"Công khai danh tính người mua dâm là phù hợp với luật pháp"
Công nhận mại dâm thành một nghề là vấn đề nhạy cảm. (Ảnh minh họa) |
Trước những quan điểm trái chiều về đề xuất công khai danh tính người mua dâm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Thưa ông, Hà Nội vừa đề xuất công khai danh tính người mua dâm. Là người trong cơ quan lập pháp, ông nghĩ sao về đề xuất này?
Mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục. Do vậy, công khai danh tính người mua dâm là phù hợp với luật pháp. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất công khai danh tính người mua dâm.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông đánh giá thế nào về hệ thống luật pháp phòng chống mại dâm hiện nay?
Tôi cho rằng đề xuất công khai danh tính người mua dâm là rất cần thiết. Đến nay, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã được thực thi 10 năm, đã có đủ căn cứ xem xét để luật hóa, bảo đảm tính pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống.
Từ lâu, tôi đã đề xuất công khai danh tính người mua dâm đến cơ quan, đơn vị người đó công tác và chính quyền địa phương để đảm bảo xử lý công bằng giữa người mua và người bán, vì có cung mới có cầu và ngược lại.
Nếu cả hai chế tài này được thực thi nghiêm túc, kết hợp công tác tuyên truyền giáo dục, quản lý, hỗ trợ giải quyết việc làm thì hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.
Theo ông, công khai danh tính người mua dâm có gây ra những hệ lụy đau lòng khác không?
Công khai danh tính người mua dâm hoàn toàn có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội khác, chẳng hạn: hạnh phúc gia đình tan vỡ, làng xóm, cơ quan, đồng nghiệp kỳ thị,... nhưng bản thân người mua dâm đã không giữ được phẩm chất đạo đức thì những hệ lụy đó xảy ra là đương nhiên.
Nhiều người đề xuất cứ phạt nặng, người mua dâm sẽ sợ, chứ không cần công khai danh tính? Ông nghĩ sao về điều này?
Phạt hành chính vẫn phải phạt, nhưng phải có chế tài xử lý đi cùng. Nếu chỉ phạt hành chính thôi thì sẽ không có tác dụng, vì nếu người mua dâm là đại gia, anh ta sẽ có tiền để đi làm bậy và nộp phạt. Chính vì thế, phạt tiền không có tác dụng răn đe và giáo dục lâu dài.
Tôi cho rằng, kèm theo hình thức phạt tiền nặng, phải có hình thức bổ sung đi kèm là công khai danh tính người mua dâm.
Thưa ông, trước đây nhiều chuyên gia đề xuất: Không gọi “gái mại dâm” nữa mà thay thế bằng “chị em mại dâm”, và coi mại dâm là một nghề. Vậy ông có đồng tình với đề xuất này không?
Nếu coi mại dâm là một nghề, nghĩa là nghề đó được đào tạo, hướng dẫn, chắc chắn tránh được ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, công nhận mại dâm thành một nghề là vấn đề nhạy cảm. Cơ quan đề xuất cần phải hết sức cân nhắc xem có phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc hay không.
Nền văn hóa Việt thuộc văn hóa Á đông nên việc công khai hình thức mua bán dâm sẽ khó được chấp nhận.
Theo tôi, chúng ta chưa nên công nhận mại dâm là một nghề mà phải phạt nặng và công khai danh tính đối với người mua dâm.
Vậy để hạn chế nạn mại dâm, cần những biện pháp nào để tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" như hiện nay?
Đưa vào trung tâm phục hồi nhân phẩm hay giáo dục chữa bệnh đều là "bắt cóc bỏ đĩa". Theo tôi, để giải quyết nạn mại dâm hiệu quả, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ cả về hành chính, kinh tế và giáo dục.
Trước hết, phải làm tốt công tác giáo dục giới tính từ tuổi thành niên, tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, công khai lên án hành vi sống thực dụng buông thả, trái đạo đức xã hội. Gia đình, xã hội, nhà trường các tổ chức chính trị - xã hội cùng thực hiện công tác giáo dục, truyền thông chặt chẽ.
Chăm lo giải quyết việc đảm bảo thu nhập, xử lý nghiêm minh, công khai danh tính cả người mua dâm và người bán dâm. Chính quyền các cấp phải làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, việc làm, nghề nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Khampha