Đằng sau những cuộc chơi “sành điệu”
Hậu quả đằng sau những phút bốc đồng, chứng tỏ sành điệu là những hệ lụy liên quan đến sức khỏe, đạo đức, lối sống. Sau đó nữa là câu chuyện quản lý, giáo dục con cái của các phụ huynh.
Xin, vay nóng, lấy cắp
“Mỗi lần đi bar chơi, nhóm em thường góp ít nhất 500 ngàn đồng mỗi đứa”, B. (18 tuổi, phường Hải Cảng, Quy Nhơn) chẳng có vẻ gì là “nghiêm trọng” khi đề cập đến số tiền bằng học phí cả tháng đó cho một lần đi bar, mà lại là mức thấp nhất. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, B. giải thích thêm: “Vào đó đâu chỉ ngồi uống chai bia hay đĩa trái cây thôi chị. Giờ đi bar ai cũng lận lưng gói “cỏ Mỹ”, cũng gọi bình shisha để xài, sang hơn thì góp nhau gọi rượu”.
Một nhóm thanh thiếu niên cùng nhau sử dụng shisha có pha thêm các chất khác để tăng “độ phê” tại một quán bar ở Quy Nhơn. |
“Đang là học sinh mà tiền đâu bọn em góp nhiều thế?”, cậu bạn đi cùng B. đáp nhẹ tênh: “Tụi em xin tiền ba mẹ, người thân, nếu không được thì lấy tiền học phí hay vay tạm rồi trả lại sau”. B. kể: “Chỉ cần đưa chứng minh thư là có thể vay được tiền rồi. Giờ em đang nợ 2 triệu, mỗi ngày đều phải trả góp, kể ra cũng hơi nặng nhưng lỡ rồi thì đành cố, khi nào không được nữa thì nói thật cho ba mẹ biết rồi xin trả sau”.
B. kéo tôi đi với nhóm bạn của cậu vào một quán bar ở trung tâm TP Quy Nhơn “cho biết”. Chìm đắm trong tiếng nhạc chát chúa dưới ánh đèn mờ ảo, sau gần hai giờ vừa hút shisha (có pha thêm rượu và “cỏ Mỹ”) vừa nhảy, nhóm B. bắt đầu mệt, mắt lờ đờ. Một số người trong nhóm phải nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè để ra về. B. chỉ vào bình shisha, giải thích: “Chơi thứ này rất êm, nhẹ nhàng, thơm nữa. Phê chứ không có nghiện, mà khi đã phê rồi thì ai cũng muốn chơi đến cùng, sau khi chơi đã rồi thì ngủ một giấc sẽ khỏe lại ngay”.
Tôi biết, cái kiểu giải thích “phê chứ không nghiện”, “chơi đến cùng” mà cậu trai 18 tuổi vừa tốt nghiệp THPT này nói với tôi cũng chỉ là để “ve vãn” bản thân, tự huyễn hoặc, phỉnh dụ những người bạn mới tập tành, mon men vào “thế giới sành điệu”. Mà thậm chí, những người sa chân rồi có khi cũng chẳng ngộ ra rằng, cái mà họ cho là “giây phút thăng hoa” nhờ khói thuốc ấy không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn những hậu quả khác.
Trường hợp của M. (17 tuổi, phường Lê Lợi, Quy Nhơn) là một ví dụ. Sau khi tập tành hút “cỏ Mỹ” từ một người bạn, M. bắt đầu nhịn ăn sáng để lấy tiền mua chất kích thích này. Nhịn ăn sáng vẫn không đủ. M. chuyển từ khách hàng mua “cỏ” sang người đi cung cấp “cỏ” để kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ tự biến mình thành người cung cấp chất gây nghiện, ma túy để có tiền hút “cỏ”, chơi shisha theo trào lưu, có những thanh niên trở thành kẻ trộm. Như Q. (18 tuổi, phường Hải Cảng) không chỉ thế chấp đồ dùng cá nhân mà ba mẹ sắm cho, những lần cần tiền để đi chơi và thể hiện đẳng cấp “phê”, “bay” của mình, Q. đã lấy trộm gần 6 triệu đồng của ba mẹ. Khi bị phát hiện, Q. bỏ nhà đi bụi.
Bắt đầu từ việc phụ huynh thiếu quan tâm
Cho rằng chu cấp đầy đủ cho con là xong nhiệm vụ, mới đây, gia đình chị T. (phường Hải Cảng, Quy Nhơn) tá hỏa vì phát hiện con trai mình dùng ma túy. Chị T. kể lại: “Hôm đó vì có chút việc nên chồng tôi về nhà sớm hơn thường ngày và vô tình phát hiện cậu con trai đầu đang học lớp 11 đang lờ đờ, mắt đỏ lừ, ngồi thừ lừ trong phòng. Truy mãi nó mới chịu khai đã sử dụng “cỏ” gần cả năm nay... Công việc bận rộn nên mỗi sáng tôi phát cho nó 50.000 đồng, cuối tuần thì cho 100 ngàn đồng để đi chơi cùng bạn bè, bình thường cũng thấy nó hút thuốc lá nhưng có ngờ đâu, nó tập tành chơi thứ kích thích nguy hiểm đó...”.
Đa phần những phụ huynh mà tôi tiếp xúc đều tỏ ra bất ngờ khi biết con trẻ sử dụng những chất kích thích này. 23 giờ một ngày nọ, anh H. (phường Hải Cảng), được CA phường mời lên bảo lãnh con trai về. “Lúc đầu khi nhận thông tin, tôi chỉ nghĩ chắc tại nó đi chơi về khuya. Thế nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ khi được thông báo rằng nó cùng nhóm bạn thuê khách sạn để cùng hút shisha, “cỏ Mỹ” và hò hét nên bị người dân phản ánh và bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì gây mất an ninh trật tự. Thật tình, tôi không biết “cỏ Mỹ” là gì nhưng cũng hình dung ra đó là một chất nguy hiểm”. Rồi anh H. trầm ngâm giải bày: “Vợ chồng tôi có 3 đứa con, lo cho tụi nó ăn học cũng khá vất vả. Thằng lớn nghỉ học từ năm lớp 9, rồi đi học nghề, giờ đi làm. Nghĩ nó trưởng thành rồi không phải lo, vậy mà nó cũng dễ dàng bị sa vào vào những thứ độc hại đó. Chuyện hôm nay cũng một phần do vợ chồng thiếu quản lý con cái, cứ nghĩ kiếm tiền lo ăn cho tụi nhỏ là xong, ngờ đâu...”.
Khi nói về “cỏ Mỹ”, shisha, thêm một lần nữa, các cảnh sát phòng chống ma túy đều đưa ra những thống kê và cảnh báo về sự có mặt của các loại chất gây nghiện này trên địa bàn TP Quy Nhơn, thậm chí đã lan về một số huyện, trong đó đối tượng là học sinh ngày càng nhiều. Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CA tỉnh, khuyến nghị: “Các vị phụ huynh nên giáo dục, quản lý con em mình sát sao hơn, thậm chí cũng nên cẩn trọng trong việc cho con tiền tiêu vặt hay ăn sáng, tránh việc con sử dụng tiền không đúng mục đích. Mỗi điếu “cỏ Mỹ” giá từ 100-140 ngàn đồng, khá đắt nên các em đã hùn tiền nhau lại để hút chung. Theo tôi được biết, có những em nhịn ăn sáng, hoặc tiết kiệm tiền tiêu vặt lấy tiền đó mua “cỏ” để hút”.
Theo KIỀU ANH/ Bình Định online