Chính quyền đô thị Đà Nẵng nên đi ngay vào mô hình hai cấp?
Đề án đề xuất lộ trình qua 3 giai đoạn
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ cho hay, ngày 26/4/2013, Văn phòng Trung ương (TƯ) Đảng có công văn 5463-CV/VPTƯ về việc chuẩn bị một số nội dung báo cáo TƯ, trong đó có nêu rõ việc đồng ý tiến hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại Đà Nẵng. Đến ngày 24/7/2013, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn 1453/VPCP-TCCV về việc thí điểm CQĐT thị tại Đà Nẵng.
Cuộc hội thảo đầu tiên lấy ý kiến đóng góp cho Đề án xây dựng chính quyền đô thị Đà Nẵng do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 12/9 (Ảnh: HC) |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của TƯ và được sự phân công của UBND TP Đà Nẵng, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã xây dựng Đề án CQĐT Đà Nẵng trên cơ sở tiếp tục kế thừa các nghiên cứu về CQĐT của TP từ năm 2008 đến nay và tiếp thu các chủ trương, định hướng của TƯ để hiệu chỉnh, bổ sung nội dung cho dự thảo đề án lần này.
Đề án đề xuất lộ trình xây dựng mô hình CQĐT Đà Nẵng gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ khi đồng ý thí điểm đến năm 2016) sẽ gồm HĐND TP - UBND TP - UBND quận, huyện (cơ chế thủ trưởng) - UBND phường, xã (cơ chế thủ trưởng). Giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2021 tức nhiệm kỳ HĐND khoá IX) sẽ gồm HĐND TP - UBND TP - UBND phường, xã (không còn UBND quận, huyện). Giai đoạn 2 (từ năm 2021, tức từ nhiệm kỳ HĐND khoá X trở đi) sẽ gồm HĐND TP - Thị trưởng - Trưởng phường (không còn UBND TP và UBND phường, xã).
Tuy nhiên, là người phát biểu tham luận đầu tiên với tư cách một chuyên gia, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức CQĐT Đà Nẵng chứ không phải một Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ (vì Đề án chưa trình ra Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng), ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, đã đưa ra đề xuất táo bạo: Đà Nẵng nên bước vào mô hình CQĐT chỉ có hai cấp ngay ở giai đoạn bắt đầu thí điểm.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ trình bày dự thảo Đề án chính quyền đô thị Đà Nẵng, trong đó đề xuất lộ trình gồm 3 giai đoạn (Ảnh: HC) |
Đề xuất Đà Nẵng nên đi ngay vào mô hình CQĐT 2 cấp...
Theo ông Bùi Văn Tiếng, việc hình thành CQĐT nhằm hai mục đích chính: chính quyền địa phương phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thuận tiện hơn và hiệu lực quản lý, điều hành xã hội của chính quyền địa phương tốt hơn, thống nhất hơn, tập trung hơn. Đề án kiểu gì, CQĐT kiểu gì đi nữa, nếu thoát ly và không đáp ứng hai mục đích chính đó coi như không thành công.
Với hai mục đích căn bản ấy thì yêu cầu đầu tiên của mô hình CQĐT là giảm tầng nấc trung gian. Vì thế vấn đề được đặt ra là nên chăng mô hình CQĐT chỉ có hai cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở, không có hoặc không còn cấp quận, huyện?
"Với tư cách một người từng có hơn 5 năm làm Bí thư Quận uỷ, hiểu rõ quyền lực của mình đến đâu, được phân quyền quyết định cái gì và không được phân quyền quyết định cái gì, tôi thấy một mô hình CQĐT ở Đà Nẵng chỉ có hai cấp là khả thi. Trước năm 1997, chính quyền TP Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thực chất đã là CQĐT hai cấp. Với trình độ quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ, công chức cấp TP, hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông cũng như khả năng sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong công vụ như hiện nay, tôi tin Đà Nẵng có đủ điều kiện bước vào mô hình CQĐT chỉ có hai cấp ngay ở giai đoạn bắt đầu thí điểm" - ông Bùi Văn Tiếng nói.
Ông Tiếng cho hay, ngay tại một nước hiện đại, tiên tiến như Nhật Bản, từ năm 1904 đã đưa ra chiến lược bãi bỏ cơ chế cấp huyện nhưng do nảy sinh nhiều tranh cãi nên phải 22 năm sau, đến năm 1926 họ mới chính thức bãi bỏ được "Uỷ ban" huyện và quận trưởng, để chính quyền địa phương chỉ còn hai cấp. Từ đó cho thấy, việc đề xuất CQĐT Đà Nẵng đi ngay vào mô hình chỉ có hai cấp và không còn cấp quận, huyện sẽ là vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là sẽ rất "vướng" với luật hiện hành.
