Chuyện chưa kể về vụ nổ súng khiến 3 người thương vong ở Đại Lộc
Liên quan đến vụ “mâu thuẫn, hai nhóm thanh niên thanh toán nhau” khiến 3 người thương vong xảy ra tại thôn Phiếm Ái 2 (xã Đại Nghĩa, H. Đại Lộc, Quảng Nam), ngày 28-4, Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp - Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam cho biết, CQĐT đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của từng đối tượng. Bên cạnh đó, liên quan đến vụ án nghiêm trọng này, sau khi Đinh Thanh Vinh (1978, trú thôn Phiếm Ái 2) được xem là kẻ cầm đầu vụ bắn nhau bị bắt, một số người dân địa phương đã ký tên xin cứu xét cho Vinh.
“Trùm giang hồ” gác kiếm
Nói về “đàn anh” trong giới giang hồ ở Đại Lộc và một số huyện giáp ranh, Vinh được nhiều người biết đến bởi từng là “công tử” của một gia đình giàu có. Ông Đinh Văn Bảy (1955, bố Vinh) trước đây nổi tiếng bởi nghề buôn bán trầm hương. Chính cái nghề này đã đem lại cho ông Bảy rủng rỉnh tiền bạc, vợ con cũng được an nhàn. Là con trai độc nhất nên Vinh được cha mẹ cưng chiều. Thêm vào đó, nghề buôn trầm hương cũng làm cho ông Bảy giao du với thế giới “xã hội đen” và nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cậu con trai.
Từ nhỏ, Vinh sớm xao nhãng việc học hành. Bắt đầu từ năm 2000, Vinh đã nổi tiếng trong giới “xã hội đen” ở Đại Lộc. Các cuộc gây rối giữa các băng, nhóm hầu như không thiếu mặt Vinh. Dưới “trướng” của Vinh có nhiều đàn em như Hạ Ngọc Vi (1988), Mai Hoàng Đạo (1982, cùng trú xã Đại Nghĩa), Lê Tuấn Tú (1992, còn gọi Tú rồng, trú TT Ái Nghĩa)... Theo hồ sơ của CAH Đại Lộc, ngày 12-11-2003, Vinh nhận mức án 12 tháng tù treo vì tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đến năm 2005, Vinh tiếp tục cầm đầu các nhóm thanh niên tổ chức đánh nhau nên bị CAH Đại Lộc xử lý vì hành vi gây rối TTCC.
Thời gian sau, Vinh phiêu bạt khắp nơi và khoảng năm 2013 thì trở về quê, bắt đầu tu chí làm ăn. Ngoài phong cách của một “đại ca”, Vinh còn có sự hào hoa của một lãng tử nên được nhiều phụ nữ mến mộ. Bởi thế Vinh có đến 3 người vợ. Vợ đầu quê ở Quảng Trị, sau thời gian chung sống và có với nhau một con gái thì cô này đã dứt tình. Hiện cháu gái này đang được chị ruột Vinh nuôi. Người vợ thứ hai sống với Vinh không được bao lâu thì cũng mang con sang tận trời Tây. Người vợ thứ ba ở Đà Nẵng, vừa sinh con trai mới hơn 4 tháng.
Bà Đặng Thị Xuân (1955, mẹ Vinh) cho biết, thời gian này, bà bị tai biến mạch máu não liệt nửa người nên Vinh rất lo lắng và quyết tâm hoàn lương. Đặc biệt, từ lúc có con trai, Vinh lo chuyện làm ăn để có thêm thu nhập. Ngoài nuôi chim cảnh để bán, Vinh còn thuê nhà bà Nguyễn Thị Mánh để đặt máy bắn cá. “Khi thấy thằng Vinh đặt máy bắn cá, rất nhiều lần Đạo, Vi cầm dao, mã tấu đến hăm dọa. Thấy vậy tôi rất lo lắng, nhưng không ngờ vì phút nóng giận mà thằng Vinh lại để xảy ra vụ án đau lòng như trên” - bà Xuân nói.Tiếp xúc với P.V, bà Trần Thị Diện (1965, hàng xóm của Vinh) cho biết, 3 năm gần đây, Vinh tiến bộ rõ rệt. Không rượu chè, tụ tập đánh nhau, gây rối, sống hòa đồng, lễ phép và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Không riêng gì bà Diện, khi tiếp xúc với P.V, nhiều người dân, kể cả các ngành chức năng H. Đại Lộc cũng nhận định về Vinh như vậy. Tuy nhiên, có một điều mà ít người nhận thấy, Vinh “gác kiếm” nhưng các mối quan hệ với đàn em trước đây vẫn nhùng nhằng, chưa giải quyết xong. Cụ thể, sau thời gian Vinh đi “phiêu bạt giang hồ”, Hạ Ngọc Vi lên ngôi “đại ca” ở Đại Lộc, thu nạp Mai Hoàng Đạo, Lê Tuấn Tú và một số đối tượng khác về dưới “trướng”. Khi Vinh trở về, các “đàn em” không những không vui mừng mà còn thường xuyên đến gây hấn, mục đích ngấm ngầm không cho Vinh mơ tưởng đến ngôi vị đứng đầu giới giang hồ ở đây. Nhiều người dân cho biết, họ từng chứng kiến Đạo và Tú mang mã tấu đến nhà chửi mắng, rượt đuổi Vinh. Điển hình là trước Tết Bính Thân, Vinh đang ăn sáng tại một quán ở TT Ái Nghĩa thì bị Vi và Tú cầm mã tấu đuổi chém. Sự việc gây náo loạn cả khu phố. Dù vậy, Vinh vẫn lấy sự im lặng nhằm cầu hòa.
