Chuyện luật sư và khách hàng... hai lúa
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng VP Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư Tp HCM) có nhiều khách hàng là nông dân ở Miền Tây. Ông kể, một hôm, đang ngồi tại văn phòng, có người đàn ông ăn mặc xuềnh xoàng bước vào.
- Chào luật sư, tôi mang lúa đến cho luật sư đây?
- Bác có nhầm không, tôi làm luật sư có phải buôn lúa gì đâu?
- (Cười) À, tôi mang việc đến để luật sư làm giúp tôi đây.
Kết thúc câu chuyện, bác hai lúa miền Tây còn căn dặn, “luật sư cứ làm tốt cho tôi, đừng vẽ đường kiếm tiền…”.
Luật sư Trần Minh Hùng kể, lúc đó, sự tự ái trào lên cổ, nhưng biết người dân Miền Tây thật thà chất phác, hài hước chẳng kiêng rè lại thấy quý. Sau này, người khách mới giải thích rằng, ông cũng nghe người ta nói có luật sư hay vẽ ra thủ tục khó để thêm tiền nên nói vậy.
“Người Miền Tây thật thà thẳng thắn, nhưng đã quý nhau rồi thì gần gũi. Hiện giờ có việc gì người khách hôm đó đều gọi điện cho tôi để tư vấn", LS Hùng chia sẻ.
Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn luật sư Tp HCM) |
Cũng là chuyện “hai lúa gặp luật sư”, LS Trần Minh Hùng kể tiếp: “Tôi được yêu cầu để bảo vệ cho một nguyên đơn trong một vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất giữa các anh chị em ruột với nhau. Vụ án không hề đơn giản và rất phức tạp, kéo dài gần 10 năm từ sơ thẩm, phúc thẩm rồi bị kháng nghị giám đốc thẩm rồi quay về sơ thẩm lần 2. Vụ án kéo dài đã mất biết bao công sức và tiền bạc của các bên. Tôi không bảo vệ cho nguyên đơn ngay từ đầu mà chỉ bảo vệ kể từ giai đoạn sơ thẩm lần 2. Căn nguyên cũng chỉ đơn giản là ít đất cha ông để lại, nếu biết cách chia thì không hề khó khăn và tốn thời gian, tiền bạc”.
Những người tranh chấp với nhau là anh chị em ruột và đều nghèo khổ như nhau tại khu vực miền Tây. Anh chị em trong gia đình chân lấm tay bùn, không hiểu biết pháp luật lại thêm hơn thua đến cùng, vì ghét thái độ và câu nói. Khi bố mẹ còn sống có giao cho người em út 1 công đất để làm nhà và vườn, người anh cũng mất đi. Rồi người em út cũng mất sớm, chỉ còn lại vợ con người em út côi cút. Cứ nghĩ rằng, mảnh đất đó bố mẹ đã cho mình, người vợ và các con liền đứng tên khai quyền sử dụng đất mà không hề hỏi hay thông qua ý kiến của các anh chị em trong gia đình. Đến khi sự việc được phát hiện, các bên không hòa giải được nên nguyên đơn phải khởi kiện ra tòa án để chia thừa kế.
“Là một luật sư của bên nguyên, nhưng tôi thấy hoàn cảnh của bị đơn cũng không giàu có nên cố khuyên các bên hòa giải trên tinh thần phù hợp đạo lý, bảo đảm quyền lợi cho các bên tránh mất tình anh em trong gia đình”- Luật sư Hùng chia sẻ.
Nhận thấy, vụ án có thể giải quyết đơn giản bằng hòa giải, luật sư Hùng đã chủ động thuyết phục 2 bên.
Sau hơn 03 tháng cố gắng thuyết phục gặp gỡ với những chuyến xe công tác để trao đổi, động viên thì sự cố gắng, miệt mài và kiên trì của luật sư Hùng đã được đền đáp. Hai bên đã đồng ý hòa giải thành công. Bên bị đơn đồng ý chia di sản là cha mẹ để lại cho các anh chị em đúng theo quy định pháp luật.
Ngược lại, các anh chị em còn lại đồng ý trả các khoản như tiền xây dựng nhà, cải tạo đất, canh tác và quản lý đất cho bị đơn. Đồng thời các đồng thừa kế cũng tự nguyện đồng ý chia cho bị đơn phần đất nhiều hơn các đồng thừa kế khác vì bị đơn là con út trong nhà và có hoàn cảnh khó khăn. Nguyên đơn và các đồng thừa kế tự nguyện đồng ý để căn nhà cho bị đơn ở để làm thờ cúng cha mẹ, không được bán.
Một ngày cuối năm, áp tết Nguyên Đán, công việc ngành luật cũng đã vãn, Văn phòng luật sư Gia Đình chuẩn bị đóng cửa niêm phong đồ đạc để nghỉ tết. Bất ngờ có người phụ nữ trung tuổi khuôn mặt và ăn vận cũ kỹ xách theo 1 lồng gà rụt rè gõ cửa, tìm gặp Luật sư Hùng.
Hỏi ra mới biết đó là “bị đơn” trong vụ án anh em tranh nhau thừa kế năm đó, nhờ sự tư vấn của luật sư mà anh chị em gia đình họ đã hòa thuận với nhau, đùm bọc nhau hơn. Đến nay, gia đình chị đã khấm khá hơn.
Được mang dịch vụ pháp lý đến với người nông dân - những 2 lúa, ít có điều kiện tiếp xúc với các vấn đề pháp luật, để xã hội hành xử chuẩn mực hơn, đó là niềm vui của nhiều luật sư.