Đã đến lúc chấp nhận hôn nhân đồng tính trong luật?
Đã đến lúc chấp nhận hôn nhân đồng tính trong luật?
Ở trong, đôi lứa "đồng giới" rót rượu mừng hạnh phúc trăm năm |
Ngoài đường dân hiếu kỳ đổ ra xem tắc cả một đoạn đường |
Để giải đáp những băn khoăn về đã đến lúc chấp nhận hôn nhân đồng giới trong pháp luật hay chưa?, PV Báo điện tử Infonet đã có một cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giảng viên Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thưa tiến sỹ, là người đã có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật hôn nhân và gia đình, xin bà cho biết một số thông tin về quy định của pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân đồng tính trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan: Như chúng ta đã biết, vấn đề hôn nhân đồng tính trên thế giới, đặc biệt tại các nước phương Tây, đã xuất hiện từ lâu và xã hội cũng đã chấp nhận việc kết hôn này. Ngày càng có nhiều các quốc gia công nhận chính thức hôn nhân đồng tính.
Những người có mối đam mê tính dục với những cùng giới, mà chúng ta vẫn gọi là người đồng tính, là những người hoàn toàn bình thường. Việc họ có đam mê với những người cùng giới tính là do những vấn đề tự nhiên, chứ không được quyết định bởi ý chí của con người.
Tổ chức y tế thế giới cũng đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh mà chúng ta được biết. Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, những người đồng tính là những người hoàn toàn bình thường. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, chính trị gia kiệt xuất và đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của nhân loại. Chúng ta có thể kể ra một vài nhân vật vĩ đại như nhà thơ Byron người Anh, nhà khoa học Alan Turing, hai nhà thơ Rimbaud và Verlaine ở Pháp, …
Chúng ta cũng thấy rằng, con cái những người đồng tính vẫn hoàn toàn phát triển bình thường, và lớn lên như những đứa trẻ khác. Hoàn toàn chưa có các luận cứ khoa học nào chứng minh rằng một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình đồng tính cũng sẽ có xu hướng đồng tính.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành không công nhận hôn nhân đồng tính. Điều này có thể giải thích rằng, phong tục tập quán Việt Nam không chấp nhận, hay thậm chí, là lên án gay gắt vấn đề tình yêu và hôn nhân đồng tính. Nhà làm luật tại Việt Nam không muốn làm đảo lộn những trật tự xã hội đã định hình trong hàng nghìn năm.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy một thực tế rằng, đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh, là một nhu cầu thực tế. Nếu bị ngăn cản, họ dễ tìm tới những quyết định tiêu cực, mà rất nhiều những vụ án đau lòng tại Việt Nam là bằng chứng rõ ràng nhất.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây: … 5. Giữa những người cùng giới tính |
Đứng trước vấn đề thực tế như vậy, ngành lập pháp Việt Nam có đặt ra vấn đề xem xét hôn nhân đồng tính hay không, thưa tiến sĩ?
Theo những thông tin tôi được biết, Bộ Tư pháp cũng đang tiến hành xem xét sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, tuy nhiên vấn đề hôn nhân đồng tính không được đặt ra.
Có thể nói, trong một tương lai gần, có lẽ Việt Nam sẽ không xem xét công nhận vấn đề hôn nhân đồng tính, bởi những lực cản rất lớn trong xã hội.
Bên cạnh tư cách một chuyên gia nghiên cứu luật học, tiến sỹ còn là giảng viên trực tiếp giảng dạy. Vậy tiến sỹ có nhận thấy một nhu cầu về tình yêu và hôn nhân đồng tính trong các thế hệ sinh viên?
Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi không nhận thấy một nhu cầu thật sự lớn về tình yêu đồng tính trong những sinh viên mà tôi có cơ hội giảng dạy. Bản thân các em sinh viên cũng có nhiều người không hiểu hết về hôn nhân đồng tính, thậm chí còn có một số không ít các em vẫn quan niệm rằng hôn nhân đồng tính là hôn nhân, ví dụ giữa một người nam và một người nam khác nhưng đã tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Ngoài ra, qua trao đổi với các chuyên gia tâm lý và xã hội học, tôi cũng nhận thấy rằng, có một bộ phận khá lớn trong những người đồng tính ở Việt Nam hiện nay là do lý do xã hội, chứ không phải bẩm sinh. Trong một hoàn cảnh xã hội nhất định, một số người đã chấp nhận từ bỏ giới tính tự nhiên của mình để bước vào thế giới của những người đồng tính.
Có khá nhiều ý kiến cho rằng, tình yêu và hôn nhân đồng tính là những quyền tự nhiên của con người, và chúng ta không nên ngăn cản điều đó. Tiến sỹ nghĩ sao về vấn đề này?
Khi một người với tư cách là một cá thể trong tự nhiên tham gia vào xã hội, thì tư cách của người đó đã trở thành tư cách công dân. Những quyền tự nhiên của người đó đã bị bó hẹp lại thành quyền công dân, và bị giới hạn bởi pháp luật từng quốc gia.
Khi chúng ta đặt lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội lên bàn cân, đôi khi chúng ta sẽ phải hy sinh lợi ích cá nhân vì những mục tiêu chung. Mỗi quốc gia có những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể khác nhau, nên pháp luật cũng sẽ có sự khác biệt.
Trong tình thế pháp luật Việt Nam hiện hành, tiến sỹ có lời khuyên gì để những người đồng tính có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
Do pháp luật Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng tính, nên việc chung sống như vợ chồng giữa những người đồng tính trong trường hợp một hoặc hai bên đã có gia đình là việc chung sống trái pháp luật. Tuy nhiên, hiện cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề ngoại tình này.
Về quan hệ tài sản, do pháp luật hôn nhân và gia đình không điều chỉnh, nên quan hệ tài sản trong thời kỳ chung sống giữa hai người đồng tính sẽ được giải quyết bằng pháp luật dân sự.
Về quan hệ nhân thân, nếu hai người phụ nữ đồng tính chung sống với nhau và mong muốn có con, thì trong trường hợp này người muốn mang thai sẽ được pháp luật nhìn nhận như một người phụ nữ độc thân bình thường có con. Chúng ta chưa có những cơ chế phù hợp để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của người còn lại trong trường hợp này, vì vậy đây sẽ trở thành trách nhiệm của mỗi cá nhân tự quyết định về hành động của mình.
Xin cảm ơn tiến sỹ về buổi phỏng vấn.
Quang Vinh- Văn Cường
(Thực hiện)