Chuyện chưa kể về bức ảnh Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng
Trưa ngày 30/4/1975, tại phòng thu thanh của Đài Phát thanh Sài Gòn, ngoài một số cán bộ và chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam còn có một nhân vật khá đặc biệt được trực tiếp chứng kiến giây phút lịch sử khi Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Người ấy chính là ông Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.
Ông Nguyễn Hữu Thái (người mặc áo trắng cầm tập tài liệu) cùng các cán bộ Quân Giải phóng chờ ông Dương Văn Minh (mặc áo đen ngồi nhìn lên) đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. |
Theo lời ông Thái, ngày 30/4/1975, ông có mặt tại Dinh Độc Lập vào khoảng hơn 9 giờ sáng. Trong lúc nhóm của ông đang ở Dinh Độc Lập thì ở phía đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), một cảnh tượng hùng tráng diễn ra. Đó là cảnh một đoàn xe tăng của quân Giải phóng rầm rộ tiến vào húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và tiến thẳng đến trước thềm Dinh. Một người lính từ trên xe nhảy xuống và giật chiếc cần ăng-ten gắn lá cờ Giải phóng nửa xanh nửa đỏ ở trên xe chạy thẳng lên thềm Dinh.
Khi ấy ông và giáo sư Huỳnh Văn Tòng (giảng dạy ngành báo chí) đang đứng trên tiền sảnh Dinh. Thấy người lính chạy vào, ông tiến ra đề nghị được dẫn đường lên nóc Dinh, giật lá cờ ba sọc xuống và kéo lá cờ Giải phóng lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng bắn chỉ thiên vang trời.
Và cũng chính buổi trưa ngày hôm ấy, một câu chuyện bất ngờ đã xảy ra đối với cuộc đời ông, ông được đi cùng với các cán bộ và chiến sĩ quân Giải phóng áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và một số thành viên nội các của chính quyền Sài Gòn ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, lúc đó do tình hình rất gấp nên ông được giao làm phát thanh viên phát đi lời thông báo về việc Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Tuy đảm nhận vai trò của một phát thanh viên “bất đắc dĩ” nhưng bằng chất giọng miền Nam rành rẽ, qua làn sóng phát thanh của Đài Phát thanh Sài Gòn, ông đã phát đi lời thông báo mở đầu mang tính lịch sử. Và ngay sau lời thông báo của ông, Tổng thống Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc đó vào khoảng 14h20 giờ Sài Gòn, tức 13h20 giờ Hà Nội
Sau hơn 40 năm, ông vẫn còn nhớ rõ giây phút lúc đó cũng như những lời thông báo ông đã đọc đầy cảm xúc: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội Giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…”.
Ông Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn. |
Ông Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, là một kiến trúc sư. Ông học ngành Kiến trúc và Luật tại Viện Đại học Sài Gòn. Ông hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam từ 1960 tới 1975 và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963 - 1964) ngay sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.
Trong bức ảnh tư liệu quý giá, Trung tá Trần Viết Cả- nguyên Trung đội trưởng Đội trinh sát của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 đứng bên trái bức hình. Năm 1968, Trần Viết Cả mới tròn 17 tuổi đã xung phong tham gia quân đội.
Sau trận đánh căn cứ Nước Trong, đơn vị ông được lệnh sáp nhập với Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, tiến công vào Sài Gòn để chiếm đánh Đài Phát thanh. Sáng ngày 30/4/1975, Trần Viết Cả cùng đơn vị hành quân đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn.
Khoảng hơn 9 giờ ngày 30/4/1975, đơn vị trinh sát đã áp sát Đài Phát thanh Sài Gòn, lúc ấy, lính ngụy chạy tán loạn. Chừng 1 giờ sau đó, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ và các chiến sĩ khác đưa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Đúng 11h30 phút, Tổng thống Dương Văn Minh bắt đầu đọc bản tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng miền Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức sụp đổ.
Trong vai trò Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thái tổ chức và tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như kêu gọi sinh viên xuống đường, biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phát động đấu tranh sinh viên chống tướng Nguyễn Khánh… Đỉnh điểm của các hoạt động mà Nguyễn Hữu Thái và các sinh viên tham gia đó là cuộc biểu tình chống tướng quân phiệt Nguyễn Khánh năm 1964.
Sau khi nhìn lại quá khứ và xác định lập trường, Nguyễn Hữu Thái liên hệ với Mặt trận Giải phóng và được chấp thuận. Trong mê hồn trận chính trị ở Sài Gòn, để tham gia cách mạng mà vẫn sống sót, người thanh niên Nguyễn Hữu Thái phải sống giữa hai làn đạn. Ban ngày ông làm công tác của một sĩ quan quân đội Sài Gòn, nhưng ngoài giờ hoặc khi về nhà thì thực hiện những công tác bí mật khác. Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam, rồi được thả tự do năm 1974, sau đó tìm cách nắm đầu mối hoạt động trở lại với Mặt trận Giải phóng. Năm 1975, Nguyễn Hữu Thái hoàn thành nhiệm vụ nội thành cuối cùng của Cách mạng, vào Dinh Độc Lập giúp treo cờ giải phóng và giới thiệu lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh trên Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.
Hơn 40 năm đã trôi qua, người cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn ngày nào giờ đã là một ông lão tóc bạc trắng. Ông không ngừng trăn trở và quyết định hoàn thành cuốn sách “Những điều chưa biết về ngày Sài Gòn sụp đổ”. Ông quan niệm đây không phải là một cuốn sách sử hay một bản tổng kết về chiến tranh mà “đơn giản chỉ muốn kể lại câu chuyện về 30/4/1975 như một người trong cuộc, người ghi chép các sự kiện lẫn một nhà nghiên cứu”.
Ông Nguyễn Hữu Thái còn là tác giả của cuốn “Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình” ghi lại hành trình gian khó của những sinh viên bình thường tìm đường đến với những lý tưởng và mục tiêu cao đẹp của giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội. Ông cho biết, cuốn sách này ông đặc biệt dành cho các bạn trẻ, để các bạn được nhìn thấy hình ảnh sống động về chiến tranh và cách mạng, gồm những nỗi niềm của cả mấy thế hệ người mình đã trải qua trong máu lửa và nước mắt.