Cựu tướng Phan Văn Vĩnh từ chối quyền tự bào chữa
Trước đó ít phút, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ (VKS) đề nghị HĐXX quay trở lại xét hỏi đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh.
Thẩm phán – Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương chấp nhận đề nghị và tiến hành phần xét hỏi bị cáo.
Phan Văn Vĩnh cho biết, sau khi nghe bản luận tội của VKS, bị cáo khẳng định đã nhận thấy lỗi lầm của mình. Cáo trạng của VKS truy tố bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quá trình xét hỏi, và sau khi VKS luận tội, bị cáo đã nhận thức rõ ràng, mạch lạc về sai phạm của mình. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh, Phan Văn Vĩnh đề nghị HĐXX, VKS phân tích kỹ các hành vi của mình.
“Ngay từ khâu điều tra đến khi ra tòa, nhất quán bị cáo gây ra lỗi. Lỗi đến đâu bị cáo xin chịu trách nhiệm đến đó và không đổ lỗi cho ai. Trách nhiệm thuộc về bị cáo”, Phan Văn Vĩnh nói.
Cựu Trung tướng Công an cũng xin HĐXX và VKS cho bị cáo được hưởng điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là tình tiết giảm nhẹ đối với thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải, để từ đó bị cáo được thực hiện quyền lợi của mình tại phiên tòa.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh. |
Tiếp đó, bào chữa cho Phan Văn Vĩnh, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng mức án đề nghị 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù đối với thân chủ của bà là “quá nặng, quá nghiêm khắc”.
“Dù từng là tướng xông pha chống tội phạm, nhưng đứng trước phiên toà xét xử chính mình, bị hàng chục ống kính chĩa vào, ông đã bị áp lực… Do cách trình bày của ông chưa rõ nét nên Viện Kiểm sát đã đánh giá chưa đúng về ý thức nhận tội của ông”, luật sư Huyền Trang nói.
Luật sư Huyền Trang cũng hé lộ việc ông Vĩnh nói với các luật sư rằng đã rất ân hận, day dứt và tự trừng phạt khi vì một lỗi lầm không đáng có trong hơn 44 năm cống hiến mà đã đánh mất tất cả. Ông Vĩnh cũng dặn các luật sư “không được sử dụng tình tiết bệnh tật, sức khoẻ để xin giảm nhẹ”.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh. |
Luật sư Trang cho rằng, giai đoạn từ 2011đến đầu 2016, động cơ, mục đích thành lập công ty bình phong CNC chỉ để phục vụ cho nghiệp vụ thâm nhập, thu thập, điều tra, phát hiện xử lý tội phạm.Chỉ đến đầu năm 2016, Tổng cục Cảnh sát, cụ thể là ông Phan Văn Vĩnh, mới tiếp nhận đề xuất của ông Nguyễn Thanh Hoá và từ đó mới có động cơ, mục đích “Xây dựng hệ thống phòng thủ Quốc gia về phòng chống tội phạm mạng”. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, ông Phan Văn Vĩnh đã thừa nhận các hành vi mà mình thực hiện. Ông Vĩnh chỉ xin được trình bày những nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh cũng như động cơ mục đích của mình khi thực hiện các hành vi ấy. Do đó, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang đề nghị VKS rút một phần truy tố và có đề nghị HĐXX áp dụng 3 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1, Điều 51 BLHS 2015, giảm mức hình phạt mà VKSND tỉnh Phú Thọ đã đề nghị trong phần luận tội đối với bị cáo Phan Văn Vĩnh.