo chém liên tiếp 20 nhát vào mặt, bụng, lưng, chân M khiến cô bất tỉnh. Được đưa đi cấp cứu kịp thời, M may mắn thoát chết, nhưng cô vĩnh viễn mất đi 47% sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Dương, trưởng thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng (nơi bị cáo Nguyễn Văn Đoàn sinh sống) cho hay: Đoàn là con út trong một gia đình có 3 anh em trai. Anh ta là người cục cằn, nóng tính. Thi trượt đại học, Đoàn ở nhà làm thợ mộc.
Về phía Trần Thị M, vốn là chị cả của ba em nhỏ nên chuyện cô yêu người ở gần nhà không bị bố mẹ phản đối. Trong thời gian yêu đương, M và Đoàn tới nhà nhau chơi nhiều lần.
Tại phiên tòa, Đoàn còn để lại nỗi sợ hãi cho bị hại khi gã nói lời sau cuối: “Nếu sau này mãn hạn tù được trở về với xã hội, M vẫn chưa có ai yêu thương thì bị cáo xin được chăm sóc, lo lắng cho M đến trọn đời”. Ngồi nép mình bên cạnh bố, M đứng phắt dậy, dứt khoát từ chối: “Tôi và anh đường ai nấy đi, không liên quan gì tới nhau. Sau này đi tù về anh cũng đừng tìm và làm phiền tôi nữa”. Rồi M khẩn thiết: “Xin tòa xem xét, tôi không mong được bị cáo chăm sóc”.
Hành vi của Đoàn là đặc biệt nguy hiểm với xã hội. Bị cáo đã truy sát bị hại đến cùng, việc nạn nhân không chết nằm ngoài mong muốn của bị cáo. HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Đoàn tù chung thân về tội “Giết người”.
Những vụ án “giết người để cưỡng tình” đã không còn là cá biệt trong thời gian qua. Trước đó, cũng vì có tình cảm với chị T, nhưng không được chấp thuận, nửa đêm, một thanh niên ở Hải Phòng đã đột nhập vào nhà, chém chết 4 người trong gia đình chị T. Tương tự, đối tượng Phạm Thế A (Nam Định) nghe tin người yêu cũ đi lấy chồng, đã lẻn vào nhà, rút dao đâm 7 nhát vào người cô gái mới 23 tuổi này, khiến cô tử vong. Tại cơ quan công an, Thế A khai giết người yêu để… rửa hận.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đây là sự báo động hiện tượng các bạn trẻ dùng bạo lực để “đòi tình”. Nhiều bạn trẻ thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc, thiếu chín chắn trong suy nghĩ,... không được yêu thì giết hại đối phương để trả thù. Các bạn trẻ này chỉ muốn “độc chiếm” tình yêu cho riêng mình và không thể chấp nhận nhìn người mình yêu có hạnh phúc mới. Trong khi đó, tình yêu lẽ ra phải là sự tự nguyện của hai trái tim và mang lại hạnh phúc cho cả hai người. Ngoài ra, qua vụ án này, các bạn trẻ, nhất là bạn nữ nên rút kinh nghiệm, thận trọng khi qua lại với người có tính cách “ưa bạo lực”, khi nói lời chia tay cần khéo léo, chọn thời điêm thích hợp, tránh làm đối phương bị kích động.
Yên Hưng/Báo phụ nữ Thủ đô