Công an Thái Bình lên tiếng vụ “Doanh nghiệp nhốt đoàn xe công vụ”
Ngoài ra, cơ quan này cũng đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình để điều tra xác minh làm rõ, có hay không việc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, gây ảnh hưởng đến hoạt động, thiệt hại cho doanh nghiệp của Tổ liên ngành thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Xe của doanh nghiệp hoạt động trên đường công vụ
Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Phương Anh (Công ty Phương Anh), tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ của Tổ liên ngành Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nội dung đơn cho biết: “Khoảng 15 giờ 20 phút ngày 13.5.2016, Công ty Phương Anh đang thi công tại công trường ở khu vực Đồng Tu, thị trấn Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, thì bất ngờ đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ đi trên 3 xe ô tô BKS: 29A – 00744; BKS 31A - 5880, BKS: 80B - 4874 do ông Hoàng Thế Lực, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra của Tổng cục Đường bộ và ông Bùi Thanh Thái, Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn, Cục Đường bộ cùng một số cán bộ xông vào công trường chúng tôi đang thi công, dùng xe công vụ chặn đầu và khóa đuôi 3 xe ô tô của công ty chúng tôi. Ngoài ra, đoàn công tác này còn có những lời nói đe dọa, quát nạt lái xe. Đặc biệt, người của Đoàn Thanh tra còn lao lên giật tem kiểm định và tem phí bảo trì đường bộ dán trên mặt kính ca bin của 2 xe ô tô tải mang biển kiểm soát 27C – 00454 và 29C-32550”.
Hình ảnh này ‘tố ngược’ xe công vụ của Thanh tra Tổng cục Đường bộ chặn đầu xe của Công ty Phương Anh |
Trao đổi với PV, đại diện Công ty Phương Anh cho rằng hành vi của Đoàn Thanh tra nêu trên, là phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Việc làm này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động và tiến độ thi công của dự án, gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty Phương Anh đã làm đơn tố cáo sự việc trên tới Công an, VKSND tỉnh Thái Bình và một số cơ quan chức năng để xác minh điều tra làm rõ sự việc nêu trên.
Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Thái Bình. Trao đổi với PV, Đại tá Lê Hồng Chương, Chánh văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh cho biết: ‘Theo kết quả xác minh và lời khai của các bên, trong đó có các thành viên của Đoàn Thanh tra, thì Công ty Phương Anh không quây giữ xe công vụ của Đoàn Thanh tra của Tổng cục Đường bộ, và cũng không có ai kiến nghị xử lý hành vi chống người thi hành công vụ đối với Công ty Phương Anh. Vì vậy, một số bài báo viết Công ty Phương Anh quây giữ xe công vụ là không chính xác”.
Cũng theo kết quả xác minh của công an thì: “Đoạn đường mà các xe ô tô của Công ty Phương Anh hoạt động bị Đoàn Thanh tra chặn lại để xử lý vi phạm, được xác định là đường công vụ đã được UBND tỉnh Thái Bình và UBND huyện Hưng Hà giao cho Công ty Phương Anh sử dụng để thực hiện thi công dự án làm đường Thái Hà”.
Trước câu hỏi của PV, Đoàn Thanh tra có quyền xử lý vi phạm đối với xe ô tô của Công ty Phương Anh khi đang hoạt động trong công trường? Ông Chương cho biết: “Việc này, Đoàn Thanh tra cho rằng, mình có quyền thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay Đoàn Thanh tra chưa đưa ra được văn bản quy định của pháp luật nào chứng minh được mình có quyền đó, vì vậy chúng tôi đang tiếp tục xác minh làm rõ?”.
Được biết, theo kế hoạch thì Tổ công tác của ông Hoàng Thế Lực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra của Tổng cục Đường bộ làm tổ trưởng được giao nhiệm vụ thanh, kiểm tra xe quá tải, cơi nới thùng hàng… ở hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, nhưng lại sang tỉnh Thái Bình để hoạt động kiểm tra. Vậy có đúng với kế hoạch và quy định? ông Chương cho biết: ‘Khi làm việc với Đoàn Thanh tra về việc này thì họ (Đoàn Thanh tra – PV) cho biết là họ làm theo chỉ đạo. Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra lại không đưa ra được văn bản nào chứng minh được việc ‘chỉ đạo’ đó, và cũng chưa rõ ai chỉ đạo? Việc này chúng tôi cũng đang xác minh làm rõ’.
Tự ý lột tem kiểm định, khi chưa lập biên bản vi phạm hành chính?
Trả lời trên báo chí, đại diện của Tổng cục Đường bộ đều cho rằng việc Đoàn Thanh tra lột tem kiểm định, tem phí đường bộ dán trên xe của Công ty Phương Anh là không ‘phù hợp’. Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định của Luật thì không có quy định nào là ‘phù hợp’, mà Luật chỉ quy định là đúng hay sai mà thôi? Mặt khác, tại khoản 5, Điều 125, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ: ‘Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản’. Quy định là vậy, nhưng trên thực thế khi phát hiện ra xe vi phạm của Công ty Phương Anh (ngày 13.5.2015), Đoàn Thanh tra không lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật… mà lại tự ý lột tem kiểm định, tem phí bảo trì đường bộ dán trên xe ô tô của Công ty Phương Anh, đến tận chiều hôm sau (ngày 14.5.2016) mới lập biên bản?!
Trao đổi với báo BVPL về việc này, đại diện Công ty Phương Anh cho rằng, đây là hành vi phá hoại tài sản của công ty, là hành vi lạm quyền, có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ của Đoàn Thanh tra này. Để pháp luật được thực thi, đồng thời đảm bảo uy tín, quyện lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra xác minh làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tập thể trong sự việc trên.
Đại diện Công ty Phương Anh bức xúc cho biết: “Chính phủ vừa mới ban hành Nghị quyết số 35/NQ – CP ngày 16.5.2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thì những việc làm nêu trên của Tổ liên ngành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”.
Theo Bùi Toàn/ Bảo vệ Pháp luật