Chân dung người tình giúp bạn trai 9x thực hiện hàng trăm vụ lừa đảo
Trong số các đối tượng lừa đảo công nghệ cao tại “thủ phủ” Duy Xuyên (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Lê Văn Pháp (SN 1990, ngụ KP Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước) nổi lên là đối tượng “lão luyện” nhất trong “nghề”. Để thực hiện thành công hàng trăm vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, Pháp được giúp sức đắc lực của người tình Nguyễn Thị Phương.
Trong quá trình lang thang trên mạng, Pháp làm quen với Nguyễn Thị Phương (SN 1995, ngụ thôn Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên). Lúc này, Phương đang học cấp 3 tại thị trấn Nam Phước. Phương là con út trong một gia đình có 2 người con gái. Mẹ của Phương bị bệnh suy tim 20 năm nay nên rất ốm yếu, không làm được việc gì. Cha Phương làm nghề phụ hồ, thu nhập không bao nhiêu nhưng phải cáng đáng mọi chi phí cho cả gia đình.
Ông Nguyễn Văn L. đau buồn vì chuyện con gái |
Thương cha mẹ nghèo khó, chị gái của Phương chăm lo học hành, thi đỗ đại học. Ngược lại, Phương lại ham chơi bời khiến người thân buồn lòng. Khi lên bậc trung học thì Phương càng ngày càng hư đốn, từ sáng đến tối vùi đầu vào các tiệm internet để chat và chơi điện tử. Sau khi kết đôi với Pháp, Phương trở nên khó bảo hơn, lừa dối cha mẹ, bỏ nhà đi cả tuần lễ để có thời gian lên mạng và ăn chơi cùng người yêu.
Pháp là đối tượng đầu tiên tại huyện Duy Xuyên bị công an “sờ gáy” về tội lừa đảo công nghệ cao. Sau một thời gian la cà lên mạng tìm hiểu các trang web lừa đảo, giữa năm 2012, Pháp quyết định theo đuổi “nghề” này để kiếm tiền tiêu xài.
Pháp lập một website có tên miền “quahe.us” rồi giới thiệu cho người truy cập nạp thẻ cào điện thoại hoặc thẻ game sẽ có nhiều cơ hội nhận được những phần quà có giá trị lớn.
Khi có người truy cập, Pháp liền thông báo họ đã trúng thưởng rồi hướng dẫn các bước để nhận được quà. Theo cách mà Pháp bày ra, người trúng thưởng phải mua thẻ cào điện thoại hoặc thẻ game nộp vào tài khoản cho Pháp để làm chi phí hồ sơ, phí vận chuyển quà và bàn giao giải thưởng. Đối với quà là xe máy, người trúng thưởng phải nộp thêm lệ phí trước bạ. Khi khách hàng đã nộp tiền xong, Pháp lập tức cắt liên lạc rồi ung dung hưởng số tiền kia.
Nguyễn Thị Phương tại cơ quan công an |
Sau thời gian điều tra, Công an huyện Duy Xuyên đã bắt giữ Pháp vào ngày 19-9-2012 khi y đang thực hiện hành vi lừa những người khác trên mạng. Với hành vi lừa đảo này, Pháp bị TAND huyện Duy Xuyên xử phạt 12 tháng tù giam.
Sau 1 năm bóc lịch trong tù, Pháp trở về nhưng vẫn “ngựa quen đường cũ”. Tháng 9-2014, Pháp lập trang web có tên “trangchuzalo.vn” để cùng đồng bọn thực hiện chiêu lừa trúng thưởng. Khác với lần trước, lần này những phần quà mà trang web này “treo” lên không chỉ có xe máy mà còn có những thứ hấp dẫn khác như máy tính, điện thoại i-phone đắt tiền, rồi phiếu quà tặng hàng trăm triệu đồng… Pháp còn đưa ra những thông tin khiến nạn nhân dễ nhầm lẫn với giải thưởng do Vinagame và Piaggio Việt Nam đồng tài trợ, được nhà nước cấp phép. Trên trang web này còn thể hiện rõ số điện thoại chăm sóc khách hàng, số điện thoại của những người đã từng trúng thưởng để “khách hàng” có thể kiểm chứng.
Giúp sức đắc lực cho Pháp, Phương đóng giả làm người đã từng trúng thưởng khi có nạn nhân gọi điện thoại xác minh. Đồng thời, Phương còn làm “nhân viên tổng đài” hướng dẫn nạn nhân nạp tiền vào các tài khoản mở ở ngân hàng để Pháp cùng đồng bọn rút ra chiếm đoạt.
Cuối năm 2014, biết lực lượng công an “hỏi thăm” nhiều đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao nên Pháp và Phương chuồn vào miền Nam lánh nạn. Tuy nhiên, ngay cả khi lánh nạn, Phương vẫn mượn điện thoại di động của chị gái đang làm việc tại đây để cùng Pháp tiếp tục lừa đảo một số người ở miền Nam.
Sau khi ở miền Nam một thời gian, thấy tình hình yên ắng, Pháp và Phương trở về quê. Lúc này, một số nạn nhân của cặp hacker này làm đơn tố cáo đến Công an TP.HCM về việc họ bị lừa đảo qua mạng.
Ngày 24-4-2015, khi Pháp và Phương đang ở trong một tiệm nét tại thị trấn Nam Phước thì bị Công an ập vào bắt giữ. Theo điều tra ban đầu, số tiền mà nhóm Pháp, Phương lừa đảo lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên cho đến lúc bị bắt, trong túi bọn chúng chỉ còn mấy chục ngàn. Bởi, với số tiền chiếm đoạt được một cách dễ dàng, chúng lao vào ăn chơi ở các quán bar, vũ trường và sử dụng ma túy đá.
Qua trò chuyện với ông Nguyễn Văn L. (SN 1968, cha của Phương) cho biết, Phương thường dối cha mẹ là đi làm nhân viên bán hàng ở Đà Nẵng nhưng lại thuê khách sạn ở với Pháp, cùng nhau sử dụng ma túy đá.
Vào thời điểm sa lưới pháp luật, Phương đang mang thai tháng thứ 5, đó là sản phẩm của những ngày cặp kè với Pháp. Hiện Phương đã sinh con gái được gần 2 tháng và được cho tại ngoại (tại tỉnh Bình Dương) để phục vụ điều tra.
Ông L. mếu máo: “Tôi nợ ngân hàng 30 triệu sáu năm nay chưa trả nổi. Vừa rồi dành dụm được 10 triệu dự định lợp lại mái nhà bị dột nát nhưng giờ phải gửi số tiền đó vào Bình Dương để phụ chị của Phương nuôi Phương và đứa trẻ”.
Giờ đây, không biết đôi trẻ có suy ngẫm gì về quá khứ đen tối của mình. Còn Phương, liệu cô có hối hận khi đã phụ lòng mong mỏi của cha mẹ mà lao theo con đường tội lỗi.
Câu chuyện tình của cặp đôi này là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ đang buông lỏng quản lý và thụ động trong việc giáo dục con cái. Để đến khi hậu quả xảy ra thì hối tiếc cũng đã muộn.
Theo Hải Đường/Báo Công an TP.HCM