Đà Nẵng dự kiến rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư đảm bảo hài hòa, nhân văn
Các thị trường, đổi tác trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí, ngày 24/01-/019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, TP tập trung phát triển 03 trụ cột chính: Du lịch, Công nghiệp công nghệ cao, Kinh tế biển và chú trọng phát triển 05 lĩnh vực mũi nhọn.
“Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoc học công nghệ” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 30/3 (Ảnh: HC) |
Với định hướng đó, Đà Nẵng ưu tiên kêu gọi đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ; các ngành dịch vụ chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án đổi mới sáng tạo; các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, chiến lược... Đồng thời TP xác định các thị trường và đối tác trọng điểm thu hút đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, một số quốc gia châu Âu (Đức, Pháp)...; các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan...
“Trong chiến lược phát triển, Đà Nẵng luôn xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt được ưu tiên đầu tư hàng đầu để tạo lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư và phát triển KT-XH. Với dân số hơn 1,2 triệu người, lực lượng lao động chiếm hơn 55%, đa số trẻ và năng động, Đà Nẵng có nguồn lao động dồi dào. Trong năm 2018, TP đã giải quyết việc làm cho hơn 24.500 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 51%!” – Ông Võ Công Trí nói.
Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết, với định hướng phát triển KT-XH và theo dự báo phát triển của TP tại dự thảo quy hoạch TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với vốn đầu tư tăng hàng năm dự báo (bình quân 40.000 – 50.000 tỷ/năm) thì nhu cầu lao động tăng thêm đến năm 2025 hơn 250.000 lao động và đến năm 2030 là 450.000 lao động
Trong đó, nhóm ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng hơn 160.000 lao động (riêng ngành Dịch vụ du lịch tăng khoảng 40.000 lao động) và đến năm 2030 tăng 330.000 lao động (riêng ngành dịch vụ du lịch có thể đạt tăng 70.000 lao động); nhóm ngành Công nghiệp – xây dựng đến năm 2025 tăng khoảng 67.000 lao động (riêng ngành CNTT tăng khoảng 22.000 lao động), đến năm 2030 tăng khoảng 130.000 lao động.
Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự cuộc tọa đàm |
Nguồn nhân lực Đà Nẵng đối mặt với nguy cơ tụt hậu
Tuy nhiên theo ông Võ Công Trí, vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực của TP Đà Nẵng. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế; trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.
Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động mới tốt nghiệp đa số chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của cơ quan, doanh nghiệp; do đó doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo lại. Đồng thời sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Các cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong việc kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng một chương trình đào tạo thực tế và thiết thực, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc. Trong nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cơ sở nghiên cứu chưa chặt chẽ, nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện nhưng tính ứng dụng chưa cao, và ít doanh nghiệp biết đến hoặc áp dụng.
“Trong thời kỳ phát triển mới của TP hướng tới năm 2030, tầm nhìn 2045, Đà Nẵng sẽ còn phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực. Ví dụ như những nguy cơ về sự tụt hậu, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các địa phương và khu vực lân cận trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng làm thay đổi bản chất nhiều loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, đặt ra những thách thức mới đối với người lao động trong nâng cao năng lực và cải thiện năng suất lao động trên cả 03 khía cạnh kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng phát triển bản thân!” – Ông Võ Công Trí nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: HC) |
Rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư
Đặc biệt, ông Võ Công Trí nhấn mạnh, nhận thức được những khó khăn nêu trên trong công tác đào tạo, nghiên cứu, tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, trong thời gian Đà Nẵng sẽ xây dựng và triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của TP.
“TP Đà Nẵng cũng dự kiến rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư, bảo đảm hài hòa, nhân văn, hỗ trợ tích cực cho phát triển KT-XH; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; thực hiện liên thông, minh bạch về thị trường lao động!” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nêu rõ.
Để thực hiện việc rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư, ông Võ Công Trí cho biết, lãnh đạo TP Đà Nẵng mong muốn lắng nghe các doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự tại Đà Nẵng; đề xuất, hiến kế với chính quyền các chính sách phát triển nguồn nhân lực cho TP cả về chất và lượng; đồng thời đặt hàng đối với các cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng mong muốn thảo luận với các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nhằm tìm ra giải pháp đẩy mạnh gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các trường với việc phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, trang bị được những kiến thức, kỹ năng thiết thực cho sinh viên, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo, nghiên cứu và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, “Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoc học công nghệ” tổ chức sáng 30/3 là sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng trong năm 2019 với chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, đồng thời là sự tiếp nối thành công của “Tọa đàm Mùa xuân 2019”. Vì vậy, tọa đàm đã thu hút gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo TP, các sở, ngành, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề, các nhà khoa học; các hội, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước… tham dự phiên toàn thể báo cáo tổng quan về thực trạng và khả năng cung ứng nguồn nhân lực; thực trạng đổi mới khoa học và công nghệ của TP Đà Nẵng; chia sẻ về nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí nhấn mạnh thêm, đây là lần đầu tiên TP Đà Nẵng tổ chức cuộc tọa đàm về chủ đề này, nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Đây cũng được kỳ vong sẽ là sự kiện khởi đầu cho chuỗi sự kiện kết nối và các hoạt động hợp tác, làm việc cụ thể tiếp theo giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP. |