Công khai thông tin thi hành án tử hình Nguyễn Hải Dương: Hệ lụy khó lường?
Mới đây, tử tù Nguyễn Hải Dương đã bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Ngoài thông tin thời gian thi hành án, một số hình ảnh khi thi hành án tử đối với bị cáo cũng được một số tờ báo đăng tải. Bên cạnh đó, xuất hiện một số ý kiến về việc tử tù này tự nguyện hiến tạng, tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định sau khi thi hành án, thi thể Nguyễn Hải Dương được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
PV Báo điện tử Infonet vừa có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) để hiểu rõ hơn các quy định về việc hiến tạng, đồng thời xem xét việc nên hay không công khai thông tin ngày thi hành án tử hình đối với các tử tù trên báo chí.
Bị cáo Nguyễn Hải Dương tại phiên tòa sơ thẩm. |
Luật sư Trương Anh Tú cho biết: Việc tự nguyện hiến tạng đã và đang được pháp luật khuyến khích vì những mục đích nhân văn sâu sắc. Theo Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác quy định rõ như sau: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Do đó, tử tù không bị cấm hiến mô, bộ phận cơ thể hay hiến xác sau khi thi hành án tử. Về mặt pháp lý, người tử tù hoàn toàn có quyền xin hiến nội tạng sau khi bị thi hành án.
Tuy nhiên, sẽ có hai vấn đề nảy sinh nếu việc hiến tạng này được chấp nhận, đó là: Thứ nhất, theo quy định tại Điều 59, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, hiện nay, người tử tù sẽ thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc, do đó, việc hiến tạng sau khi bị thi hành án sẽ không đảm bảo được các yêu cầu về khoa học và mục đích y tế nữa. Và nếu muốn hiến tạng sẽ lại buộc phải thực hiện việc mổ lấy tạng trước khi bị thi hành án tử. Điều này lại mâu thuẫn với Luật Thi hành án hình sự.
Thứ hai, việc chấp nhận hiến tạng của người bị thi hành án tử có thể hình thành các đường dây buôn bán nội tạng trái phép, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Từ những điều trên, tôi cho rằng, có lẽ tại thời điểm hiện tại, các nhà làm luật cần phải cân nhắc chấp nhận việc hiến tạng của người bị thi hành án tử”.
Về việc công khai thông tin và hình ảnh quá trình tử hình, luật sư Trương Anh Tú nhận định: “Trong ngày thi hành án Nguyễn Hải Dương, những thông tin, hình ảnh về việc thi hành án đã được đăng tải trên rất nhiều các kênh thông tin.
Có thể thấy rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận và các kênh thông tin đại chúng nhưng cũng cần phải nhìn nhận sự việc dưới một góc độ khác.
Việc thi hành án tử được tuân theo những quy định rất chặt chẽ, từ quyết định thi hành án tử, thành lập hội đồng thi hành án tử, thông báo đến các tổ chức, cá nhân hay việc nhận tử thi của người bị thi hành án.
Toàn bộ Chương IV Luật Thi hành án Hình sự về Thi hành án tử hình và nguyên tắc thi hành án tử hình quy định tại Điều 3, Thông tư số 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC không quy định về việc cấm đưa các thông tin liên quan đến việc tử hình nhưng tinh thần của các quy định đều thể hiện sự bảo mật, chặt chẽ trong việc đưa các thông tin về việc tử hình”.
Theo quan điểm của luật sư Trương Anh Tú, thông tin công khai, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ không đảm bảo tính bảo mật của việc thi hành án theo trình tự đặc biệt này.
"Cá nhân tôi cho rằng việc công khai thông tin thi hành án tử hình không mang ý nghĩa tích cực, cũng không mang tính răn đe giáo dục như một số quan điểm hiện nay. Bởi việc công khai giống như là thông tin ấn định ngày “chết” của một người, điều này sẽ gây nên những tâm lý tiêu cực không chỉ cho người bị thi hành án mà còn ảnh hưởng đến cả thân nhân của họ.
Người vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng thân nhân của họ không có lỗi để phải chịu những tổn thương về tinh thần khi biết ngày con, em họ phải bị thi hành án. Đây là việc làm thiếu cân nhắc, thậm chí thiếu tính nhân văn.
Hơn thế nữa, đối với những loại tội phạm hoạt động theo tổ chức như buôn bán ma túy, buôn bán người… còn có thể dẫn đến nguy cơ như cướp pháp trường, gây khó khăn cho việc di chuyển phạm nhân từ trại giam đến nơi thi hành án.
Do đó, theo tôi thì để hạn chế những tiêu cực trong quá trình thi hành án tử, đồng thời cũng là sự nhân đạo cho thân nhân người bị thi hành án thì cần thiết phải bí mật các thông tin liên quan đến việc thi hành án tử hình của các tử tù" - luật sư Trương Anh Tú bày tỏ.