"Cấp phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của Huyền Như"(!)
Bản án đã có hiệu lực
Theo đó vào ngày 24/12, vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa nhận định Như là người có chức vụ quyền hạn tại Vietinbank. Do đó hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi thanh toán của 5 đơn vị (Công ty CP Chứng khoán SaigonBank Beryaja, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Đầu tư và Thương mại An Lộc) có dấu hiệu phạm tội “tham ô tài sản”.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của 5 đơn vị trên, tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại theo hướng bị Như phạm tội “tham ô tài sản”.
Các luật sư của Vietinbank cho rằng Như phạm tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là đúng. |
Trước lập luận trên, trong phần bào chữa cho Vietinbank, luật sư Nguyễn Thị Bắc cho rằng ý kiến của VKS “không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Lý do bà Bắc đưa ra là bị cáo Như không kháng cáo, bên cạnh đó VKS cũng không kháng nghị.
Do vậy bản án sơ thẩm đã có hiệu lực từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. “Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cấp phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo đối với phần đã có hiệu lực pháp luật”. – bà Bắc nói.
Có cùng quan điểm trên, trong phần bảo vệ sau đó, luật sư Nguyễn Văn Chung cũng cho rằng: “Tòa phúc thẩm không có quyền xem xét lại tội danh của bị cáo Như”. Trong khi đó vào buổi sáng cùng ngày, luật sư của Như là ông Nguyễn Văn Ngoan cũng đã kiến nghị HĐXX xem xét giữ nguyên tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cấp sơ thẩm đã tuyên với Như“.
“Mục đích của SBBS là kiếm lời”
Cũng trong buổi chiều ngày 25/12, luật sư Bắc tiếp tục đưa ra các quan điểm bác bỏ yêu cầu đòi Vietinbank bồi thường 210 tỷ đồng và lãi phát sinh của Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS).
Tương tự như các lập luận đưa ra với Ngân hàng ACB, bà Bắc khẳng định, ngay từ đầu Như đã nảy ý định huy động tiền của các tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt và trả nợ cá nhân. Bởi vậy bị cáo đã đồng ý ngay khi Vũ Thị Mỹ Linh (Kế toán trưởng SBBS) cho biết muốn gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất cao.
Bà Bắc cũng trích dẫn lời khai của Linh cho thấy Như và Linh đã thỏa thuận lãi suất dao động từ 17% đến 23%/năm tùy từng thời điểm. “Tôi đã báo cáo với lãnh đạo về mức lãi suất từ 16% đến 21% tùy hợp đồng, phần chênh lệch lãi suất thì anh Hải là người nhận tiền và chia lại cho tôi”. – Linh nói
Luật sư của Vietinbank cũng đề cập đến một chi tiết “không bình thường” của SBBS. Theo đó 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn đều quy định lãi suất 14%/năm. Tuy vậy ngoài số tiền lãi đúng theo quy định nhận được hàng tháng, SBBS còn nhận thêm khoản lãi suất chệnh lệch là 4,2 tỷ đồng. Dù biết việc này nhưng SBBS không thông báo cho Vietinbank biết (!?).
Bà Bắc cũng kết luận dù các giao dịch có nhiều bất thường, có nhiều số tiền lớn của người lạ chuyển vào tài khoản nhưng SBBS mặc nhiên chấp nhận và coi đó là tiền của mình.
Vị luật sư cũng nhấn mạnh việc SBBS mở tài không phải để thực hiện các dịch vụ thanh toán, mà để lợi dụng hệ thống thanh toán của Vietinbank nhằm mục đích kiếm lời bất chính.
Do đó, SBBS phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình. Bà Bắc cho rằng, nếu không buộc SBBS phải tự chịu trách nhiệm thì sẽ vô hiệu hóa quy định của Ngân hàng nhà nước về trách nhiệm của chủ tài khoản thanh toán từ đó khuyến khích các hành vi sai phạm.
Trước đó trong phần tranh tụng, luật sư và đại diện của SBBS cho biết tán thành quan điểm cỉa đại diện VKS khi Viện cho rằng Như là người có chức vụ quyền hạn, và bị cáo đã thực hiện chiếm đoạt tài sản của Vietinbank. Điều này đồng nghĩa Vietinbank phải là đơn vị đền bù thiệt hại cho SBBS.
Huyền Như không phải là người có chức vụ
Đề cập đến vai trò của Huyền Như, bà Bắc phân tích, tại thời điểm phạm tội Như được sắp sếp vị trí quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Và quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Điều lệ của Vietinbank thì Như không thuộc đối tượng người quản lý trong hệ thống Vietinbank.
“Như không có quyền tự tổ chức hạch toán và theo dõi số dư trên tài khoản thanh toán. Vì vậy Như không thể là chủ thể tội tham ô. Và điều này cũng phù hợp với thực tế là Như đã tự bỏ tiền của mình để dụ người của SBBS mắc sai phạm từ đó chiếm đoạt”. – bà Bắc nói.