Chuyện đổi gà, thóc cho "con nghiện" đi cai của công an viên Hờ A Ký
Anh là Hờ A Ký, 34 tuổi, dân tộc Mông, công an viên tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, Yên Bái.
Công an viên Hờ A Ký |
Vươn lên từ đôi bàn tay trắng
Từ trung tâm xã Hồng Ca, sau hơn 2 giờ đồng hồ men theo con đường đất dài ngoằn nghoèo, trơ sỏi đá, bên vực bên đồi, chúng tôi mới tìm được nhà anh Hờ A Ký. Đây là năm thứ hai gia đình anh đón Tết trong căn nhà mới khang trang dựng giữa lưng chừng đồi.
Căn nhà đã được sửa sang hơn một năm nay, rộng rãi, vững chắc nhưng bên ngoài vẫn còn ngổn ngang gạch, gỗ. Tài sản giá trị nhất trong căn nhà vẫn là chiếc ti vi đen trắng đời cũ. Anh bảo: “Gia đình mình thuộc diện khá trong bản rồi. Nhiều nhà vẫn phải ở nhà dột, nhà đất nữa cơ”.
Anh mở đầu câu chuyện bằng sự nghèo khó của quê hương, nơi đại ngàn heo hút. Thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca là một vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, là nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc H’Mông, Tày, Mường và Kinh. Trong đó, người H’mông chiếm hơn một nửa.
Sinh ra ở đất Văn Chấn, là con út trong một gia đình có 15 người con, thuở nhỏ anh Ký cũng như các anh chị em khác hàng ngày phải theo cha mẹ phát đồi làm nương, làm nhà. Tập quán du canh du cư theo anh từ đó cho đến khi anh gặp được công an xã Hà Đức Nhận (nay là trưởng Công an xã Hồng Ca). Được sự đả thông tư tưởng từ cán bộ, anh quyết tâm “cắm trại” tại thôn Hồng Lâu này.
Những ngày đầu định cư, ban ngày anh vác dao vào rừng, đốn những cây to, khỏe nhất để dựng nhà. Anh kể: “Có lần đi lấy gỗ, gặp cơn mưa rừng xối xả. Cứ đi một bước lại ngã lăn ba bước. Con đường mòn dẫn về nhà đã bị nước rửa trôi. Đêm đó, tôi phải dựng lán trú mưa, sáng ra mới tìm đường về nhà”. Lại có lần, đang hì hục đẽo cột, chẳng may con dao trượt xuống, chút nữa thì mất một ngón chân...
Gần chục năm làm và sống tại đây, từ đôi bàn tay trắng cùng nghị lực quyết tâm, anh Hờ A Ký đã thoát được cái nghèo, trở thành nông dân giỏi, là một trong những hộ gia đình no ấm đầu tiên của thôn Hồng Lâu. Năm 2009, được sự tín nhiệm của cán bộ công an xã, sự ủng hộ của bà con nơi đây, anh được bầu làm công an viên chuyên chăm lo đời sống an ninh cho đồng bào, vận động bà con từ bỏ những hủ tục, thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Cuộc vận động lúc nửa đêm
Anh Hờ A Ký tự tay hoàn thiện ngôi nhà của gia đình. |
Hơn 6 năm làm công an viên là hàng trăm lần anh vượt núi, băng rừng đến từng hộ thuyết phục bà con từ bỏ cây thuốc phiện, tảo hôn, ma chay... Còn nhớ, đêm 28 Tết Canh Dần 2010, anh phải đến tận nhà cai nghiện cho Sùng A Củ (47 tuổi). Khi đó, Sùng A Củ đã nghiện hơn 4 năm. Cả nhà có 7 người thì đến 3 người nghiện. Nhà của Củ cách xa nhà anh Ký một ngọn đồi. Cứ hai ngày một lần, anh lại lặn lội vào khuyên A Củ từ bỏ thuốc, tu trí làm ăn, thoát nghèo. Đã không ít lần A Cự chống cự, gây thương tích cho cán bộ. Có lần anh vào đúng lúc A Củ đang lên cơn thèm thuốc, anh vội chạy đi kiếm dây trói anh ta lại, vác xuống trung tâm cai nghiện. Trong suốt quãng đường đi, A Củ cứ gào lên “đi cai là đi chết” rồi không chịu đi. Vợ của A Củ là Vàng Thị Pla không được học hành nên đã chạy theo ngăn Hờ A Ký mà rằng: “Nó mà đi, 5 đứa con ở nhà ai nuôi”.
