Đâu là 'sự thật' trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc?
Đâu là 'sự thật' trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc?
Tần Cương - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. |
Ngày 4/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã có những phản ứng đầu tiên của mình đối với Nghị quyết về vấn đề Biển Đông của Hoa Kỳ. Điều đáng nói là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tiếp tục thể hiện thái độ “gắp lửa bỏ tay người” khi cho rằng: “Một số quốc gia nhất định đã không tôn trọng và tuân thủ DOC, liên tục lợi dụng các nguyên tắc và tinh thần của DOC để thực hiện những hành vi khiêu khích. Điều này đã tạo ra những sự khó khăn trong khi đàm phán xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông - COC ”.
Không cần nhắc lại thì đến nay cả thế giới đều đã biết ai mới là “kẻ lợi dụng DOC để liên tục thực hiện những hành vi khiêu khích” khi cho tàu lao vào cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Viking và Bình Minh 2 khi những con tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của của Việt Nam, không hề có “chồng lấn” nào. Thực chất đây là âm mưu biến những vùng không tranh chấp thành những vùng tranh chấp để thực hiện tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc thông qua "đường lưỡi bò" sai trái.
Bên cạnh việc tấn công hai tàu thăm dò nói trên, phía Bắc Kinh đã thường xuyên có các vụ tấn công hay bắt giữ thuyền đánh cá, ngư dân của Việt Nam, suốt từ năm 2005 đến nay.
Đối với các nước khác, hành xử của Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Mới đây nhất là vụ đụng độ tàu chiến của Philippines với tàu hải giám và tàu ngư dân của Trung Quốc ngày 11/4. Theo đó, khi tàu chiến lớn nhất nước này Gregorio del Pilar phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc đang neo đậu tại phạm vi lãnh hải của nước mình với việc đánh bắt san hô trái phép (vùng biển cách bờ phía Tây đảo Luzon của Philippines 124 hải lý).
Ngay sau đó, phía Trung Quốc cử hai tàu hải giám (Zhonggou Haijan 75 & 84) hoạt động gần đó đến bao vây tàu chiến của Philippines, ngăn không cho bắt giữ tàu cá của nước này. Trong những phát ngôn sau đó, Bắc Kinh cho rằng phía Manila cử binh sĩ sang quấy nhiễu tàu cá nước này đang trú ẩn nên phải điều tàu đến bảo vệ quyền lợi!
Sơ đồ miêu tả quá trình tàu cá TQ tấn công các tàu tuần tra của Nhật Bản hồi năm 2010. |
Không chỉ “cậy thế làm càn” trên vùng Biển Đông, Bắc Kinh còn liên tục thể hiện thái độ hung hăng và khiêu khích các quốc gia láng giềng khác trên những vùng biển giáp ranh. Ngày 7/9/2010, một tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào hai tàu tuần tra của Nhật Bản tại khu vực gần đảo tranh chấp Điếu ngư (Sensaku). Những video rò rỉ trên mạng Youtube, ghi hình từ hai con tàu tuần tra, sau đó được đệ trình lên Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản cho thấy tàu Trung Quốc cố tình gây hấn.
Một trong những hành động khiêu khích đỉnh điểm và đẫm máu là việc thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc đâm chết một hạ sĩ quan Hàn Quốc. Ngày 12/12/2011, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc phát hiện hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp của một tàu cá Trung Quốc tại khu vực ngoài khơi hòn đảo thuộc biển Hoàng Hải và cố gắng bắt giữ. Khi thực hiện viện khám xét và bắt giữ, thuyền trưởng Trung Quốc sử dụng mảnh thủy tinh đâm vào hạ sĩ quan Lee khiến ông thiệt mạng.
Có lẽ khi lên tiếng tố cáo các nước láng giềng “thực hiện hành vi khiêu khích”, người phát ngôn Tần Cương của Bộ ngoại giao Trung Quốc không nhớ đến những sự kiện này?
Trong tuyên bố của mình, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng: “Nghị quyết của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã hoàn toàn bỏ qua những sự thực, cân nhắc những yếu tố đúng, sai và phát đi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng, không có lợi cho những nỗ lực bảo vệ sự hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Để biện hộ cho hành vi sai trái khi quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng: “Đây là sự điều chỉnh cần thiết của chính phủ Trung Quốc đối với những cơ quan hành chính hiện tại và nó (Tam Sa) nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của Trung Quốc”.
Nên biết, tất cả các bằng chứng lịch sử cũng như các công ước, luật pháp quốc tế hiện hành đều không thể giúp Trung Quốc giải thích được họ dựa trên cơ sở nào để cho rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc cố tình đưa vào lãnh thổ của cái gọi là "thành phố Tam Sa") là “hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.
Người phát ngôn Tần Cương tiếp tục lên tiếng chất vấn Hoa Kỳ: “Tại sao Hoa Kỳ có thể nhắm mắt khi chọn riêng Bắc Kinh để chỉ trích trong khi một số quốc gia nhất định đã tiến hành mời thầu, khai thác các lô dầu, khí cũng như công bố các bộ luật quốc gia (Luật Biển Đông của Việt Nam) xâm hại đến chủ quyền các quần đảo và vùng nước của Trung Quốc. Tại sao Hoa Kỳ lảng tránh không nhắc đến các mối đe dọa của tàu chiến nước ngoài đối với ngư dân Trung Quốc và những tuyên bố chủ quyền không được công nhận của họ đối với những quần đảo của Trung Quốc?”.
Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu giới thiệu các lô dầu khí mà PVN đang hợp tác với đối tác nước ngoài, nằm trong khu vực 9 lô mà Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc vừa trắng trợn mời thầu - Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuổi trẻ |
Có lẽ cần phải một lần nữa nhắc lại để ông Tần Cương và Bộ ngoại giao Trung Quốc “nhớ cho kỹ” rằng 9 lô dầu khí mà công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang mời thầu quốc tế nằm sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí cùng đối tác của mình. Cụ thể, giới hạn phía tây của các lô mà Trung Quốc mời thầu cách khu vực bờ biển Quảng Ngãi chỉ 76 hải lý (hơn 140km), cách bờ biển phía bắc Nha Trang 60 hải lý (110km), điểm gần nhất cách Nha Trang và Phan Thiết có 57 hải lý (105km) và điểm gần nhất cách đảo Phú Quý hơn 30 hải lý (55km).
Không biết ông Tần Cương và Bộ ngoại giao Trung Quốc định lý giải đây là hành động gì nếu không phải là sự xâm phạm một cách trắng trợn công ước quốc tế và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam?
“Phía Mỹ nên đi theo xu hướng của thời đại, tôn trọng nguyện vọng chung của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển, tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc cũng như đóng góp nhiều hơn vào hòa bình, thịnh vượng của châu Á – Thái Bình Dương”, người phát ngôn Tần Cương nói trong đoạn cuối của tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc.
Cũng trong tối qua (4/8), Bộ ngoại giao Trung Quốc cho hay trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Zhang Kunsheng đã triệu tập đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh Robert Wang đến để “bày tỏ những quan ngại nghiêm trọng” về bản tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ.
Minh Tân