Cư dân Keangnam "tẩy chay" hội nghị chung cư
Cư dân Keangnam "tẩy chay" hội nghị chung cư
>
> Ban quản lý không dọn vệ sinh, Keangnam bốc mùi
> S
> Trận đấu cư dân và quản lý Keangnam: Phải 'đá' thêm hiệp phụ
Quá coi thường cư dân?
Sau khi Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Keangnam phải cung cấp đầy đủ dịch vụ thiết yếu cho cư dân, đồng thời phải khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị đại diện chính thức cho cư dân, thì vào ngày 23/2, công ty này đã cho ban hành Dự thảo quy chế tổ chức Hội nghị nhà chung cư và bầu Ban Quản Trị dán tại sảnh tòa nhà, đồng thời quyết định chính thức tổ chức hội nghị vào ngày 10/3.
Hội nghị chung cư được tổ chức vào sáng 10/3, được nhiều cư dân đánh giá thiếu minh bạch, không rõ ràng, coi thường cư dân. |
Tuy nhiên, trong sáng nay (10/3), hội nghị này của Keangnam đã bị cư dân tại đây kịch liệt phản đối và "tẩy chay" do còn quá nhiều điều bất cập, thiếu minh bạch, rõ ràng trong việc tổ chức từ phía chủ đầu tư.
Theo các cư dân, trong văn bản của Sở xây dựng Hà Nội quy định, Hội nghị nhà chung cư chỉ được tiến hành 10 ngày sau khi Hội nghị hiệp thương có sự tham gia của chính quyền và các bên liên quan được tổ chức. Tuy nhiên cho đến thời điểm trước hội nghị này, Keangnam vẫn chưa hề một tổ chức Hội nghị hiệp thương giữa các bên liên quan.
Cũng theo văn bản hướng dẫn quy trình tổ chức hội nghị nhà chung cư được Sở xây dựng ban hành, toàn bộ nội quy sử dụng nhà chung cư, quy chế tổ chức hội nghị nhà chung cư và danh sách ứng cử viên phải được công bố rộng rãi với dân cư trong một thời gian đủ dài để nhận được ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, dù vừa mới ban hành các dự thảo vào ngày 23/2 thì Keangnam đã nhanh chóng thông báo sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư vào ngày 10/3, điều này khiến người dân hết sức ngỡ ngàng.
"Thời gian Keangnam ấn định để tổ chức hội nghị này chỉ có trong vòng hơn 2 tuần là quá vội vã, khẩn trương. Trong khi đó lại không hề có hội nghị hiệp thương để thống nhất mà các vấn đề liên quan đến quy chế bầu cử đều là do Keangnam đưa ra cả. Như vậy thì hôm nay chúng tôi đến đây bầu cử thế này thì chẳng qua là hình thức thôi, chủ đầu tư làm như vậy là vi phạm và quá coi thường cư dân", một cư dân phản ánh.
Cư dân Keangnam đồng loạt ký tên vào biên bản dừng hội nghị chung cư. |
Cư dân cũng phản ánh, trong dự thảo quy chế được Keangnam đưa ra cũng không đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: Nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư, chức năng nhiệm vụ của ban quản trị….
"Trong thông báo về hội nghị nhà chung cư, Keangnam Vina cũng cho hay, nếu không tổ chức được Hội nghị nhà chung cư, hoặc không bầu được Ban quản trị thì việc quản lý hai tòa nhà A và B sẽ vẫn do Chesnut quản lý và áp dụng mức phí 18.848đồng/m2 cho đến khi bầu được Ban quản trị. Đây là điều hết sức vô lý, mức giá như vậy là giá trên trời, chúng tôi kịch liệt phản đối việc này”, chị Nga, một cư dân nhấn manh.
Một số cư dân cũng phản ánh về việc, đến trước hội nghị này đã nhận được tin nhắn từ các số máy lạ với nội dung đề nghị không nên bầu cho 8 ứng cử viên do ban đại diện lâm thời đề cử.
