Đà Nẵng: Không thuê nổi phiên dịch để xử lý người nước ngoài vi phạm
Ngày 26/11, Văn phòng HĐND TP Đà Nẵng cho biết vừa nhận được báo cáo số 284/BC-UBND của Chủ tịch UBND TP về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018. Trong đó cho biết từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của TP đã điều tra, khám phá 363/439 vụ vi phạm về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 82,7%), bắt xử lý 577 đối tượng. Các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo quyết liệt, mang lại hiệu quả cao, tỉ lệ điều tra khám phá đạt 100% (55/55 vụ).
Người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú tại Đà Nẵng ngày càng tăng. (Ảnh: HC) |
Đáng chú ý, theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, hiện nay lượng người nước ngoài đến TP ngày một đông. Sơ bộ 9 tháng đầu năm 2018 có trên 2,2 triệu người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú tại Đà Nẵng, tăng 90% so cùng kỳ năm 2017. Mục đích nhập cảnh chủ yếu là du lịch, trong đó khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 78,04%.
Tuy nhiên sự gia tăng đó cũng kéo theo những vi phạm của người nước ngoài trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, an ninh trật tự... 9 tháng đầu năm 2018, Công an TP Đà Nẵng đã xử phạt 210 trường hợp người nước ngoài vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú (tổng số tiền phạt trên 1,4 tỉ đồng).
Các trường hợp bị xử lý chủ yếu là tìm cách câu kết với người Việt Nam tổ chức điều hành du lịch, làm hướng dẫn viên du lịch trái phép (28 trường hợp, gồm 22 người Trung Quốc, 06 người Hàn Quốc); 119 trường hợp người nước ngoài đến cư trú lỳ, cư trú quá hạn tạm trú không chịu xuất cảnh; 14 trường hợp người nước ngoài thuê nhà dân rồi trang bị các thiết bị để đánh bạc qua mạng.
“Quá trình Cơ quan điều tra xử lý vi phạm của các đối tượng người nước ngoài cần phải có phiên dịch. Tuy nhiên Sở Ngoại vụ không đáp ứng được người phiên dịch (tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc…). Mức phí cho việc thuê phiên dịch hiện quá cao (500.000 đồng/giờ; 4 triệu đồng/ngày), trong khi Thông tư 03/2013/TT-BCA của Bộ Công an chỉ cho phép thanh toán 150.000 đồng/ngày nên Công an TP không thể đáp ứng được!” – Báo cáo 284/BC-UBND của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, thời gian qua số đối tượng cần giám định tâm thần tăng (do vừa giám định theo quy định tại Khoản 1, Điều 206 BLTTHS và Quy định số 901/2016 của UBND TP Đà Nẵng), tốn nhiều thời gian, kinh phí và lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ giám định.
Đối với mỗi trường hợp cần giám định pháp y tâm thần phải cần thời gian từ 30 đến 45 ngày, với số tiền từ 18 đến 20 triệu đồng, 04 đến 06 cán bộ chiến sĩ quản lý vì phải đưa từ Đà Nẵng ra giám định tại Trung tâm Giám định tâm thần Huế.
“Đề nghị HĐND TP nghiên cứu, chỉ đạo Liên ngành Tư pháp TP nghiên cứu, kiến nghị Bộ Y tế về việc thực hiện giám định pháp y tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để giảm những khó khăn, bất cập nêu trên và đảm bảo kịp thời trong điều tra, xử lý tội phạm!” – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh trong báo cáo số 284/BC-UBND.