Tình thế dở khóc, dở cười, anh liền “thỏa thuận” với A Củ và vợ: “ Nếu mày để tao đưa chồng mày đi cai nghiện, nó cai thành công thì tao cho vợ chồng mày 50 kg thóc và 10 con gà”. Thấy thóc và gà, A Củ và vợ đã đồng ý và cai nghiện thành công. Hiện nay, gia đình Sùng A Của đã trở nên khá giả, có của ăn, của để. Trở thành tấm gương cho nhiều người trong thôn noi gương.
Không những vậy, thôn Hồng Lâu xưa nay còn nổi tiếng với nạn tảo hôn. Con gái cứ 13, 14 tuổi là phải lấy chồng. Đến 16 tuổi đã con bế trên tay. Đã nhiều lần anh xuống từng hộ giải thích hậu quả nghiêm trọng của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhưng bà con không nghe.
Anh cho biết: “Bà con mình là người dân tộc, cứ phải mắt thấy thì mới tin. Có lần, tôi xuống chợ huyện mua đầu đĩa về để bà con xem, lúc đó họ mới tin cán bộ, lúc đó mới biết lấy chồng trước 18 tuổi là phạm luật...”.
Tết 2013, trong một chuyến công tác tuyên truyền vận động bà con bài trừ nạn tảo hôn, anh đã ngăn cản được “đám cưới” của Hờ Thị Sua (16 tuổi) và Tráng Á Hầu (18 tuổi). Đám cưới của họ được dự định tổ chức trước tết với hi vọng năm mới đủ đầy, thêm người thêm của. Nhưng chẳng biết anh nói những gì, chỉ sau một đêm, gia đình hai bên đã đến tận nhà xin hủy đám cưới và mang cả gà xuống “ăn mừng” đám cưới hụt.
Các em nhỏ thôn Hồng Lâu vui mừng khi nhận được quà. |
Nhấp chén trà, anh bảo: “Kể chuyện thôn mình thì cả ngày cũng không hết, mỗi lần đi vận động tuyên truyền cho bà con là một kỷ niệm đáng nhớ”.
Điều anh Hờ A Ký đau đáu và lo lắng nhất là nghiệp học hành của các em nhỏ trong thôn.
Tính đến năm 2014, cả thôn mới chỉ có 4 em được đi học trung cấp, cao đẳng. Trường học ở xa, đi bộ cả ngày mới tới, hơn nữa, thôn Hồng Lâu là địa phương đặc biệt nghèo của xã Hồng Ca(cả thôn có 107 hộ thì có đến 100 hộ nghèo) nên việc cho con đến trường là việc vô cùng khó khăn. Cứ đầu năm học, anh cùng các thầy cô giáo lại đến từng hộ vận động phụ huynh cho các em đi học. Được một, hai tháng các em lại nghỉ, các thầy cô lại lặn lội đi vận động. “Cứ như một quy trình tuần hoàn. Vận động - đi học - nghỉ học - vận động. Không biết bao giờ mới chấm dứt” – anh Hờ A Ký tâm sự.
Sau những nỗ lực không mệt mỏi, công an viên Hờ A Ký đã mang lại kết quả bất ngờ cho thôn Hồng Lâu. Các vấn đề ma túy, tảo hôn, ma chay... cũng như an ninh trật tự thôn được đảm bảo. Là thôn kéo lưới điện thứ 2 trong 4 thôn của xã Hồng Ca. Nạn tảo hôn năm 2014 giảm 4 trường hợp so với năm 2013; cũng chưa phát hiện trường hợp nghiện ma túy nào trong 2 năm trở lại đây.
Trưởng công an xã Hồng Ca, ông Hà Đức Nhận cho biết: “ Hờ A Ký là một trong những cán bộ công an viên năng nổ, trách nhiệm. Anh là người dân tộc H’Mông chính gốc nhưng rất hiểu biết, khiêm tốn, luôn làm gương cho bà con”.
Đất trời đang vào xuân, ngồi bên ngôi nhà được tân trang để chào đón năm mới nhưng anh chưa bao giờ thôi nghĩ về bà con thôn Hồng Lâu. Anh tâm niệm, mong muốn: “Chính quyền cấp trên tạo điều kiện cấp vốn mua trâu bò giúp bà con làm ăn; tuyến đường liên thôn được tu bổ, xây dựng. Đặc biệt, có nhiều lớp học khang trang, thoáng mát thay thế những phòng học vách tranh, bùn đất để bọn trẻ ngồi học không bị lạnh vào mùa đông, để thôn bản anh giàu có từng ngày”.