Đã đến lúc trả “chứng thực” về với tổ chức công chứng?
Góp một tiếng nói cho dự án việc bổ sung điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Công chứng, TS Trần Công Trục, Trưởng Văn phòng Công chứng Đông Đô, 101 Ngụy Như Kon Tum, (Thanh Xuân, Hà Nội), chia sẻ quan điểm của mình.
Giao dịch có liên quan đến BĐS, không nên bỏ quy định “bắt buộc công chứng”.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật công chứng, vừa qua, đã thống nhất đánh giá những mặt được của việc triển khai thi hành luật công chứng; cụ thể là việc xã hội hóa dịch vụ công chứng, với sự ra đời của các Văn phòng Công chứng, theo quy định của Luật Công chứng. Việc xã hội hóa lĩnh vực công chứng đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của xã hội; được đánh giá rất cao của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các giao dịch, hợp đồng… Đây là một trong nhưng thành công của chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công của Đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là đã góp phần giải tỏa được bức xúc, căng thẳng của người dân, cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng nhằm phục vụ cho mọi hoạt động thường nhật của mình…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện luật công chứng. Ảnh Cổng thông tin Bộ Tư pháp |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được nói trên, vẫn còn đó có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn quy hoạch về các tổ chức công chứng như thế nào cho phù hợp với địa bàn dân cư và trình độ phát triển của khu vực, địa phương… Chất lượng của hoạt động công chứng phụ thuộc vào trình độ, quá trình đào tạo, bổ nhiệm các công chứng viên, tiêu chuẩn công chứng viên… Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Hình sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... còn có những quy định chồng chéo, vừ thừa vừa thiếu… Những văn bản dưới luật còn mâu thuẫn với Luật. Nhận thức của người dân, cán bộ quản lý đối với bản chất của công chứng, chứng thực vẫn chưa được thông nhất, chính xác, rõ ràng…
Đặc biệt, Tại Hội nghị này, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận những nội dung có liên quan đến các đề án xây dựng, bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Công chứng, Đất đai, Nhà ở, Chứng thực…. mà theo kế hoạch thì sắp tới Quốc hội, cũng như cơ quan quản lý, sẽ xem xét, quyết định ban hành… Trong số đó, các đại biểu rất quan tâm đến những nội dung sau đây: Chẳng hạn, có nên duy trì quy định bắt buộc phải công chứng các giao dịch, hợp đồng liên quan đến bất động sản hay không? Các đại biểu thống nhất cho rằng đây là quy định không thể thiếu được trong tình hình hiện nay của nước ta khi mà thị trường bất động sản có tác động hết sức mạnh mẽ đối với toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tính ổn định, bền vững của môi trường sản xuất , kinh doanh , tài chính… Vai trò của công chứng sẽ được duy trì như thế nào là phải xuất phát từ bản chất của nó, từ đòi hỏi khách quan của mọi quan hệ trong một xã hội dân sự tiên tiến, văn minh, từ lợi ích cơ bản lâu dài của mọi công dân, tổ chức kinh tế, xã hội… chứ không thể xuất phát từ cái lợi trước mắt, thậm chí chỉ vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm… bất chấp hậu quả mà người dân, xã hội đã phải gánh chịu trong một thời gian dài của thời kỳ mua bán giao dịch tùy tiện, theo cơ chế bao cấp “xin cho” …
Xu hướng chung của các cơ quan quản lý tư pháp, cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan khác đều thống nhất đề nghị nên duy trì quy định bắt buộc công chứng đối với các giao dịch, hợp đồng có liên quan đến bất động sản theo phương án thứ nhất. Có như vậy mới tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững, giảm thiểu được những tranh chấp phức tạp luôn luôn hiện hữu trong đời sống xã hội.
Đã đến lúc “trả” “chứng thực” về với Tổ chức công chứng
Một nội dung hết sức quan trọng mà Hội nghị cũng đã đề cập đến; đó là vấn đề “công chứng” và “chứng thực”. Hiện nay 2 khái niệm pháp lý này có những giao thoa, chồng chéo. Theo nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì “Công chứng” do các tổ chức công chứng thực hiện, “chứng thực” do UBND xã phường, quận huyện thực hiện. Sự ra đời của Nghị định cũng như sự phân cấp cho các cơ quan tổ chức thực hiện này, theo tôi chủ yếu là xuất phát từ thực tế cách đây 5 năm, khi luật công chứng mới ra đời, các tổ chức hành nghề công chứng của nước ta còn rất ít, trong lúc yêu cầu công chứng, chứng thực rất lớn, đã tạo ra tình trạng quá tải, gây bức xúc cho người dân, tổ chức, xã hội… Trong tình hình đó, Nghị định 79 đã phát huy được tác dụng, góp phần giảm tải cho hoạt động công chứng lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sau khi Luật Công chứng ra đời 5 năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã phát triển khá mạnh cả về chất lượng và số lượng công chứng viên: theo số liệu của Bộ tư pháp thì hiện nay cả nước đã có 625 tổ chức hành nghề công chứng phân bố ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với đội ngủ công chứng viên lên đến 1505 người, tăng 1.253 người so với thời gian 5 năm trước. Rõ ràng là với sự phát triển vượt bật này có thể cho chúng ta điều kiện để điều chỉnh một cách hợp lý, đúng đắn, tiện ích nhất giữa nội dung công chứng và chứng thức hiện đang được phân cấp cho 2 hình thức tổ chức đảm nhiệm. Nên chăng đã đến lúc chúng ta cần trả lạii đúng vị trí của các loại hình dịch vụ công này phù hợp với bản chất đích thực của chúng. Chúng ta đều biết rằng, công chứng là dịch vụ pháp lý đăc biệt, đảm bảo tính có thật, tính đúng đắn của các giao dịch, hợp đồng. Nghĩa là người công chứng phải chứng nhận tính có thật và tính đúng đắn của chủ thể và đối tượng của các giao dịch, hợp đồng, theo đúng quy định của pháp luật và quy chuẩn đạo đức xã hội. Nói một cách đơn giản là phải chứng nhận cả nội dung và hình thức của các giao dịch, hợp đồng.
