Điều dưỡng viên tiêm thuốc làm cháu bé tử vong có được miễn trách nhiệm hình sự?
Ngày 15/01/2018, cháu Trang sốt cao nên được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa Đông Anh điều trị. Tại đây, cháu được chẩn đoán sốt viêm họng. Tới 22h cùng ngày, sức khỏe của bé Trang đã tạm ổn, mẹ cháu chị Trịnh Thanh Hải (34 tuổi) nhờ bà nội trông và đi ra ngoài ăn.
Tuy nhiên, vừa đi được vài phút chi Hải nhận được tin mẹ chồng gọi gấp nói con bị bác sĩ tiêm nhầm thuốc, lên cơn co giật. Khi tôi lên tới phòng bệnh, bé Trang người cứng đờ, tim đã ngừng đập. Chị Hải nghe được bác sĩ nói chuyện với nhau về việc tiêm nhầm thuốc cho bé Trang.
Cháu bé bị tiêm nhầm thuốc đã tử vong. |
Tới 1h sáng 16/01/2018, cháu được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu, lúc này cháu đã rơi vào tình trạng hôn mê, nguy kịch. Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã thành lập hội đồng chuyên môn xem xét việc thực hiện sai quy trình chuyên môn, hội đồng kỷ luật đã đình chỉ công tác 30 ngày với điều dưỡng Hoàng Thu Trang.
Sau hơn 1 tuần điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, do cháu Trang bị hôn mê sâu, chết não nên đã tử vong vào tối 23/01/2018.
Là người bảo vệ quyền lợi miễn phí cho gia đình trong vụ việc cháu Trang bị nghi tiêm nhầm thuốc uống dẫn đến tử vong, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm về vụ việc.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói: “Để có căn cứ xử lý vụ việc, Cơ quan điều tra cần thiết trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn pháp y tử thi làm rõ nguyên nhân chết của cháu Trang. Trên cơ sở kết luận giám định, Cơ quan điều tra sẽ xem xét đánh giá vụ việc.
Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo thông tin ban đầu, cái chết của cháu Trang có liên quan đến việc điều dưỡng viên của Bệnh viện Đông Anh dùng thuốc kali clorid 10% (2,5ml) tiêm tĩnh mạch cho trẻ. Trước đó, bác sĩ khám và chẩn đoán, bé gái bị tiêu chảy cấp có mất nước, viêm họng cấp, theo dõi tim bẩm sinh.
Do cháu có biểu hiện mệt, khát nước, bụng mềm nên được chỉ định dùng kali clorid 10%/5ml x 1 ống (uống 1/2 ống/lần). Như vậy, việc điều dưỡng viên đã dùng thuốc chỉ định bác sỹ để uống nhưng do nhầm lẫn đã dùng để tiêm vào tĩnh mạch cháu bé là không thực hiện đúng theo y lệnh của bác sỹ, vi phạm quy định của ngành y.
Kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn nếu xác định việc tiêm nhầm thuốc để uống có mối quan hệ nhân quả làm cháu bé tử vong thì điều dưỡng viên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Khoản 1 Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, quy định mới có lợi cho người phạm tội theo Điều 29 “Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự” của Bộ luật Hình sự 2015 thì trường hợp phạm tội của điều dưỡng viên xảy ra trong mối quan hệ khám chữa bệnh, thuộc loại tội nghiêm trọng do lỗi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng và nếu được người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, việc miễn trách nhiệm hình sự sẽ do các cơ quan tố tụng quyết định cân nhắc xem xét đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả gây ra do hành vi vi phạm.
Theo Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.