Đây là lý do tòa tuyên Grab chỉ phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Lê Công Toại đọc bản án. |
Sáng 28/12, phiên tòa sơ thẩm vụ việc dân sự giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab) đã kết thúc.
Tại đây, HĐXX buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT coi Grab là đơn vị kinh doanh vận tải.
Về việc yêu cầu Grab bồi thường số tiền trên, theo HĐXX, khoảng thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá, dân số cũng tăng khoảng 2%. Riêng ngành vận tải hành khách tăng trên 20%, nhu cầu đi lại bằng taxi tăng không dưới 10%. Cùng lúc này, lượng xe taxi bị giới hạn ở mức dưới 14.000 xe.
Theo suy luận của HĐXX, từ các con số tăng trưởng nêu trên, cộng với việc xe taxi bị giới hạn, chắc chắn sẽ dẫn đến việc doanh thu tăng. Tuy nhiên, thời kỳ này, doanh thu của Vinasun lại sụt giảm, như vậy gây nên sự sụt giảm này có nguyên nhân từ sự xuất hiện của Grab.
Theo HĐXX, từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, lượng xe Grab “tăng đột biến”. Nếu như trước 2016 chỉ có dưới 300 xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng, thì đến đầu năm 2016 số xe đăng ký thành xe hợp đồng để chạy Uber, Grab tăng nhanh.
Số liệu thống kê cho thấy, hết quý 1 năm 2016 có 2.400 xe thì đến quý 4 đã tăng lên 17.000 xe, sang quý 1/2017 con số này là 21.000 xe. Riêng Grab, đến ngày 30/6/2017 đã có hơn 12.000 xe.
Lượng chuyến xe tăng lên của Grab cũng tương ứng với sự sụt giảm “cuốc” xe của Vinasun. Vào tháng 6/2016, Vinasun có 4 triệu “cuốc” xe thì Grab mới chỉ có 537 ngàn chuyến. Đến tháng 12/2016, Vinasun giảm xuống còn 3,7 triệu “cuốc” thì Grab tăng lên 1,4 triệu chuyến.
Đến tháng 3/2017, số “cuốc” xe của Vinasun là 3,4 triệu còn của Grab là 1,4 triệu. Vào tháng 6/2017, Vinasun sụt giảm chỉ còn 1,5 triệu “cuốc” và Grab đã tăng lên 2 triệu.
HĐXX nhận định, trong khi lượng xe Grab tăng không ngừng thì thì xe Vinasun nằm bãi ngày càng nhiều, lượng chuyến ngày một ít. Đến tháng 6/2017, Vinasun chỉ còn 6.101 xe kinh doanh – bằng 47% lượng xe của Grab.
Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân - quả giữa số chuyến xe của Grab với việc giảm của Vinasun. “Đây là thực tế biện chứng dễ nhận thấy và xã hội không thể phủ nhận” – HĐXX lập luận.
HĐXX cũng nhấn mạnh rằng, Grab không tạo ra thị trường mới mà “bằng hành vi vi phạm pháp luật” đã tạo ra sự dịch chuyển khách hàng, gây thiệt hại cho Vinasun 4,8 tỷ đồng – là số tiền thiệt hại do xe nằm bãi, không thể hoạt động.
Vì vậy, phán quyết buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền trên “vừa có căn cứ theo pháp luật, vừa phù hợp với thực tế khách quan của vụ án”.
Với yêu cầu của Vinasun đòi bồi thường số giá trị vốn hóa bị sụt giảm, HĐXX cho rằng “không có căn cứ”.
Dù xác nhận việc giá trị vốn của Vinasun giảm là thật, thậm chí trong đó có nguyên nhân do Grab nhưng HĐXX cũng cho rằng “còn có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác”. Trong khi đó, HĐXX không thể tách biệt “phần nào do Grab, phần nào do các yếu tố khác” nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của Vinasun.