Biên bản dừng cuộc họp hội nghị chung cư Keangnam do đại diện ban kiểm soát hội nghị lập vào lúc 9 giờ 51 phút sáng 10/3.. |
Thêm vào đó, không ít cư dân cũng bức xúc bởi đến sáng 10/3, khi hội nghị được tổ chức rồi thì họ mới nhận được giấy mời họp của chủ đầu tư. Và dù giấy mời thông báo họp tại tầng 48 nhưng chủ đầu tư lại chuyển xuống họp tại tầng 1 tòa 72 tầng.
"Tôi thấy họp tổ dân phố bình thường còn có người cầm trịch, thông qua nội dung, vậy mà ở đây không có nội dung họp, người cầm trịch cũng không nốt, cứ thế là nhào nhào, mất trật tự, nói thì không ai nghe cả, chẳng khác gì cái chợ.
Mang tiếng là phòng họp khu chung cư cao cấp nhưng không có ghế để mà ngồi, không ít các bác 70 - 80 tuổi phải đứng tới hàng vài tiếng đồng hồ chỉ với lý do bị chủ đầu tư ép đến đây để bầu ban quản trị. Thực sự không thể chấp nhận được, đây là sự quá coi thường người dân.
Chúng tôi đã phải bỏ tiền ra trả cho Keangnam để sở hữu căn hộ thì chúng tôi phải tự được quyền lựa chọn, bầu ra những người đại diện cho mình. Chúng tôi phản đối cuộc họp này và yêu cầu phải tổ chức cuộc họp khác minh bạch, rõ ràng hơn", bà Nguyễn Thị Lan, một cư dân ở đây bức xúc nói.
Yêu cầu Keangnam bồi thường thiệt hại
Trước sự thiếu minh bạch, rõ ràng, tổ chức theo kiểu hình thức, "ép" cư dân... ban kiểm soát hội nghị đã lập biên bản dừng hội nghị sau gần 1 tiếng đồng hồ diễn ra. Trong biên bản cũng đã thể hiện rõ các lý do: Hội nghị không có nội dung; phòng họp không có ghế ngồi, giấy mời họp tại tầng 48 nhưng lại chuyển xuống tầng 1 tòa 72 tầng...
Trong biên bản dừng cuộc họp cũng yêu cầu chủ đầu tư Keangnam "phải bồi thường thiệt hại cho gần 100 chủ các căn hộ đã mất thời gian đến dự hội nghị này mà không đạt được kết quả gì".
Ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina (áo sơ mi xanh, đeo cà vạt màu cam) trong hội nghị chung cư bất thành vào sáng nay. |
Trước những bức xúc của cư dân, Ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina cho rằng: "Việc chúng tôi tổ chức hội nghị như thế này hoàn toàn theo đúng qui định pháp luật và các trình tự theo pháp luật như luật sư của chúng tôi đã tư vấn. Tuy nhiên ý kiến của cư dân rất đa dạng nên chúng tôi phải tạm dừng cuộc bầu cử ngày hôm nay...".
Trước yêu cầu của cư dân về việc bồi thường thiệt hại trong buổi họp không kết quả này, đại diện của Keangnam đã không trả lời. Sau đó ít phút, chủ đầu tư đã có lời mời toàn bộ các cư dân tham dự hội nghị dùng cơm trưa (!).
“Với cách tổ chức Hội nghị chung cư theo như Công ty Keangnam đã làm khiến cư dân cảm thấy đây chỉ là việc làm mang tính hình thức. Nếu một Ban quản trị được bầu ra không đại diện cho số đông cư dân và đứng về quyền lợi chung của các cư dân, dịch vụ cung cấp không đủ chất lượng và thiếu minh bạch, thì sự bất ổn trong khu chung cư Keangnam sẽ còn tiếp diễn theo chiều hướng ngày một phức tạp.
Điều cư dân Keangnam mong muốn là phải một Hội nghị nhà chung cư được tổ chức đảm bảo tính khách quan, minh bạch với sự chủ trì của các cơ quan chức năng của nhà nước”, bà Lê Thị Minh Thảo, ban đại diện lâm thời của cư dân ở đây khẳng định.
Theo Giáo dục Việt Nam