Khi “đại ca” bị “đàn em” trở mặt
Trở lại vụ án kinh hoàng trên, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tối 5-4, Mai Hoàng Đạo và Lê Thanh Tới (1987, trú xã Điện Phước, TX Điện Bàn) đến máy bắn cá của Vinh để chơi. Tại đây, Đạo và Doãn Việt Quang (1991, trú xã Đại Nghĩa) xảy ra mâu thuẫn. Sau hồi cãi nhau, Đạo đánh Quang nhưng không trúng. Thấy vậy, Nguyễn Viết Nghĩa (còn gọi là Nghĩa nhớp, 1991, trú xã Đại Nghĩa) đứng ra bênh vực Quang. Tới cũng vào can ngăn không cho Nghĩa và Quang đánh Đạo. Sau đó, Nghĩa gọi điện gọi cho Vinh. Khi Vinh đến nơi thì 2 nhóm đang tranh cãi và xô xát. Vinh nói với Đạo: “Anh em mới làm ăn, sao tụi bây đến phá?”. Đạo trả lời rằng đến quán chơi điện tử chứ không quậy phá. Nói xong, Đạo lấy xe máy chở Tới về Ái Nghĩa. Biết tính ngỗ ngược của những người từng là đàn em mình, Vinh, Quang, Nghĩa đi lấy mã tấu, súng để chuẩn bị nghênh chiến. Vinh còn gọi điện triệu tập thêm Nguyễn Phước Tài (1990, Tài chính, trú xã Điện Hồng, TX Điện Bàn), Đỗ Thanh Tài (1983, Tài Lâm, trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc).
Đinh Thanh Vinh, Lê Viết Nghĩa, Doãn Việt Quang |
Hung khí. |
Về nhóm của Đạo, sau khi về đến Ái Nghĩa thì tìm “đại ca” Hạ Ngọc Vi kể toàn bộ sự việc. Sau đó, nhóm của Vi tập hợp Lê Tuấn Tú cùng một số đàn em khác chuẩn bị mã tấu, dao, kiếm quay lại thôn Phiếm Ái 2. Khi nhóm của Đạo cách nhóm Vinh khoảng 8m thì bị Nghĩa nã đạn khiến Tú và Vi trúng đạn. Để đánh phủ đầu nhóm đối phương, Quang tiếp tục dùng mã tấu xông vào chém Đạo. Dù bị chém trọng thương nhưng Đạo cố gắng bỏ chạy vào quán Gió Chiều gần đó. Sau khi thấy nhóm của Đạo bị thương nặng, Vinh, Quang, Nghĩa, Tài Chính và Tài Lâm liền mang theo hung khí và súng chạy khỏi hiện trường. Trong khi đó, Tú, Vi và Đạo được mọi người đưa đi cấp cứu. Do bị bắn trúng tim nên Tú tử vong ngay sau đó; Vi bị vỡ lá lách, thủng dạ dày và thương tích ở vùng cổ, sườn, đùi; Đạo bị thương ở khuỷu tay phải. Vi và Đạo tiếp tục được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu ngay trong đêm.
Trên đường chạy trốn, nhóm Vinh nhận được tin Tú tử vong nên vào rừng keo ở thôn Đức Hòa (xã Đại Nghĩa) giấu súng, mã tấu rồi theo QL1A vào Nam. Khi đến ngã ba Cây Cốc (H. Thăng Bình, Quảng Nam), nhóm của Vinh rẽ lên H. Hiệp Đức và trú tại nhà người bạn của Vinh. Trưa 6-4, cả nhóm rời nhà người này tiếp tục chạy vào hướng Quảng Ngãi. Đến ngày 8 và 9-4, thấy không thể tiếp tục trốn chạy nên Nghĩa và Quang lần lượt quay về đầu thú. Vinh tiếp tục trốn vào TP Phan Rang (Ninh Thuận), nhưng sau đó quay về đầu thú.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Đặng Thị Xuân đã làm đơn xin cứu xét gửi đến các ngành chức năng. Điều đáng nói, trong đơn xin cứu xét trên còn có chữ ký của một số người dân thôn Phiếm Ái 2. Họ cho rằng, thật sự sau khi trở lại quê, Vinh đã hoàn lương và làm ăn lương thiện. Trong vụ án xảy ra đêm 5-4 cũng có một phần lỗi của các nạn nhân. Do vậy, một số hộ dân này đã ký tên kiến nghị các ngành chức năng xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Vinh...
Theo B.B - H.N/Công an Đà Nẵng