CMCN 4.0: Cơ hội và thách thức với lực lượng CA điều tra ở Hà Nội
Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Lực lượng Công an Công nghệ cao Hà Nội đang làm nhiệm vụ. |
CMCN 4.0 có tác động như thế nào đến hoạt động điều tra, phá án, truy bắt, phòng ngừa đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý trật tự? Thượng tá Phạm Ngọc Anh – Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã chia sẻ đôi điều cùng PV Báo Bưu điện Việt Nam về lĩnh vực này.
Thượng tá Phạm Ngọc Anh chia sẻ: “Cách mạng 4.0 tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra những cơ hội và cả những thách thức. Trong xu thế hợp tác mở rộng, hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu CMCN 4.0 để đáp ứng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với các cơ hội là rất nhiều thách thức, Việt Nam là quốc gia có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào, nhưng cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi và tác động đến lợi thế này.
Công việc điều tra, phá án, phòng ngừa tội phạm… là một trong những lĩnh vực đặc thù. Chính vì vậy, những chiến sĩ Công an Nhân dân (CAND) phải nhìn nhận một cách thấu đáo những yếu tố tác động của CMCN 4.0.
Theo đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lực lượng CAND đang trong quá trình xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lực lượng CAND đã được đầu tư trang bị nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại, công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, với thực tế hiện nay, lực lượng CAND chú trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị, tình yêu nghề nghiệp.
Với những thành tựu của CMCN 4.0, chúng ta có thể chủ động hơn trong quá trình điều tra, truy bắt, phòng ngừa đấu tranh các loại tội phạm… Với những ưu việt của công nghệ số, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, việc chỉ huy, quản lý, điều hành sẽ có những thay đổi rất lớn, người chỉ huy sẽ được hỗ trợ tối đa việc ra quyết định nhanh chóng hơn, chính xác hơn khi khống chế hay truy bắt, phòng ngừa đấu tranh các loại tội phạm.
Có thể nói, tất cả các hoạt động trong quá trình điều tra, truy bắt, phòng ngừa đấu tranh các loại tội phạm… của lực lượng CAND đều hưởng lợi từ những thành tựu CMCN 4.0.
Tuy nhiên, những thách thức đặt ra không hề nhỏ. Cụ thể như việc thay đổi tư duy, nhận thức, cách thức triển khai các hoạt động thực tiễn, đặc biệt là tổ chức lực lượng, quản lý chỉ huy điều hành và hoạt động huấn luyện với các chiến sĩ cảnh sát... cùng với đó là những yêu cầu về đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhân lực hay những nguy cơ về bảo mật, an toàn thông tin”.
Thượng tá Phạm Ngọc Anh cũng bày tỏ: “Trong thời đại này, cần phải tiếp tục nghiên cứu để xác định hướng đi phù hợp, có hiệu quả trong công cuộc bảo vệ nhân dân và đất nước. Để làm được điều này, theo tôi, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về cuộc cách mạng này để nâng cao nhận thức và hiểu biết của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ cũng cần chú trọng.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và phương hướng nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho đi tắt đón đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cũng như sẵn sàng ứng phó trước sự biến đổi của tình hình.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, truyền dẫn, đồng bộ… tạo tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng này.
CMCN 4.0 phát triển trên 3 trụ cột chính: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. |
Để làm được những điều đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh phát triển các công nghệ trọng điểm, đặc biệt các công nghệ như rô-bốt, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn… ứng dụng trong quản lý chỉ huy, điều hành”.
Theo Thượng tá Phạm Ngọc Anh, để đạt được những mục tiêu đó, cần chú trọng công tác đào tạo. Cụ thể, cần điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế trong đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn cao. Trong tình hình hiện nay, Đảng, Nhà nước cần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị, tình yêu nghề nghiệp hơn nữa.
Áp dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào công tác điều tra, phòng ngừa tội phạm được ví là cuộc chiến không tiếng súng, cuộc chiến của trí tuệ và công nghệ. Tôi ví dụ trong ngành ngân hàng, khi khách hàng của ngân hàng bị “tấn công” thì chúng ta cần rà soát, kiểm tra thường xuyên tình hình bảo mật, an ninh để sớm phát hiện các lỗ hổng bảo mật, mã độc… có nguy cơ làm lộ, lọt thông tin khách hàng.
Cùng với đó, chủ động và tích cực đào tạo, huấn luyện trong nước và nước ngoài, ngắn hạn và dài hạn cho nhân viên nâng cao kỹ năng xử lý rủi ro. Dựa theo tình hình thực tế mà phát đi các cảnh báo cho khách hàng cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu hoặc mã số khi thực hiện các giao dịch thanh toán hoặc thực hiện bất kỳ yêu cầu thay đổi thông tin trên mạng xã hội, trong các diễn đàn (forum), website, email, điện thoại...
Còn trường hợp đối tượng tấn công ngân hàng có vũ khí nóng, nếu chúng ta có rô-bốt cảnh sát thì phải biết vận dụng và điểu khiển nó, khống chế một cách hợp lý nhất. Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu nguyên lý hoạt động của rô-bốt trong việc truy bắt tội phạm.
Về mặt quản lý đô thị, ở địa bàn quận Hoàng Mai đã đặt camera ở các tụ điểm nóng để bảo vệ cho người dân, việc này cũng giúp Công an quận quản lý địa bàn thuận tiện hơn. Chẳng hặn một vụ việc xảy ra, ở nơi có đặt camera, các lực lượng chức năng kịp thời đến nơi để can thiệp kịp thời, tránh phải chờ quần chúng nhân dân báo mới biết.
Còn đối với các thiết bị điện thoại, máy tính cá nhân, cần khuyến cáo khách hàng sử dụng các phần mềm có bản quyền; sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao và thường xuyên thay đổi mật khẩu cài đặt và sử dụng các phần mềm bảo vệ (diệt vi-rút) hoặc thiết lập tường lửa (firewall)...
Riêng đối với việc truy bắt, điều tra tội phạm, người chỉ huy phải có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ về công nghệ thông tin, vận dụng thành quả của CMCN 4.0 vào thực tế trong từng trường hợp cụ thể để có thể định vị được đối tượng, tìm được các manh mối của đối tượng, của từng vụ việc bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với các ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, phá án...