Chỉ Bộ trưởng mới được quyền trưng dụng tài sản của người dân?
Như Infonet đã đưa tin, ngày 4/1, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT). Trong đó, bổ sung một số quyền hạn cho cảnh sát giao thông trong lúc làm nhiệm vụ được quyền trưng dụng tài sản, phương tiện của người dân.
Cụ thể, khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định quyền hạn của cảnh sát giao thông nêu rõ: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, do thông tư không quy định cụ thể những trường hợp, đối tượng nào được phép trưng dụng, trưng mua tài sản của người dân đã làm dấy lên những lo ngại về việc có thể dẫn đến việc cảnh sát giao thông lạm quyền khi làm nhiệm vụ. Vậy có phải cứ cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ là có quyền trưng dụng tài sản của người dân?
Thông tư 01 mới có hiệu lực từ 1/2 và chưa có trường hợp trưng dụng tài sản cá nhân nào.
Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định của pháp luật, đặc biệt là căn cứ vào Luật trưng dụng, trưng mua tài sản được Quốc hội ban hành năm 2008 thì chỉ có Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản theo quy định. Hơn nữa, người có thẩm quyền quy định việc này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Về nguyên tắc, việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt người vi phạm giao thông. (Ảnh: Vạn Xuân) |
Luật cũng quy định rất chặt chẽ điều kiện để đưa trưng dụng, trưng mua tài sản của người dân chỉ được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và phải tuân theo điều kiện, trình tự, thủ tục: Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia; Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia; Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Infonet sáng ngày 1/2, TS Giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Chủ trương thì đúng nhưng cách thức thực hiện thế nào thì phải có một chế tài, quy định, ít nhất người trưng dụng xe đó phải có một giấy đặc biệt".
“Giấy đó có thể được nội bộ ngành công an cung cấp, có con dấu và chữ ký của người có trách nhiệm ở trong đó, khi anh đưa ra buộc người dân phải đồng ý để cho người ta trưng dụng. Sau đó, trên cơ sở đó, người dân sẽ lấy lại phương tiện đã bị cảnh sát trưng dụng. Như vậy vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo an ninh và phù hợp với luật sở hữu của người dân”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.
Còn luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: "Quy định này tạo ra sự tùy tiện rất lớn trong lực lượng cảnh sát giao thông, trong khi trình tự thủ tục ra sao chưa thấy ban hành”.