ĐB Trần Hoàng Ngân: EVN cần giảm xuống còn 3 bậc giá điện
Sáng nay 22/5, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách của Chính phủ và quyết toán ngân sách nhà nước 2017, vấn đề tăng giá điện đã được nhiều ĐBQH đề cập đến.
Tại tổ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, so các lần tăng giá điện thì đợt tăng giá tháng 3/2019 là cao nhất trong 11 lần điều chỉnh giá điện gần đây.
ĐB Dương Quang Thành phát biểu tại tổ sáng nay 22/5. |
Ông Thành cũng cho biết, tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào giá điện chính gồm: giá than, dầu, khí tăng và một số yếu tố khác đã làm tăng thêm chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng. Việc điều chỉnh giá điện lên 8,36% để bù đắp cho khoản thiếu hụt này.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã chỉ rõ, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh. Các chi phí trong tính toán giá điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác và đầu tư ngoài ngành.
Chi phí này tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%. Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EVN, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018.
Kết luận gần nhất trước khi tăng giá điện là ngày 27/1/2019, Thường trực Chính phủ đã họp và đã có quy định điều chỉnh giá điện lên 8,36%. Từ 27/1 đến 20/3, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương đã họp và báo cáo đầy đủ việc tăng giá điện ngày 20/3.
“Chính vì vậy, việc công khai minh bạch việc tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công Thương làm đầy đủ các thủ tục theo quy định”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EVN - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội khẳng định.
Trước ý kiến tại sao EVN lại điều chỉnh giá điện vào mùa nắng nóng, đại biểu Dương Quang Thành lý giải, việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ. Từ năm 2017 đến nay đã có 11 lần điều chỉnh giá điện, trong đó có 4 lần điều chỉnh vào tháng 3 và 3 lần điều chỉnh vào tháng 12.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề xuất, cần giảm xuống chỉ còn 3 bậc giá điện. |
Việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ mà đúng theo quy định. Tỷ lệ các lần điều chỉnh giá điện vào tháng 3 vừa qua là cao nhất trong các lần điều chỉnh giá điện. Trong phân tích của Chính phủ, tháng 3 cũng là tháng CPI thấp nhất, thuận lợi nhất cho việc điều chỉnh giá điện.
Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn báo cáo của Chính phủ về giá điện và nêu ra 3 lý do tiền điện tháng 4 tăng cao (là do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% và kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 dài hơn tháng 3 năm 2019) và cho rằng, cả 3 lí do đều chưa thuyết phục.
Chẳng hạn, với lý do thứ nhất thì năm nào mùa hè cũng nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. “Các đại biểu sẽ chất vấn đề vấn đề này tại hội trường Quốc hội”, đại biểu Mai cho biết thêm.
ĐB Trần Hoàng Ngânphát biểu tại tổ sáng nay 22/5. |
Trong khi đó, tại tổ TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề xuất, cần giảm xuống chỉ còn 3 bậc giá điện. Cụ thể: Bậc 1 từ 0 đến 100 kWh, bậc 2 là từ 101-300 kWh và bậc 3 là từ 301 kWh trở lên.
"Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng lên, do thu nhập được cải thiện, điều kiện sinh hoạt cũng hơn trước. Do đó, định mức bậc thang phải có sự thay đổi. Như vậy, việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân", đại biểu Ngân nói.
Không đồng tình với 6 bậc thang tính giá điện hiện nay, đại biểu Ngân dẫn ra thực tế: Hiện Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chỉ áp dụng 3 bậc giá; Indonesia áp dụng 5 bậc giá và đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm nghiên cứu, chỉnh sửa.
"Cái gì chưa hợp lý thì sửa... Bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân", ông Ngân nói.