“Công trình chiếm vỉa hè vững vàng, niềm tin vào chính quyền sở tại sẽ lung lay"
Trước đó, Infonet đăng bài “Trớ trêu: Có thể bị phạt oan, nếu đi bộ trên con đường đẹp nhất Việt Nam” cho biết, từ ngày 1/2/2016, lực lượng CSGT đã tiến hành xử phạt, nhắc nhở những người đi bộ đi sai phần đường. Quy định này là tiến bộ và cần thiết trước tình trạng người đi bộ ngang nhiên băng qua đường kể cả khi có giải phân cách, rào chắn hoặc đi bộ xuống lòng đường gây cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân người đi bộ và các phương tiện khác.
Tuy nhiên, việc tạo đường cho người đi bộ cũng là việc cần thiết để giảm tình trạng người đi bộ vi phạm luật giao thông. Nằm trên trục Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Văn Cao, đường Liễu Giai cũng được gắn biển con đường đẹp nhất Việt Nam cùng với đường Nguyễn Chí Thanh. Nhưng, chính con đường này vẫn tồn tại 1 đoạn chừng 20m, gần khu vực Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, bắt đầu từ nhà số 3 Liễu Giai khoảng 5 nhà, không có vỉa hè. Lúc đầu có khoảng 2 nhà nhô ra hết mặt vỉa hè, thậm chí nhô ra ngoài đường. Sau đó, người dân lại nhìn thấy công trình đang thi công gần đó quây tôn choán hết vỉa hè không còn chừa lối cho người đi bộ đủ lách người.
Công trình này còn, nguy cơ tai nạn còn, niềm tin vào chính quyền sở tại sẽ lung lay |
Điều đáng chú ý, bên cạnh chỗ quây tôn do Công ty Kỹ thuật Xây dựng Tài Lộc thi công, không biết ngẫu nhiên hay cố ý, người dân lại thấy được dựa vào là một tấm biển ghi "Quyền của người khiếu nại, tố cáo". Hôm qua, ngày 3/2, PV tiếp tục đi qua khu vực này, thì tấm biển trên đã được quay ngược và cất vào trong.
Điều hài hước là, tình trạng này diễn ra đã từ lâu, diễn ra liên tục ở ngay phía sau Quận ủy- HĐND- UBND Quận Ba Đình và cách UBND Phường Liễu Giai không xa.
Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao lại có ngoại lệ này? Trong khi người dân sẵn sàng chịu thiệt thòi hiến đất, chấp hành quyết định giải phóng mặt bằng, thì ở đoạn đường được gắn biển "con đường đẹp nhất Việt Nam" lại có tình trạng bất chấp lợi ích cộng đồng đến vậy?
Để trả lời những câu hỏi thắc mắc của những người dân từ góc độ pháp luật, PV Infonet đã có bài phỏng vấn, Ls Phạm Công Út, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM) về vấn đề này.
Thưa ông, từ ngày 1/2, người dân đi bộ sai phần đường sẽ bị phạt nhưng nhiều nơi vỉa hè bị chiếm dụng ngang nhiên, hoặc giải phóng mặt bằng không giải phóng vỉa hè vẫn xảy ra. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Có những quy định không thể áp dụng được trong thực tế được, nên ở nơi này nó là đạo luật sống nhưng ở nơi khác thì nó lại là đạo luật chết, vì nếu áp dụng một cách máy móc thì người dân không thể chấp hành. Trong những trường hợp này, Luật giao thông đường bộ bị chùn tay vì những tồn tại trước đó bởi các công trình xây dựng từ lâu do gắn liền với các quyền về tài sản hoặc đất đai đã trở thành những đoạn chắn lối đi dành cho người đi bộ… Việc vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh thường xuyên của những cửa hàng, hộ gia đình là vấn đề nan giải của xã hội, không thể đơn thuần áp dụng luật pháp triệt để nhằm có được lối đi công cộng cho người đi bộ.
Vì tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì hầu như mỗi căn nhà mặt tiền đều là một cửa hàng, ở đó có xe máy của chủ lẫn khách dừng đổ để mua bán hàng là điều không thể tránh khỏi. Nếu toàn bộ những ngôi nhà mặt tiền ở các thành phố lớn trong nước chỉ có chức năng để cư ngụ thì sẽ có đường thông, hè thoáng. Nhưng viễn tưởng ấy là phi thực tế.
Do đó, nơi nào có phần đường cho người đi bộ thì áp dụng quy định xử phạt, nơi nào không có hoặc có nhưng bị hạn chế phần đường dành cho người đi bộ thì chính quyền địa phương ở nơi ấy phải có trách nhiệm hướng luồng và điều tiết giao thông, hạn chế thấp nhất những rủi ro, tai nạn từ giao thông.
Điều buồn cười là ở ngay con đường đã từng được gắn biển "con đường đẹp nhất Việt Nam" lại có đoạn có 5 nhà không có vỉa hè, như Infonet đã đưa tin. Phải chăng việc đồng bộ trong thực hiện pháp luật của Việt Nam đang có vấn đề?
Pháp luật phải mang yếu tố bình đẳng trước mọi người, không thiên vị hoặc miễn trừ cho một ai cả. Nếu cả đoạn đường được giải phóng mặt bằng như một đường kẻ chỉ nhưng trừ một vài hộ còn tồn tại như những chiếc lô cốt bất khả xâm phạm một cách ngang nhiên và thách thức pháp luật thì điều đó cần đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với địa phương, cụ thể là UBND từ cấp phường, cấp quận và cấp thành phố. Vì vậy, không thể cho rằng luật pháp chưa đồng bộ mà ở đây cho thấy việc áp dụng luật pháp không đồng bộ mới đúng.
Trong khi người dân ở khắp các nơi chấp nhận hiến đất, chấp hành giải phóng mặt bằng thì ở Quận Ba Đình, trung tâm Hà Nội có hiện tượng này, dư luận có thể nghi ngờ về ngoại lệ không?
Việc dư luận nghi ngờ có sự chiếu lệ trong những trường hợp này là tất yếu, nhưng cũng có thể các nhà quản lý cũng đang tìm kiếm những phương thức thương lượng với những chủ hộ này.
Chỉ khi không thể thương lượng được thì họ sẽ phải áp dụng các biện pháp chế tài mà luật pháp cho phép. Nhưng thời gian để xử lý những trường hợp này không thể kéo dài vô hạn mà phải có thời gian cụ thể để kết thúc, phải thực hiện đúng để con đường này xứng đáng được mang danh hiệu “con đường đẹp nhất Việt Nam”.
Nếu việc tồn tại 5 nhà, không phải nhà cổ, xây hết vỉa hè, tồn tại lâu như vậy có khiến niềm tin vào pháp luật giảm đi không, thưa luật sư?
Theo tôi, việc án ngữ vỉa hè của những ngôi nhà ấy nếu không phải là sự thách thức pháp luật một cách ngông nghênh thì phần còn lại, niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương ở nơi đó có thể bị lung lay.
Do đó, thách thức đối với những người có thẩm quyền quản lý nhà nước ở địa phương đó là phải xử lý tốt vai trò của người cầm quyền, không thể để những chiếc “lô cốt” ấy kiên cố đến độ bất khả xâm phạm trước pháp luật, làm ảnh hưởng đến lợi ích công cộng và vẻ mỹ quan của thủ đô. Hay nói cách khác, nếu công trình chiếm vỉa hè còn vững vàng, niềm tin vào chính quyền sở tại sẽ lung lay.
Xin cảm ơn luật sư!