Cán bộ “ngồi” nhầm chỗ: Không hiếm trường hợp “tưởng sai” nhưng lại làm rất tốt!
Đây là chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh câu chuyện cán bộ "ngồi nhầm chỗ".
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, hiện có rất nhiều trường hợp cán bộ bổ nhiệm, tuyển dụng không hợp lý. Nguyên nhân do người giữ vai trò tuyển dụng không hiểu, không đánh giá đúng người được bổ nhiệm, tuyển dụng. Trong đó, không loại trừ những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng là do tiêu cực.
“Những chuyện này ai cũng biết. Bởi nếu như mình tuyển dụng đúng, tất cả mọi người ở các vị trí đều phát huy được tối đa năng lực, làm hết sức mình thì có lẽ đất nước mình đã phát triển hơn nhiều”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, người ta vẫn hay dùng cụm từ “ngồi nhầm chỗ” để nói về những người được tuyển dụng, được bổ nhiệm vào vị trí nhưng không có năng lực, phẩm chất thực hiện, đảm nhiệm vị trí đó chứ không phải để chỉ việc phân công cán bộ không đúng ngành, nghề được đào tạo mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bởi vì theo GS Thuyết, tùy từng trường hợp cụ thể. Có người được bổ nhiệm đúng ngành nghề đào tạo nhưng nếu bố trí vào vị trí quản lý chưa chắc họ đã làm được quản lý. Vì năng lực của họ làm chuyên môn tốt hơn. Do đó, mới xảy ra tình huống bổ nhiệm người có năng lực chuyên môn nhưng “hạn chế” năng lực quản lý thì dù có đúng nghề cũng không phù hợp.
Ngược lại có những người vốn được đào tạo chuyên môn khác nhưng qua quá trình công tác, họ tích lũy được kinh nghiệm, họ nhiệt huyết, sáng tạo, có đầu óc phù hợp với quản lý thì khi sắp xếp họ vào vị trí “tưởng như nhầm” song thực tế họ lại làm rất tốt.
“Thực tế có rất nhiều trường hợp như thế. Có rất nhiều người học một ngành, sau làm quản lý ở ngành khác mà vẫn thành công, có nhiều thành tựu. Đó là chuyện bình thường. Như thế chúng ta không thể gọi đó là 'ngồi nhầm chỗ được'”, GS Thuyết phân tích.
GS Thuyết viện dẫn: “Kể cả có những người quan chức cao, dù không được học đúng chuyên môn nhưng am hiểu từ thực tế cộng với đầu óc thông minh, lanh lợi, có nhiều sáng kiến hay và đúng thực tế, vì cái chung họ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công Thương) Trương Đình Tuyển, là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là ví dụ điển hình. Ông vốn là kỹ sư cơ khí, sau đó ông chuyển sang lĩnh vực thương nghiệp và dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp làm thương mại là việc ông góp công lớn trong quá trình đàm phán đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông có thời gian 11 năm "đồng hành" trên 200 cuộc đàm phán và 28 đối tác đàm phán song phương của Việt Nam.
Vì thế, theo GS Thuyết, một người dù được phân công, bổ nhiệm vị trí trái ngành, trái nghề nhưng vẫn làm việc có hiệu quả, điều đầu tiên nhất đòi hỏi người cán bộ ấy “phải có đức”.
“Đức ở đây đòi hỏi người cán bộ phải vì cái chung, vì tập thể, vì cộng đồng, vì nhân dân, vì đất nước. Khi anh xuất phát từ mục đích chung thì anh mới phát huy được năng lực, tìm tòi học hỏi để mang lại kết quả tốt nhất. Trên thực tế có những ông giỏi, nhưng ông chỉ lo vun vén cho cá nhân, chỉ lo cài con, cắm cháu vào chỗ nọ chỗ kia, tích lũy cho cá nhân thật nhiều. Những ông đó, người dân đâu có thích, rõ ràng ông làm không được việc.
Ngược lại có những người tài năng chỉ ở mức độ đáp ứng được yêu cầu thôi nhưng người ta có tấm lòng, có sự rèn luyện thì người ta sẽ đáp ứng và làm tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, theo tôi cái gốc phải là đức, cái đức ấy phải vì cái chung”, GS Thuyết nhận định.
Thứ nữa, theo GS Thuyết người cán bộ phải xây dựng cho mình kế hoạch, thực hiện kế hoạch rèn luyện bản thân để đáp ứng với yêu cầu công việc. Cũng có thể có người học qua lớp quản lý này, quản lý khác nhưng khi bắt tay vào làm một công viêc sẽ đầy những khó khăn, thách thức. Nếu anh có kế hoạch rèn luyện, kết hợp với tinh thần học hỏi những người xung quanh thì anh sẽ hoàn thành công việc.
“Tiêu chuẩn để cán bộ làm được việc tốt rất đơn giản, nhưng đòi hỏi anh phải làm, phải sáng tạo. Sinh ra ai cũng có hai tay, hai chân, bộ não. Một ông hàng ngày tập tạ, rõ ràng tay khỏe hơn. Một ông hàng ngày đá bóng và chạy, rõ ràng chân ông khỏe hơn. Ông kia hàng ngày suy nghĩ, tìm hiểu, vận dụng thì trí óc sẽ phát triển hơn... Cho nên, trí thông minh trời cho chỉ là yếu tố ban đầu, ở đây muốn làm được việc thì anh phải say mê với công việc vì mục đích chung, có kế hoạch rèn luyện… Chứ đừng nghĩ rằng, anh có cái bằng giỏi là "đã giỏi”, không ai chủ quan được, nhất là làm việc thực tế. Sự thành công không giành cho những người chủ quan, có suy nghĩ như vậy”, GS Thuyết nhấn mạnh.