Chưa có Luật Biểu tình vẫn quản lý được bằng Nghị định 38
ĐBQH - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 21/5. (Ảnh: Nguyễn Dũng) |
“Vô lý” 70/90 văn bản luật chưa được ban hành
Chiều 21/5, ĐBQH đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.
ĐB Bùi Thị An cho rằng, quy trình làm luật nên bắt đầu từ Quốc hội bởi quy trình làm luật của ta hiện hơi ngược khi bắt đầu tư cơ quan quản lý nhà nước, dễ xảy ra lợi ích nhóm, khó đi vào cuộc sống.
Qua tiếp xúc cử tri, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết, cử tri Hà Nội nêu rất nhiều việc luật khó đi vào cuộc sống. Do vậy bây giờ luật phải thực hiện được trong cuộc sống chứ không chỉ đưa vào cuộc sống nữa.
ĐB Hà dẫn dụ, qua báo cáo của Bộ Tư pháp thì trong quý 1/2014 Chính phủ và các Bộ phải ban hành 90 văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên đến 17/3, gần hết quý 1 vẫn còn đến 70/90 văn bản chưa được ban hành, chiếm 78% là “rất vô lý”. Ngoài ra còn phải kể đến chất lượng, có văn bản vừa ban hành đã bị dân phản ứng, khó thực hiện, không căn cứ vào thực tế. ĐB Hà đề nghị cần có quy định nào đó để đảm bảo các văn bản thông qua trên thực tế, đảm bảo tính khả thi.
Trước vấn đề quy trình làm luật của chúng ta đang làm ngược hay xuôi, qua thực tế một số khóa làm luật ở nước ngoài, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho biết, các nước cũng đang làm như ở Việt Nam, thậm chí ở ta còn có quy trình làm khá chặt chẽ.
Ông Quyền cũng cho rằng, tổ chức của Quốc hội Việt Nam hiện chưa tương xứng để có thể làm được nhiệm vụ theo yêu cầu. Vì thế việc triển khai ở Quốc hội cũng chỉ mang tính chất “bốc thuốc” là chính.
Theo Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên nhân của những mặt hạn chế trong ban hành luật thường xuất phát từ 2 yếu tố: Thứ nhất, nội dung luật lúc thông qua ĐB cũng chỉ mong muốn thôi, còn đi vào thực tế được chừng nào hay chừng đó. Thứ 2, có những quy định rất phù hợp, rất đúng, nhưng không đi vào cuộc sống do ý thức chấp hành pháp luật không tự giác, không nghiêm. Ngoài ra yếu tố xử phạt hiện nay cũng chưa đủ sức răn đe để người dân nghiêm túc chấp hành.
Quản lý việc biểu tình đúng pháp luật
Đề cập đến Luật Biểu tình, ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng luật này cần sớm được thông qua. Liên quan đến tình hình Biển Đông, một số nơi tập trung đông người gây vất vả cho lực lượng công an vì chưa có cơ sở pháp lý để xử lý.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trịnh Thế Khiết cho rằng, trong tình hình này ban hành Luật Biểu tình sẽ phù hợp để bảo vệ chủ quyền đất nước, thực hiện dân chủ công khai và đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ĐB Nguyễn Kim Tuyến nêu hiện chúng ta đã có Luật biển. Vì thế lúc này cần phải đánh giá xem luật đã thực sự đi vào cuộc sống chưa.
Cùng đóng góp cho nội dung này trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nêu, việc ban hành Luật Biểu tình trong thời điểm này là cần thiết. Tuy nhiên dù hiện hay chúng ta chưa có Luật Biểu tình nhưng vẫn có Nghị định số 38 với những quy định rất rõ ràng, cụ thể.
Nghị định quy định rõ việc bảo đảm trật tự nơi công cộng, thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân theo quy định của pháp luật. Qua đó khi tập trung đông người nơi công cộng phải được đăng ký và làm đúng theo nội dung đã được đăng ký. Trường hợp lôi kéo, kích động là những hành vi cấm đã được quy định trong Nghị định.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép, vi phạm chủ quyền lãnh thổ, người dân đã biểu tình tự phát để thể hiện lòng yêu nước. Theo Bộ trưởng Son, chúng ta không ngăn cản nhưng giám sát để việc này phải diễn ra theo đúng pháp luật. Nếu có Luật Biểu tình, chúng ta sẽ có chế tài tốt hơn về việc này.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Son, mặc dù chưa có Luật Biểu tình nhưng vẫn quản lý được thông qua Nghị định. Điều quan trọng là cần phải tuyên truyền tốt hơn để người dân thực hiện đúng theo quy định.
Cũng cho ý kiến về việc này, một số ĐBQH đoàn Hà Nội lại cho rằng chưa nên ban hành Luật Biểu tình vào thời điểm này. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo ĐB Lê Hiền Vân, nếu cho phép biểu tình người dân ở nhiều địa phương sẽ thực hiện, lúc đó rất khó trong việc quản lý, giám sát.