Công an khẩn trương tìm giúp gia đình bị trao nhầm con 42 năm
Đại tá Nguyễn Trọng Thái - Trưởng công an quận Ba Đình, Hà Nội vừa cho biết: “Ngay sau khi nắm bắt được thông tin gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở trên đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội bị trao nhầm con cách đây 42 năm đơn vị đang nghiên cứu, báo cáo cấp trên để xem xét giúp đỡ gia đình bà tìm kiếm người con thất lạc. Việc này, cơ quan công an đang tiếp thu phản ánh của báo chí và gia đình, đồng thời báo cáo lên lãnh đạo cấp trên để xem xét, còn cụ thể thế nào chúng tôi sẽ thông tin sau”.
Chị Trang kể lại sự việc với chúng tôi. |
Sáng 11/3, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội thấy chị Tạ Thị Thu Trang, con gái nhận nhầm của bà Hạnh đang tất bật bán hàng cho khách. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Trang cho biết: “Hôm nay (11/3 –PV), một số cán bộ công an có gia đình tìm hiểu thông tin sự việc và đề nghị gia đình cung cấp những giấy tờ liên quan đến vụ việc. Đến làm việc với gia đình, các các bộ công an rất nhiệt tình và nói sẽ vào cuộc giúp tôi và mẹ tôi tìm kiếm được người thân của mình.
Tôi cảm giác rất vui và phần nào bớt đi lo lắng. Tuy nhiên, mấy ngày nay kể từ khi chính thức lên tiếng nói ra câu chuyện chôn dấu suốt hơn 40 năm qua cả gia đình tôi liên tiếp nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người”.
“Việc tìm kiếm người thân hiện tại được xác định vì giấy tờ, sổ sách đều đã mất hết không còn manh mối nào. Nhưng cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ thì cơ hội tìm được người thân sẽ nhiều hơn. Công an cho biết cũng đã khoanh vùng được hơn 10 người sinh cùng thời điểm với tôi ở nhà hộ sinh quận Ba Đình thời điểm đó. Tuy nhiên về cụ thể thế nào thì phải chờ thêm”, chị Trang nói.
Nhưng chị Trang cũng lạc quan bày tỏ quan điểm: “Đến lúc này, tôi chỉ mong những gia đình cùng sinh con gái vào ngày đó khi xem báo đài, thấy điểm nghi vấn xuất hiện thì tốt. Tuy nhiên, tôi và mẹ tôi hiện tại chỉ sợ một điều rằng, có thể họ đã biết chuyện nhưng vì cũng sốc nên chưa dám đứng ra lên tiếng. Gia đình tôi dám nói ra sự thật thì dám đối mặt với tất cả, các cụ vẫn bảo thêm người thân thêm hạnh phúc, nhưng giờ bố mẹ thực sự của tôi có biết tin hay không”.
Ở một diễn biến khác cũng liên quan đến vụ việc, ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Đến lúc này, chúng tôi đã tìm được 3 nữ hộ sinh làm việc vào khoảng thời gian chị Hạnh chào đời. Nhưng do cơ sở y tế đã có nhiều lần chuyển đổi từ năm 1974 đến nay, thời điểm đất nước chiến tranh, hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nên sổ sách, giấy tờ mất hết”.
Tuy nhiên, ông Tiệp cùng thẳng thắn nói: “Khi nhận được thông tin, chúng tôi rà soát danh sách những cán bộ công tác tại Trung tâm vào giai đoạn năm 1970 thì một số người đã chuyển đi nơi khác, một số người đã mất, hiện chúng tôi chỉ khoanh vùng được 3 nữ hộ sinh làm việc vào khoảng thời gian này. Tuy nhiên, có người đã 70 tuổi, có người ngoài 80 tuổi nên không thể nhớ lại được câu chuyện xảy ra vào thời điểm cách đây hơn 40 năm…”.
Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm cách đây 42 năm thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Thắc mắc bà Hạnh hỏi nhân viên y tế rằng con mình là số 33 sao đây lại là số 32 thì nhân viên y tế cho rằng trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ.
Khi ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết. Ôm đứa con về nhưng bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng không yên và đứa bé được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Đứa con nhận "nhầm" được gia đình bà hết mực thương yêu. Khi tuổi già, chồng mất bà Hạnh lại mong muốn tìm lại đứa con bị thất lạc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ tung tích người con gái. Chị Trang cũng mong muốn tìm lại được cội nguồn của mình.