Còn chứng thực là gì? Chứng thực là sự xác nhận tính có thật của các văn bản đã được ban hành, lưu hành. Thường gọi là chứng nhận bản sao có đúng bản gốc không, chữ ký của người tham gia giao dịch có đúng không. Chứng thực không chịu trách nhiêm về nội dung của các bản gốc đó. Như vậy, chứng thực là hoạt động pháp lý xác nhận tính hình thức của các văn bản cần sao y có đúng bản gốc không, đúng thực tế người ký hay không. Đây thực chất cũng là một nội dung của dịch vụ công, dịch vụ công chứng đã được áp dụng rộng rãi ở nước ta trước đây và các nước trên thế giới. Xuất phát từ bản chất này thì công chứng có nhiệm vụ thực hiện cả việc công chứng lẫn chứng thực, nói một cách khác là công chứng cả hình thức và nội dung của các giao dịch, hợp đồng, văn bản, giấy tờ khác theo yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, qua thực tiễn triển khai NĐ79, nhiều ý kiến cho rằng lúc đầu đã giúp giảm tải được nhu cầu công chứng, tránh được tình trạng chờ đợi lâu, chen chúc, phải thông qua “cò công chứng”… Nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là các văn bản dịch thuật, người dân khi đi chứng thực giấy tờ vẫn phải chờ đợi, và điều đáng nói là người ký xác nhận thường không trực tiếp với khách hàng mà đều phải thông qua nhân viên văn thư, cán bộ tư pháp… Điều này là trái với bản chất của công chứng là phải chứng nhận tính “xác thực” dù là nội dung hay hình thức!
Ví dụ khi cần chứng thực một bản dịch, khách hàng phải chạy đến cơ sở dịch thuật theo chỉ định của UBND quận huyện, rồi phải có chứng nhận chữ ký của người dịch, rồi phải chờ đợi lấy chữ ký của lãnh đạo chính quyền, trong khi không phải người có trách nhiệm ký nào cũng đều biết ngoại ngữ…
Hoạt động nghiệp vụ tại Văn Phòng công chứng Đông Đô |
Thực tế, giao chứng thực cho UBND xã, phường cũng phát sinh nhiều vấn đề cần bàn bạc. Có tình trạng một số xã ở xa xôi ít dân cư, việc lập ra một đội ngũ để công chứng nhưng chỉ để ngồi chơi. Ngược lại, một số phường đông dân cư phải “cắt cử” ra một cấp phó chỉ có ký chứng thực... vì quá nhiều. PV Infonet cũng nhiều lần khóc dở mếu dở khi cần chứng thực một bản sao đã phải đợi 2 ngày vì người ký đi vắng hoặc một thủ tục xác thực giao dịch phải chạy đến 2, thậm chí 3 cửa (chứng thực bản sao ra UBND xã phường, công chứng sang các tổ chức công chứng).
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ giấy tờ tại UBND trong đó có tiếp nhận hồ sơ chứng thực. Ảnh internet |
Một ví dụ sau đây có thể phần nào nói về mặt trái của việc giao chứng thực cho UBND xã phường, PV Infonet đã trực tiếp tìm hiểu thông tin về vụ án Trần Thị Hợp (tạm trú tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) lừa đảo người dân. Mặc dù, GCNQSD Đất đã “cắm” ngân hàng trước đó và chưa trả được nợ, nhưng sau một năm Trần Thị Hợp vẫn xin được một bản chứng thực sao y bản chính của UBND xã để lừa người dân... Đây đang đặt ra câu hỏi, liệu có vì nể nang mà UBND xã đã bỏ qua nguyên tắc nghiệp vụ chứng thực hay vì lý do nào khác? Một thực tế, không riêng trường hợp này, do quan hệ trong họ ngoài làng, nắm rõ các vấn đề nên người chứng thực khó tránh khỏi nể nang, chủ quan trong nghiệp vụ chứng thực.
Hồng Chuyên