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đề xuất Đà Nẵng nên bước vào mô hình chính quyền đô thị chỉ có hai cấp ngay ở giai đoạn bắt đầu thí điểm. (Ảnh: HC) |
Theo ông Bùi Văn Tiếng, đã thí điểm một mô hình chính quyền mới thì điều tiên quyết là phải có tính pháp lý. Song cần hiểu pháp lý ở đây không phải là những đạo luật, điều luật hiện hành. Tính pháp lý ở đây là Bộ Chính trị và Chính phủ đã chính thức có chủ trương và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện mô hình và chắc chắn không chỉ quyết định sửa đổi Hiến pháp để mở đường cho mô hình CQĐT mà sắp tới đây Quốc hội cũng sẽ có Nghị quyết về việc thí điểm mô hình này, như đã từng có Nghị quyết về mô hình thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường năm 2011.
"Nếu xây dựng đề án thí điểm mô hình CQĐT mà quá vướng víu với các quy định hiện hành thì sản phẩm của chúng ta chỉ có thể là "bình mới rượu cũ" và việc thực hiện hai mục đích chính - chính quyền địa phương phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thuận tiện hơn và hiệu lực quản lý, điều hành xã hội của chính quyền địa phương tốt hơn, thống nhất hơn, tập trung hơn - cũng sẽ không khả quan hơn so với hiện nay" - ông Bùi Văn Tiếng nói.
Nhận được đa số ý kiến ủng hộ
Ngay tại cuộc hội thảo ngày 12/9 đã có một số ý kiến từ Văn phòng Thành uỷ, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng... không thống nhất với đề nghị kể trên. Theo đó, Đà Nẵng nên có giai đoạn quá độ, nghĩa là vẫn trải qua 3 giai đoạn như đề án của Sở Nội vụ Đà Nẵng đề xuất chứ không thể đi vào mô hình CQĐT hai cấp ngay từ khi bắt đầu thí điểm. Tuy nhiên luồng ý kiến này chỉ chiếm thiểu số, trong khi đông đảo các ý kiến khác từ Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, UBND quận Cẩm Lệ, các Sở TT-TT, Tài chính, Cục Thuế, Hội Luật gia Đà Nẵng... lại rất ủng hộ đề xuất của ông Bùi Văn Tiếng.
Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán: "Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước có một câu rất hay: "TP có phương án trình Chính phủ phê duyệt thí điểm thực hiện một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp". Đây là cơ sở để Đà Nẵng có thể triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cách mạnh dạn hơn nữa". (Ảnh: HC) |
Phát biểu tham luận sau cùng, PGS-TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nói: "Lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, tôi thấy gần như chúng ta thống nhất mô hình CQĐT hai cấp. Theo tôi, đã làm thí điểm thì làm nhanh chứ không nên chậm nữa. Chúng ta nên nghĩ đến việc triển khai ngay mô hình hai cấp. Dĩ nhiên phải có lộ trình, vì không thể nói hai cấp rồi xoá quận, huyện được ngay. Nếu triển khai ngay trong năm 2014 thì cũng phải đến 2016 mới có thể hoàn thành. Khi đó mới hy vọng nhiệm kỳ sau bắt đầu có mô hình mới, chứ nếu vẫn giữ nguyên 3 cấp cho đến 2016 mới triển khai thì đến 2018, thậm chí 2019 - 2020 vẫn chưa có CQĐT 2 cấp ở Đà Nẵng".
Theo ông Đặng Công Ngữ, vào ngày 16/9 tới sẽ tiếp tục diễn ra cuộc hội thảo thứ hai lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các giới, các cử tri, đặc biệt là của các nhà khoa học... Trong đó tập trung làm rõ các vấn đề: Đại diện của nhân dân trong mô hình CQĐT như thế nào? Dân được lợi gì khi áp dụng mô hình CQĐT?... Từ đó làm cơ sở hoàn thiện Đề án mô hình CQĐT Đà Nẵng trước khi trình Ban Thường vụ Thành uỷ, BCH Đảng bộ TP, HĐND TP để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức CQĐT là quá trình triển khai thực hiện Kết luận 64-KL-TƯ (28/5/2013) của Hội nghị TƯ 7 khoá XI về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ TƯ đến cơ sở. Tuy nhiên về mặt thể chế pháp lý, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể đề cập đến đặc điểm riêng của mô hình tổ chức CQĐT mà vẫn tuân thủ theo các quy định chung về tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền địa phương hiện hành.
Về mặt thực tiễn, trong quá trình xây dựng và phát triển, TP Đà Nẵng là một đô thị hiện đại, phát triển nhanh nên phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Với mô hình tổ chức 3 cấp chính quyền (TP; quận, huyện; phường, xã) hiện nay đôi lúc kém hiệu quả, có lúc quá cồng kềnh, trùng lắp chức năng, dựa dẫm vào nhau, trách nhiệm không rõ ràng, không thực quyền, mang tính hình thức, thiếu cơ chế tự chủ, thiếu tính tự chịu trách nhiệm ở mỗi cấp.
Vì vậy việc nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức CQĐT Đà Nẵng là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, phát huy tính chủ động, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐT, đồng thời góp phần phát triển KT-XH và nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị.