Con trai nhạc sỹ Xuân Oanh "bật mí” những điều ít biết về ca khúc 19/8
Hình ảnh đoàn người kéo về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, mit-tinh rồi kéo sang phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của Chính phủ bù nhìntrong ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 19/8/1945, từ sáng sớm, cả Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Hàng vạn người được tập hợp thành đội ngũ từ các làng xã ngoại thành và các huyện thuộc tỉnh Hà Đông cũ theo các ngả đường rầm rập tiến vào nội thành.
Họ mang theo khẩu hiệu, cờ và các loại vũ khí thô sơ như mã tấu, dao phát bờ, câu liêm... Ở nội thành, nhà máy, công sở đều nghỉ việc, các chợ vắng hẳn người, nhiều hiệu buôn đóng cửa, lớp lớp người xuống đường tham gia biểu tình. Cả một biển người tràn ngập các nẻo đường dẫn đến Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Chẳng mấy chốc, quảng trường chật ních người....
"Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. 19 tháng 8 đây khối dân căm hờn kêu thét. Đứng lên cùng hô, mau diệt tan hết quân thù chung.
19 tháng 8, ánh sao tự do đưa tới, cờ bay muôn nơi, tung ánh sao vàng, máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn. Người Việt Nam cùng thống nhất reo vang lời thề, 19 tháng 8, chớ quên là Ngày Khởi nghĩa. Hạnh phục thắm tô, giang sơn Việt Nam".
Nhạc sĩ Xuân Oanh - người đã viết nên bản tráng ca sục sôi này khi ấy mới là một chàng thanh niên 23 tuổi, sớm giác ngộ cách mạng, được nhà văn Nguyễn Đình Thi và một số đồng chí khác dìu dắt, hướng dẫn tham gia công tác tuyên truyền, cụ thể là đi phát hành các tờ báo Hồn Nước, Cờ Giải Phóng.
Mặc dù tác giả sáng tác ra khúc tráng ca này nay đã qua đời nhưng đến nay bất chấp dòng thời gian, ngày nay mỗi khi nghe lại bài hát trên, hàng triệu người Việt Nam vẫn còn nguyên khí thế sôi sục một thời cả dân tộc vùng lên đấu tranh đòi quyền độc lập.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, ông Đỗ Lê Châu, con trai trưởng của nhạc sỹ Xuân Oanh cho biết, ngay từ cuối năm 1943 và trong năm 1944, khi đang trực tiếp tham gia hoạt động tuyên truyền bí mật cho Mặt trận Việt Minh chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa ở khu vực phía Nam Hà Nội, nhạc sỹ Xuân Oanh đã nung nấu ý nghĩ sẽ sáng tác một bài hát về "sự kiện vô cùng to lớn" này.
Cố nhạc sỹ Xuân Oanh. (Ảnh do gia đình cung cấp) |
Vì thế, suốt ngày 18/8/1945 trong lúc đắm mình trong các hoạt động chuẩn bị cho cuộc biểu tình tuần hành lớn vào ngày hôm sau 19/8 tiến về Nhà Hát Lớn Hà Nội, ông đã linh cảm "sự kiện vô cùng to lớn" sẽ là bước ngoặt lớn của dân tộc. Vì vậy, từ sáng sớm 19/8, ông đã có mặt ở vị trí chỉ huy, tổ chức đoàn tuần hành xuất phát từ khu vực ga Giáp Bát.
Đi đầu đoàn tuần hành, Xuân Oanh thấy mình đồng điệu với từng bước chân rầm rập của khối quần chúng sục sôi. Và đúng lúc này, giai điệu cùng những câu từ đầu tiên của bài 19/8 vang lên trong đầu ông.
Lập tức, ông hát vang giai điệu và ca từ đó, "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. 19/8 đây khối dân căm hờn kêu thét. Đứng lên cùng hô, mau diệt tan hết quân thù chung. 19/8, ánh sao tự do đưa tới, cờ bay muôn nơi, tung ánh sao vàng, máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn. Người Việt Nam cùng thống nhất reo vang lời thề, 19/8, chớ quên là Ngày Khởi nghĩa. Hạnh phục thắm tô, giang sơn Việt Nam". Được câu nào, nhạc sỹ Xuân Oanh phổ biến ngay cho đoàn biểu tình đến đó.
Đoàn người lập tức cũng hát theo và thuộc luôn. Tới Chợ Mơ thì bài hát đã đến được câu cuối. Xuân Oanh lại bắt nhịp cho mọi người hát lại từ đầu, vừa tuần hành vừa hát, rất khí thế. Khi tới Nhà Hát Lớn, mọi người đều đã thuộc lòng và hát đi, hát lại bài hát một cách say sưa.
Tới lúc đó, không chỉ khối tuần hành từ Giáp Bát lên mà tất cả các khối khác cũng nhanh chóng hoà vào, hát theo. Họ hát liên khúc các ca khúc cách mạng lúc đó, từ Diệt Phát xít tới Cờ Việt Minh và kết thúc bằng bài 19/8.
Theo lời kể của nhạc sỹ Xuân Oanh, phải đến buổi chiều ngày 19/8, sau khi đã xong nhiệm vụ với đoàn tuần hành, ông mới có thời gian mang mảnh giấy vỏ bao thuốc lá có ghi vội vài ý nhạc và ca từ của bài hát về xưởng in của một người bạn ở phố Huế bây giờ để chép lại vào bản khắc gỗ để in. Và bài hát đã được in ra ngay chiều hôm đó để phổ biến cho quần chúng.
Bài hát sau này được nhiều nhà phê bình nhận xét, mặc dù ca từ của bài 19/8 chỉ vẻn vẹn gồm 102 chữ, và bài hát được sáng tác theo nhịp đi hành khúc khá đơn giản, song nó đã trở thành ca khúc được phổ biến nhanh nhất trong lịch sử âm nhạc nước nhà.
“Năm nay tôi 59 tuổi, nhưng từ khi còn rất nhỏ, tôi đã biết, thích nghe và thuộc bài hát 19/8 của bố tôi. Cho đến tận lúc này, tức là hàng chục năm sau, lần nào nghe giai điệu của bài hát vang lên, tôi đều cảm thấy hừng hực, giống như mình đang đồng hành cùng đoàn tuần hành mà cha tôi là người đi đầu, vừa đi vừa sáng tác, đến đâu hướng dẫn bà con hát theo đến đó và thuộc luôn. Bài hát đúng như cha tôi kể, là bức tranh âm nhạc mô tả không khi cách mạng hừng hực, khí thế long trời lở đất của nhân dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”, ông Châu tâm sự.