Đơn ly hôn viết 18 tháng trước còn giá trị pháp lý không?
Ảnh minh họa |
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Hoa như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 312, Bộ Luật Tố tụng dân sự, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm viết đơn
- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn
- Tên, địa chỉ của vợ chồng
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có
- Các thông tin khác mà vợ chồng xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu
- Vợ chồng phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối đơn.
Gửi kèm theo đơn yêu cầu là tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng là có căn cứ và hợp pháp.
Điều kiện để Tòa án nhận đơn, thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là vào thời điểm viết đơn, ký đơn, gửi đơn vợ chồng cùng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
Trường hợp vợ chồng đã viết đơn, ký đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn từ 18 tháng trước nhưng nay mới gửi đơn: Có thể vào thời điểm gửi đơn cũ đã ký, một bên vợ hoặc chồng đã thay đổi ý kiến, không còn tự nguyện ly hôn; hoặc thỏa thuận về việc chia hoặc không chia tài sản, thỏa thuận về việc nuôi dưỡng con đã bị thay đổi, nên vào thời điểm gửi đơn, đơn cũ đã ký không còn phản ánh đúng thực tế yêu cầu của cả vợ chồng
Do vậy, để xác định tại thời điểm gửi đơn vợ chồng cùng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, thì vợ chồng cần thiết phải viết lại đơn với nội dung đó; ngày, tháng, năm viết đơn cần ghi đúng hoặc gần nhất, sát với thời điểm gửi đơn và cùng ký tên vào phần cuối đơn.
Theo quy định tại Điều 90, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, hướng dẫn tại Mục 9, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Trong trường hợp Toà án hoà giải không thành thì Toà án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hoà giải đoàn tụ không thành.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có phản đối sự thoả thuận đó, thì Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn
- Hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con
- Sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Nguồn: chinhphu.vn